24/11/2024

Giáo viên bộ môn kiêm chuyên gia tâm lý

Giáo viên bộ môn kiêm chuyên gia tâm lý

Gần đây xảy ra nhiều sự việc học sinh đánh nhau, bị bạo hành, tự tử vì bị trầm cảm càng cho thấy tư vấn tâm lý học đường vô cùng cần thiết nhưng trên thực tế lại không được chú trọng.

 

Ở nhiều trường THPT, người tư vấn tâm lý thường là giáo viên kiêm nhiệm /// Ảnh: Phạm Hữu
Ở nhiều trường THPT, người tư vấn tâm lý thường là giáo viên kiêm nhiệm ẢNH: PHẠM HỮU

Không thể theo sát diễn biến từng học sinh

Khảo sát tại một số trường THPT trên địa bàn TP.HCM cho thấy do cơ chế nên nhiều trường đã phân giáo viên (GV) bộ môn phải kiêm nhiệm luôn tư vấn tâm lý.
Ông Nguyễn Vân Yên, Hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương (Q.5, TP.HCM), cho biết từ nhiều năm qua, trường đã thiết lập một phòng tư vấn cho học sinh (HS) với 2 nhiệm vụ, tư vấn tâm lý và hướng nghiệp. GV tư vấn về tâm lý tuổi học trò, sức khỏe sinh sản cho HS nữ là 2 GV bộ môn giáo dục công dân kiêm nhiệm.
Theo ông Yên, từ khi triển khai hoạt động tư vấn cũng đã giải quyết được một số vướng mắc của HS. Tuy nhiên, trở ngại nhất là HS còn khá rụt rè khi chia sẻ với thầy cô về vấn đề của mình. Mặt khác, về tâm lý sức khỏe cũng còn hạn chế vì GV vẫn chưa có chiều sâu chuyên môn. Ngoài ra, GV chỉ tư vấn khi HS có nhu cầu tìm đến chứ không thể theo sát diễn biến từng HS cụ thể vì số lượng HS quá đông.
Ông Nguyễn Tấn Sĩ, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Văn Can (Q.8, TP.HCM), cho biết sở dĩ có việc kiêm nhiệm này vì ngành giáo dục không có biên chế cho chuyên gia chuyên trách. Các GV kiêm nhiệm thay phiên trực khi không có tiết dạy và được hưởng thêm chế độ ngoài giờ. Về chuyên môn, GV chỉ được học từ các lớp tập huấn của sở GD-ĐT. Hình thức tư vấn theo kiểu trực tiếp tại phòng và qua hộp thư điện tử.
“Đây là một nhu cầu có thực của HS. Nhiều lúc HS chạy xuống phòng tôi hỏi ngày giờ trực của các cô để được tư vấn. Thường khi gặp vấn đề về chuyện tình cảm, gia đình, các em sẽ tìm đến GV tư vấn”, ông Sĩ cho hay.

Mới chỉ giải quyết phần ngọn

Cô Chu Thị Lan, Trường THPT Hùng Vương (Q.5), cũng là GV bộ môn kiêm nhiệm tư vấn tâm lý. Theo cô Lan, vì là dân “tay ngang” chỉ được tập huấn tâm lý thời gian ngắn nên nhiều ca cần chuyên môn sâu cô phải tham vấn lại từ chuyên gia ở bên ngoài.

Cần người có chuyên môn sâu

Tiến sĩ xã hội học, thạc sĩ tâm lý lâm sàng Phạm Thị Thúy cho rằng hiện nay nhu cầu tham vấn tâm lý của HS là có thật. Nguyên nhân từ các vấn đề xã hội, gia đình, nhà trường liên quan tâm đến tâm lý HS ngày càng gia tăng. Tất cả những vấn đề đó cần phải được gỡ rối. Tuy nhiên, ở các trường hiện nay vướng phải nhiều cơ chế. Trường học chưa có chuyên gia chuyên môn sâu nên còn nhiều hạn chế. Nhiều trường đang tận dụng GV kiêm nhiệm nhưng thiếu kinh nghiệm tham vấn nên không đạt hiệu quả cao. Trong khi đó những sinh viên tốt nghiệp ngành tâm lý có chuyên môn sâu khi ra trường thì không được tuyển vào làm việc.

“Trong tham vấn tâm lý không khỏi bỏ sót nhiều trường hợp HS cần chia sẻ. Vì vậy rất cần sự quan tâm của gia đình, bạn bè, thầy cô khác hỗ trợ mới có thể giải quyết được”, cô Lan nói.

Ông Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên Chu Văn An (Q.5), cho rằng trường học rất cần những người có chuyên môn về tâm sinh lý tuổi học trò. Trong quá trình quản lý, ông Hoàng nhận thấy nhiều trường hợp HS gặp áp lực từ gia đình, tình cảm, học tập nên rất cần chia sẻ. Nếu chú trọng về tâm lý HS, trường học nên bắt đầu từ những cấp học nhỏ nhất để HS có cảm giác quen thuộc và tin tưởng với chuyên gia tâm lý.
“Quan trọng nhất với chuyên gia là phải có kinh nghiệm sống, nhất là cái tâm trong công việc mới hiểu được áp lực tâm lý của HS. Cái sai ở trường học hiện tại là nếu có chuyên gia cũng chỉ giải quyết phần ngọn. Vì một người không thể theo sát hàng trăm HS. Trong khi đó vì làm công tác kiêm nhiệm tư vấn tâm lý nên đa phần hiện nay GV thường làm qua loa”, ông Hoàng nhận xét.
Hiệu phó một trường THPT ở Q.8 cho hay trường cũng có một biên chế chuyên gia tâm lý từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, do chỉ có một người phụ trách nên khó sát sao đến từng HS.
Từ góc độ trường tư thục nội trú, ông Nguyễn Đình Độ, Hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân, cho biết công tác tâm lý cho HS là không thể thiếu. Tiêu chí chọn người quản nhiệm ở trường phải có chuyên môn về lĩnh vực tâm lý hoặc xã hội học bởi HS ở nội trú thường có nhiều hoàn cảnh đặc biệt, sống xa gia đình trong thời gian dài. Do đó, người quản nhiệm nội trú có chuyên môn về tâm lý sẽ là người hiểu HS nhất. Cho nên nếu chỉ xây dựng mô hình một chuyên gia tâm lý đảm trách chuyên biệt làm việc theo giờ hành chính thì khó có thể tiếp cận và giải quyết gốc rễ cho từng HS.
PHAM HỮU
TNO