24/11/2024

10 năm đào tạo nghề cho lao động nông thôn

10 năm đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” với mục tiêu đào tạo khoảng 1 triệu người mỗi năm, giúp họ tăng thu nhập, góp phần vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp…

 

10 năm đào tạo nghề cho lao động nông thôn - Ảnh 1.

Đào tạo nghề may công nghiệp cho LĐNT tại một tổ hợp may công nghiệp tại gia ở huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi – Ảnh: VŨ YẾN

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Việt Hương – phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) – cho biết 10 năm thực hiện đề án để lại nhiều kết quả tích cực và bài học kinh nghiệm.

Thu nhập tăng 2,7 lần

* Sau một thập niên triển khai đề án, kết quả thu được có những điểm sáng nào, thưa bà?

– Thứ nhất, nhận thức của các cấp các ngành và người lao động về đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) thay đổi rõ rệt. Thứ hai, số LĐNT được đào tạo tăng, đạt khoảng 9,6 triệu người học nghề trong 10 năm và 80% có việc làm mới. Thứ ba, đào tạo nghề cho LĐNT góp phần quan trọng thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tỉ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 28% (2010) lên 65% (2020).

Thu nhập bình quân của lao động tăng từ 37,9 triệu đồng (2009) lên 102,2 triệu đồng (2018), gấp 2,7 lần. Thứ tư, đào tạo nghề cho LĐNT góp phần giảm nghèo. Gần 200.000 hộ nghèo có người tham gia học nghề đã thoát nghèo. Gần 300.000 người sau học nghề đã tìm được việc và có mức thu nhập cao hơn bình quân chung của địa phương.

Bên cạnh những điểm sáng, quá trình triển khai đề án gặp một số tồn tại như hiệu quả không đồng đều giữa các vùng, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề chưa được phối hợp tốt giữa trung ương và một số địa phương. Điều này dẫn đến bố trí kinh phí gặp khó khăn. Nhiều nơi bố trí rất ít so với nhu cầu để thực hiện kế hoạch, mục tiêu được phê duyệt.

* Việc lựa chọn các ngành nghề đào tạo cho LĐNT được định hướng như thế nào?

– Trong quá trình triển khai thực hiện đề án, Bộ LĐ-TB&XH đã có các văn bản hướng dẫn địa phương, cơ sở tổ chức đào tạo nghề cho LĐNT. Cụ thể, với lĩnh vực phi nông nghiệp, định hướng tập trung đào tạo các nghề kỹ thuật công nghệ, công nghiệp, xây dựng. Đào tạo nghề giúp các học viên có thể làm việc trong các khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghiệp, các dự án đầu tư lớn có ý nghĩa quan trọng tại địa phương. Một hướng khác là đào tạo cho lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng.

Với lĩnh vực nông nghiệp, bộ định hướng tập trung đào tạo nghề cho lao động làm việc ở các trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã. Điều này nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất sạch, hữu cơ, tiến tới nông nghiệp thông minh hiện đại. Ba trục sản phẩm được định hướng bao gồm sản phẩm nông sản quốc gia, sản phẩm nông sản cấp tỉnh và sản phẩm đặc sản địa phương (OCOP).

10 năm đào tạo nghề cho lao động nông thôn - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Việt Hương

Thêm nguồn lực phát triển

* Với vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, việc đào tạo nghề cho LĐNT có gì đặc biệt, thưa bà?

– Trong giai đoạn 2021-2025, đào tạo nghề cho lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt là các vùng đặc biệt khó khăn được Bộ LĐ-TB&XH đề xuất trong chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Mục tiêu là nhằm khai thác tiềm năng của vùng, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giảm dần địa bàn đặc biệt khó khăn.

Trong sự phát triển của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, GDNN là một nội dung không thể thiếu, qua đó giúp nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động, góp phần tăng năng suất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nơi đây. Mục tiêu đến năm 2025, có 50% người lao động trong độ tuổi vùng dân tộc thiểu số và miền núi được đào tạo nghề.

* Để tăng cường hiệu quả đào tạo nghề cho LĐNT những năm tiếp theo, Tổng cục GDNN sẽ có các “kế sách” gì?

– Trong thời gian tới, Tổng cục GDNN triển khai các giải pháp như tăng cường tuyên truyền, phổ biến về chủ trương, chính sách đào tạo nghề nghiệp nói chung, đào tạo nghề cho LĐNT nói riêng.

Tăng cường gắn kết GDNN với doanh nghiệp, đa dạng hóa các hình thức đào tạo, linh hoạt đáp ứng yêu cầu của người lao động, đặc thù về phong tục, tập quán, đặc điểm kinh tế – xã hội của từng địa phương với phương châm “chỉ tổ chức đào tạo khi có dự báo về việc làm, thu nhập sau đào tạo”. Tổng cục sẽ tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở GDNN. Huy động doanh nghiệp tham gia giải quyết việc làm cho người lao động…

* Trong bối cảnh dịch COVID-19, việc đào tạo nghề trong năm 2020 có gặp nhiều ảnh hưởng không, thưa bà?

– Theo kế hoạch, năm 2020 sẽ tổ chức đào tạo trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác cho trên 2,3 triệu người. Ước tính 6 tháng đầu năm đã tổ chức đào tạo cho 457.000 người, đạt 19,6% kế hoạch. Dự kiến năm 2020 vẫn sẽ đào tạo cho 2,2 triệu người, đạt 97,4% so với kế hoạch của các địa phương. Các ngành nghề chủ yếu tổ chức đào tạo trong 6 tháng đầu năm tập trung vào các lĩnh vực gia công, dịch vụ, may mặc, lái xe…

Ngoài ra, nhằm giúp người lao động mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nói riêng nâng cao kỹ năng nghề nghiệp để sớm tham gia trở lại thị trường lao động, Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động bị mất việc làm. Trước mắt, tập trung hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho lao động bị mất việc làm do COVID-19 từ nguồn kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho LĐNT trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Kinh phí khoảng 4.200 tỉ đồng

Kinh phí thực hiện đề án được lấy từ nguồn vốn sự nghiệp chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2016-2020, khoảng 4.200 tỉ đồng. Trong giai đoạn 2016-2019, các bộ, ngành địa phương bố trí được trên 1.300 tỉ đồng, đạt 31% kế hoạch kinh phí cả giai đoạn 2016-2020. Năm 2020, Tổng cục GDNN đề xuất kế hoạch thực hiện kinh phí khoảng 1.475 tỉ đồng.

TRỌNG NHÂN thực hiện
TTO