26/12/2024

Nhà khoa học Mỹ – Trung hợp tác nghiên cứu bất chấp căng thẳng giữa hai nước

Nhà khoa học Mỹ – Trung hợp tác nghiên cứu bất chấp căng thẳng giữa hai nước

Bất chấp quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang căng thẳng trên nhiều mặt trận, các nhà khoa học ở hai nước này vẫn tiếp tục hợp tác trong một số nghiên cứu, gồm cả những dự án có tiềm năng dùng trong quân sự.

 

Nhà khoa học Mỹ - Trung hợp tác nghiên cứu bất chấp căng thẳng giữa hai nước - Ảnh 1.

Nhà vật lý học người Mỹ Marlan Scully dẫn đầu nhóm quang học lượng tử của Đại học Texas A&M ở bang Texas, Mỹ – Ảnh: Tamu.edu

Báo South China Morning Post (SCMP) ngày 22-10 đăng câu chuyện các nhà khoa học Mỹ và Trung Quốc vẫn hợp tác chung bất chấp tình trạng đối đầu căng thẳng giữa hai nước.

Tại thành phố Hợp Phì thuộc tỉnh An Huy ở đông nam Trung Quốc, một nhóm nhà nghiên cứu – dẫn đầu là nhà vật lý học Trung Quốc Phan Kiến Vĩ (Pan Jian Wei) – đã xây dựng một thiết bị mới có tiềm năng sử dụng trên chiến trường.

Thiết bị của ông Phan là nguồn ánh sáng nhạy cảm nhất trên Trái đất. Nó có thể tạo ra hạt photon hay hạt ánh sáng mà có thể được dùng để tạo điều kiện cho việc liên lạc siêu an ninh, phát hiện các vi sinh vật chưa được biết đến hoặc tìm ra một chiếc tàu ngầm đang ẩn nấp sâu hàng trăm mét dưới đại dương.

Nghiên cứu trên được đăng trên tạp chí Physical Review Letters. Tài liệu được công bố cho thấy Marlan Scully, một nhà vật lý học ở Mỹ, đã tham gia dự án này. Scully là nhà lý thuyết lượng tử hàng đầu tại Đại học Texas A&M và Đại học Princeton ở Mỹ.

Theo các nhà nghiên cứu đọc tài liệu trên, dự án có sự hợp tác giữa ông Phan và ông Scully thiên về “khoa học cơ bản” dù dự án có tiềm năng dùng trong quân sự.

Tuy nhiên, đó lại không phải là trường hợp của bà Jian Li, giám đốc phòng thí nghiệm phân tích quang phổ tại Đại học Florida, với các nghiên cứu nhằm “giải quyết những vấn đề thực tế”. Bà Jian Li hiện mang quốc tịch Mỹ.

Hồi tháng 4, bà là đồng tác giả của một của nghiên cứu chung với những người đến từ Viện Nghiên cứu âm học ở Bắc Kinh, trong đó đề xuất biện pháp đối phó các vụ tấn công gây nhiễu tín hiệu trong tác chiến điện tử và tàu ngầm.

Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí EEE Transactions on Aerospace and Electronic Systems, phương pháp mới sẽ cho phép một người vận hành rađa hoặc sonar ước tính chính xác hơn số lượng và vị trí của các máy gây nhiễu của địch.

Đáng chú ý, tài trợ cho phòng thí nghiệm của bà Jian Li là lực lượng không quân, lục quân và hải quân Mỹ, Cơ quan hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA), Cơ quan Chỉ đạo các dự án nghiên cứu quốc phòng tiên tiến Mỹ (DARPA) và các nhà thầu quốc phòng như Lockheed Martin. Phía viện nghiên cứu của Trung Quốc cũng có mối quan hệ thân thiết với Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA).

Cả ông Marlan Scully và bà Jian Li hiện chưa bình luận về các thông tin trên. “Sự hợp tác như vậy nên nhận được sự chấp thuận từ nhà chức trách liên quan của hai bên. Với tình hình hiện tại, các nhà nghiên cứu cần cẩn thận về mỗi bước đi của họ. Có mìn ở khắp nơi”, báo SCMP dẫn bình luận của một nhà khoa học ở Thượng Hải.

Hồi tháng 1-2020, Charles Lieber, cựu trưởng khoa hóa và sinh hóa tại Đại học Harvard (Mỹ), bị bắt vì nghi khai gian dối với chính quyền liên bang về hoạt động của ông ở Trung Quốc. Một số nhà nghiên cứu gốc Hoa cũng từng bị sa thải hoặc điều tra. Chính quyền Tổng thống Donald Trump còn cắt giảm các nguồn quỹ và tước visa (thị thực) với sinh viên, nhà nghiên cứu Trung Quốc.

Chính phủ Mỹ đã cáo buộc Trung Quốc ăn cắp một loạt công nghệ của Mỹ từ vắc xin ngừa COVID-19 cho tới máy tính lượng tử, nhưng phía Bắc Kinh bác bỏ các cáo buộc này.

BÌNH AN
TTO