Chúa Nhật XXX TN A – 2020: Yêu Chúa, yêu người như Đức Giêsu

Mỗi lần đọc lại đoạn Tin Mừng về điều răn yêu thương (x. Mt 22,34-40), chúng ta đều có những cảm nghiệm mới và được thôi thúc để nhìn lại tình yêu của mình đối với Thiên Chúa cũng như đối với con người.

Chúa Nhật XXX TN A – 2020

Yêu Chúa, yêu người như Đức Giêsu

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Mỗi lần đọc lại đoạn Tin Mừng về điều răn yêu thương (x. Mt 22,34-40), chúng ta đều có những cảm nghiệm mới và được thôi thúc để nhìn lại tình yêu của mình đối với Thiên Chúa cũng như đối với con người.

1. Điều răn mến Chúa yêu người

Khi người thông luật trong nhóm Pharisêu hỏi thử Chúa Giêsu “điều răn nào trọng nhất trong sách Luật Môsê”, Người biết rõ khó khăn của họ, bởi vì những người Pharisêu thường giữ cặn kẽ từng chi tiết trong 683 điều luật của Môsê và họ không biết điều luật nào là trọng nhất để tập trung vào đó. Đối với nhiều người Do Thái khác, họ đều biết Mười Điều răn trong giao ước với Thiên Chúa, và cũng muốn biết Đức Giêsu chọn điều nào.

Tuy nhiên, Đức Giêsu đã tóm gọn tất cả lề luật họ biết vào hai điều răn trọng nhất là mến Chúa yêu người. Người nối luật mến Chúa được diễn tả trong kinh Shêma ở sách Đệ Nhị Luật (x. Đnl 6,5) “ngươi phải yêu mến Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn ngươi” với giới luật yêu người ở sách Lêvi “ngươi phải yêu mến người thân cận như chính mình”. Người đã giúp cho những thầy thông luật và người Do Thái hiểu được quy luật yêu thương gồm 2 nội dung như thế nào.

2. Quy luật yêu thương

Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4,16), nên khi Ngài dựng nên muôn loài muôn vật, Ngài bày tỏ tình yêu của Ngài cho tất cả và đặt tình yêu của Ngài trong mỗi thụ tạo để chúng yêu Ngài và chia sẻ tình yêu cho nhau. Vì thế, tình yêu là quy luật của muôn loài. Tình yêu là quy luật được Thiên Chúa đặt vào trong bản chất của sự vật cũng như trong bản tính của con người. Qua cuốn Docat (Người Kitô hữu hành động), Giáo Hội giới thiệu cho chúng ta điều đó, đặc biệt cho giới trẻ, ở ngay chương đầu tiên mang tên Kế hoạch tổng thể của Thiên Chúa là tình yêu.

Nhìn vào vạn vật chúng ta thấy quy luật tình yêu đó được diễn tả một cách hết sức tự nhiên: từ cấu trúc của những nguyên tử, phân tử, điện tử cho đến những sinh vật thượng đẳng như các thiên thần. Chẳng hạn như nước được hình thành từ sự phối hợp của Hydro với Oxy, những âm điện tử của Hydro gắn kết với dương điện tử của Oxy tạo thành nước. Trong thế giới động vật, những con đực và con cái gắn bó với nhau để sinh ra những thế hệ kế tiếp theo bản năng sinh tồn. Cao cả hơn là tình yêu của con người, với ý thức và tự do, con người biết yêu thương nhau cách trong sáng và quảng đại để giúp đỡ nhau, bảo tồn nhân loại và đưa nhân loại đến nền văn minh tình yêu. Cao cả nhất là tình yêu của những thiên thần vì họ là những tinh thần tinh ròng, có khả năng phản ánh trọn vẹn tình yêu tuyệt vời của Thiên Chúa.

Tuy nhiên, kế hoạch tình yêu này gặp cản trở, không được như Thiên Chúa mong muốn. Tại sao? Bởi vì tình yêu luôn luôn đi kèm với tự do cho những loài có tinh thần là hình ảnh của Thiên Chúa. Khi Thiên Chúa đặt tình yêu vào lòng con người cũng như vào các thiên thần, Ngài cho họ có tự do chọn lựa tình yêu hay khước từ tình yêu. Hậu quả là một số thiên thần và con người đã khước từ tình yêu, khước từ chính Thiên Chúa. Do đó, kế hoạch của Thiên Chúa bị lỗi. Khi cắt đứt mối hoà hợp với Thiên Chúa, là nguồn mọi hiện hữu, họ đã đánh mất tất cả những gì tốt đẹp và ân huệ kỳ diệu nên trở thành quỷ dữ, người phàm. Từ đó biết bao thảm hoạ phát sinh do hành động khước từ này.

Thế nhưng, kế hoạch tổng thể của Thiên Chúa không phải chỉ dừng lại ở việc tạo dựng nên muôn loài thọ tạo, ban cho họ tình yêu của Ngài, mà còn đi xa hơn để tiếp tục yêu thương, dù bị chính thụ tạo phản bội. Đức Giêsu cho ta biết rằng:“Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một ” (Ga 3,16), thế gian gồm loài người và toàn thể vũ trụ vật chất, bằng cách cho Con của Ngài trở thành một con người có thể xác vật chất để cứu độ muôn loài. Thiên Chúa tình yêu bây giờ hoá thân thành một con người cụ thể là Đức Giêsu. Tình yêu vốn trừu tượng vì thuộc về tinh thần, bây giờ trở nên cụ thể, rõ ràng, sống động nơi Đức Giêsu. Đức Giêsu là tình yêu cụ thể của Thiên Chúa, là ngôn ngữ sống động để dạy cho ta biết Thiên Chúa yêu thương như thế nào và ta phải yêu thương Thiên Chúa và muôn loài ra sao.

3. Chúa Giêsu dạy về điều răn yêu thương

Vì thế, khi được hỏi điều răn nào trọng nhất, Chúa Giêsu cũng không ngừng lại ở việc mến Chúa hết lòng và yêu người hết mình theo kiểu tóm tắt của bản kinh Mười Điều Răn. Người diễn đạt tình yêu Thiên Chúa trong cuộc sống của mình, trong từng lời nói, cử chỉ, hành động, trong cái chết và sự sống lại của Người, cho nên từ hai điều răn ấy tóm lại chỉ còn một điều răn duy nhất: “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,2).

Muốn biết yêu Chúa như thế nào và yêu anh chị em ra sao, ta hãy nhìn vào Đức Giêsu. Người dành trọn vẹn cho Chúa Cha cho đến phút cuối cùng của cuộc đời: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46). Từ tình yêu dành cho Chúa Cha này, Đức Giêsu thực hiện công trình yêu thương cứu độ mà Chúa Cha đã giao phó cho Người. Do đó, “yêu người thân cận như chính mình” không còn là tiêu chuẩn tốt nhất nữa vì “cái mình của mỗi người đều khác nhau”. Đức Giêsu dạy chúng ta hãy yêu người thân cận hơn chính mình bởi vì Người “đã yêu cho đến cùng” (Ga 13,1), yêu đến độ chảy hết máu và nước trong trái tim mình (Ga 19,34). Người đã chết cho con người được sống. Cho nên yêu người thân cận hơn chính mình mới là cách thể hiện tình yêu của Chúa Giêsu.

Hơn nữa, khi Chúa Giêsu yêu ta, Người nâng ta lên thành Thiên Chúa như Người. Tình yêu không hạ thấp giá trị của người mình yêu hay biến họ thành vật sở hữu, chiều theo những đam mê, dục vọng hay toan tính của con người,. Trái lại, tình yêu phải luôn nâng người yêu lên cao, làm cho họ thăng hoa và phát triển trọn vẹn. Đó là “đặc tính Kitô” của tình yêu. Tình yêu mang tính Kitô này luôn tôn trọng tự do của người tình, đến độ cho phép người đó đóng đinh mình mà vẫn tha thứ cho họ (x. Lc 23,34), đến độ để người tình đâm ngọn giáo vào trái tim mình mà vẫn không bao giờ khép lại (x. Ga 19,34). Đấy là bài học từ trái tim yêu thương của Chúa Giêsu trên thập giá.

4. Làm sao ta có thể yêu thương được như vậy?

Tự sức con người, ta không thể yêu Chúa Cha trọn vẹn và yêu người thân cận hơn mình như Chúa Giêsu. Nhưng chúng ta lại có thể dễ dàng đạt tới “tột đỉnh yêu thương” nếu ta biết kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu và thở được Thần Khí Tình Yêu của Người. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu Phục Sinh thổi hơi trên các môn đệ và ban Thánh Thần cho họ (x. Ga 20,22). Thánh Thần chính là Ngôi Ba Thiên Chúa, là Đấng nối kết Ngôi Cha và Ngôi Con lại với nhau và nối kết chúng ta lại với Thiên Chúa.

“Thiên Chúa đổ tình yêu vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần Ngài ban cho chúng ta” (x. Rm 5,5) để giúp ta yêu thương như Chúa Giêsu. Vì thế, nếu muốn yêu thương cách trọn vẹn, ta hãy hành động theo sự soi sáng của Chúa Thánh Thần. Chúng ta hãy chia sẻ cho mọi người, mọi vật gần gũi với mình những ân huệ, nguồn lực vật chất và tinh thần, mà Chúa Thánh Thần ban cho ta trong cuộc sống thường ngày, nhất là cho những người nghèo khổ, mồ côi, goá bụa như Bài đọc I kêu gọi (x. Xh 22, 20-26).

Lời kết

Hôm nay chúng ta tự kiểm điểm xem tình yêu của mình đã mang tính Kitô chưa? Cầu chúc anh chị em luôn kết hợp với Chúa Giêsu và thở được Thần Khí của Người nhiều lần trong ngày sống. Như thế, ta mới hy vọng trở thành chứng nhân tình yêu của Đức Giêsu trong thời đại khan hiếm tình yêu chân thực này.