17/11/2024

Sri Lanka trong vòng xoáy cạnh tranh Mỹ – Trung

Sri Lanka trong vòng xoáy cạnh tranh Mỹ – Trung

Sri Lanka đang đối diện áp lực ngày càng gia tăng trong bối cảnh cạnh tranh địa chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ trong khu vực.
Cảng Hambantota của Sri Lanka đã cho Trung Quốc thuê trong 99 năm /// Ảnh: AFP
Cảng Hambantota của Sri Lanka đã cho Trung Quốc thuê trong 99 năm ẢNH: AFP
Reuters hôm qua 23.10 dẫn lời Phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Nam và Trung Á Dean Thompson kêu gọi Sri Lanka đảm bảo nền kinh tế độc lập, trong bối cảnh nước này đang chịu ảnh hưởng ngày càng gia tăng từ Trung Quốc.
“Chúng tôi khuyến khích Sri Lanka xem lại các lựa chọn chúng tôi đưa ra về phát triển kinh tế minh bạch và bền vững, trái với những phương thức mang tính phân biệt và mù mờ. Chúng tôi khuyến khích Sri Lanka đưa ra quyết định khó khăn nhưng cần thiết nhằm đảm bảo sự độc lập về kinh tế vì thịnh vượng lâu dài”, ông Dean Thompson kêu gọi.

Chuyến công du của ngoại trưởng Mỹ

Hãng Reuters hôm qua đưa tin Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo dự kiến sẽ công du nhiều nước trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific) trong tuần tới, bắt đầu bằng chuyến thăm Ấn Độ nhằm củng cố mối quan hệ chiến lược với quốc gia đang căng thẳng với Trung Quốc. Ông Pompeo cũng sẽ thăm Sri Lanka và Maldives, 2 quốc gia Ấn Độ Dương đang đối diện khoản nợ lớn từ các dự án hạ tầng do Trung Quốc hỗ trợ, trước khi đến Indonesia.
“Chúng tôi mong muốn củng cố mối quan hệ trọng yếu với các bạn bè và đối tác, nhấn mạnh cam kết sâu sắc của chúng tôi với Indo-Pacific và lan tỏa tầm nhìn về đối tác và thịnh vượng dài hạn trong khu vực”, theo ông Thompson.

Phản ứng sau phát biểu trên của ông Thompson, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua cho rằng Mỹ sẽ không thành công trong việc mà Bắc Kinh cho là “bắt nạt các nước chọn bên vì mối quan hệ của họ với Trung Quốc”.

Theo trang Observer Research Foundation, chính phủ Mỹ cáo buộc Trung Quốc có các khoản cho vay mờ ám với nhiều nước, trong đó có Sri Lanka. Vào năm 2017, quốc gia Nam Á này ký hợp đồng trị giá 1,12 tỉ USD để cho Trung Quốc thuê cảng Hambantota trong vòng 99 năm. Ngoài những dự án đầu tư của Trung Quốc, Sri Lanka còn nhận 500 triệu USD khoản vay ưu đãi trong 10 năm, chưa kể những hỗ trợ được thỏa thuận trong chuyến thăm mới đây của phái đoàn cấp cao Trung Quốc.
Đại sứ Mỹ tại Sri Lanka Alaina Teplitz dẫn nghiên cứu năm 2019 của Ngân hàng Thế giới kết luận, hơn 60% các dự án do Trung Quốc cấp vốn trong sáng kiến Vành đai và Con đường được trao cho các công ty Trung Quốc, đồng thời cho rằng các quy trình đấu thầu không rõ ràng.
Theo bà, Tổ chức Verité Research (Sri Lanka) khi nghiên cứu 50 khoản vay giá trị cao của Trung Quốc dành cho Sri Lanka đã nhận thấy có đến 29 khoản mang tính ràng buộc, nghĩa là hợp đồng phải được trao cho nhà thầu Trung Quốc, trong khi việc cạnh tranh rộng rãi có thể có lợi về giá và đảm bảo chất lượng tốt hơn.
Theo trang The Citizen, khi trả lời phỏng vấn một tờ báo Sri Lanka, Đại sứ Teplitz bày tỏ quan ngại về nguy cơ Sri Lanka bị Trung Quốc tác động thông qua các dự án phát triển và đối diện nguy cơ mất chủ quyền. “Chúng tôi quan tâm việc Sri Lanka không dễ bị thương tổn trong các mối quan hệ, có thể đàm phán các thỏa thuận tốt nhất để có các kết quả bền vững, có quan tâm môi trường và phù hợp khả năng”, bà phát biểu.
Đại sứ quán Trung Quốc ở Sri Lanka đã lên tiếng chỉ trích bà Teplitz “coi thường các thông lệ ngoại giao khi đưa ra những phát biểu bất lợi” cho Sri Lanka và Trung Quốc.
KHÁNH AN
TNO