25/12/2024

Xét tuyển đại học 2020: Từ đậu thành rớt vào phút cuối, vì sao?

Xét tuyển đại học 2020: Từ đậu thành rớt vào phút cuối, vì sao?

Mỗi mùa tuyển sinh đều có ít nhất một vài thí sinh phải khóc hết nước mắt vì bất ngờ nhận tin đậu thành rớt nguyện vọng vào phút cuối dù điểm thi cao hơn điểm chuẩn.
Thí sinh làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Sài Gòn năm nay /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Thí sinh làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Sài Gòn năm nay ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Nguyên nhân phần lớn trong nhiều trường hợp đậu thành rớt là do bản thân thí sinh (TS) bị nhầm lẫn trong điều chỉnh nguyện vọng hoặc chưa tìm hiểu kỹ đề án tuyển sinh khi xét tuyển vào các trường có quy định riêng.

Điểm thi cao hơn điểm chuẩn vẫn rớt

Dù từng được cảnh báo nhưng trường hợp TS có điểm thi cao hơn điểm chuẩn trường công bố mà không có tên trong danh sách trúng tuyển vẫn xảy ra trong mùa tuyển sinh năm nay.
Trường hợp điển hình năm nay là một TS xét tuyển vào ngành dược học Trường ĐH Dược Hà Nội. TS này có điểm thi tốt nghiệp THPT tổ hợp A00 đạt 27,25 điểm, cao hơn điểm chuẩn ngành này trường đã công bố là 26,9 điểm. Dù nhận được giấy báo trúng tuyển nhưng khi đến làm thủ tục nhập học, TS mới biết mình không đủ điều kiện trúng tuyển vì không đủ điều kiện ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp. Cụ thể, trường yêu cầu TS cần có kết quả học tập 3 năm THPT của mỗi môn trong tổ hợp xét tuyển (toán, lý, hóa) không dưới 7, trong khi điểm môn vật lý năm lớp 10 TS này chỉ đạt 6,8 điểm.
Cũng trong năm nay, một TS khác của Trường THPT Bỉm Sơn (Thanh Hóa) dù đạt 27,4 điểm nhưng bất ngờ mất cơ hội vào ĐH xuất phát từ việc thực hiện điều chỉnh nguyện vọng. TS này ban đầu đăng ký nguyện vọng 1 là Trường Sĩ quan lục quân, sau khi có điểm thi đã thực hiện chuyển nguyện vọng sang Học viện Kỹ thuật quân sự và hệ thống máy tính đã báo chuyển thành công. Dù điểm chuẩn trường thông báo chỉ 26,5 nhưng khi xem danh sách TS trúng tuyển của Học viện Kỹ thuật quân sự không thấy TS này. Tìm hiểu thông tin TS mới biết quy định 2 trường trên là 2 nhóm trường không thể chuyển đổi nguyện vọng cho nhau.
Không chỉ năm nay, trường hợp TS từ đậu thành trượt nguyện vọng vào phút cuối từng xảy ra và được cảnh báo ở các năm trước. Năm 2015, ĐH Huế có 47 TS có giấy báo nhập học đến làm thủ tục tại trường thì được thông báo không trúng tuyển. Trong đó, 34 TS do khai sai đối tượng và khu vực ưu tiên, 13 trường hợp không đạt điều kiện về hạnh kiểm.
Năm ngoái, một số TS có điểm thi cao hơn điểm chuẩn vẫn không trúng tuyển vào ngành năng khiếu của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và Trường ĐH Sài Gòn. TS H. (ngụ Q.3, TP.HCM) có điểm thi 22,75 nhưng rớt nguyện vọng vào ngành sư phạm mầm non Trường ĐH Sài Gòn với điểm chuẩn 22,25. Còn Đ.V.T (ở Quảng Nam) cũng đăng ký ngành sư phạm âm nhạc trường này với điểm thi 21,5 – cao hơn điểm chuẩn tới 3,5 điểm nhưng cũng không trúng tuyển. Tình trạng điểm thi cao hơn điểm chuẩn nhưng vẫn rớt cũng xảy ra với một số TS xét tuyển vào ngành giáo dục thể chất của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm nay.
Các TS trên đã không đủ điều kiện điểm sàn môn văn hóa theo quy định của Bộ GD-ĐT khi xét tuyển các ngành sư phạm. Trong đó, ngành giáo dục thể chất TS cần đạt điểm 2 môn văn hóa từ 12 trở lên, ngành giáo dục mầm non ngưỡng 2 môn văn hóa cần đạt 12,67 điểm trở lên. Trong khi các TS trên có điểm thi môn văn hóa thấp hơn sàn này.

Do TS nhầm lẫn, thiếu thông tin

Phân tích về nguyên nhân xảy ra các tình huống trên, chuyên gia tuyển sinh các trường ĐH đều cho rằng phần lớn lỗi xuất phát từ TS.
Theo thạc sĩ Huỳnh Tổ Hạp, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, một số tình huống đáng tiếc xảy ra là do TS không nắm rõ quy chế và một số quy định riêng trong đề án tuyển sinh các trường. Đôi khi, một số trường hợp TS mất cơ hội trúng tuyển vào ngành và trường mong muốn do những nhầm lẫn trong thực hiện điều chỉnh nguyện vọng.
Chẳng hạn, năm nay có TS thực hiện điều chỉnh nguyện vọng thành công vào Trường ĐH Sài Gòn nhưng ngày công bố điểm chuẩn TS “té ngửa” vì không có tên trong danh sách trúng tuyển. Khi đến trường hỏi thông tin kèm theo minh chứng bản chụp màn hình máy tính sau khi thực hiện điều chỉnh, TS mới phát hiện nhầm lẫn đáng tiếc là thực hiện trong thời gian thử nghiệm. Năm nay, Bộ GD-ĐT có 3 ngày (11 – 13.9) cho phép TS tập dượt làm quen với điều chỉnh nguyện vọng và kết quả này đã bị xóa hết khỏi hệ thống trước khi thực hiện chính thức.
“Nếu không nhầm lẫn, TS trên hoàn toàn không mất đi cơ hội trúng tuyển vào ngành và trường mong muốn”, thạc sĩ Hạp chia sẻ.
Đồng quan điểm này, tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cũng khuyến cáo chung với TS khi tham gia xét tuyển cần đọc kỹ thông tin ngành, trường công bố trong đề án tuyển sinh. Đặc biệt là những trường đa ngành với những điều kiện phụ ở các ngành cụ thể.
“Các tình huống từ đậu thành rớt thường xảy ra vào những phút cuối cùng của khâu xét tuyển. Trong khi những sai sót, nhầm lẫn xuất phát từ TS dẫn đến không thể khắc phục hệ quả càng thiệt thòi lớn với người học”, tiến sĩ Hải lưu ý.
BẢO HÂN
TNO