25/12/2024

Doanh nghiệp vừa và nhỏ ở châu Âu trước nguy cơ sụp đổ hàng loạt vì COVID-19

Doanh nghiệp vừa và nhỏ ở châu Âu trước nguy cơ sụp đổ hàng loạt vì COVID-19

Theo khảo sát của công ty tư vấn về quản lý McKinsey công bố ngày 22-9, hơn nửa số doanh nghiệp vừa và nhỏ (SOEs), với khả năng tạo việc làm cho 2/3 người lao động ở châu Âu có nguy cơ đóng cửa trong 12 tháng tới.

 

Doanh nghiệp vừa và nhỏ ở châu Âu trước nguy cơ sụp đổ hàng loạt vì COVID-19 - Ảnh 1.

Lệnh giới nghiêm ở châu Âu khiến nhiều cửa hàng phải đóng cửa sớm, ảnh hưởng phần nào đến kết quả kinh doanh vốn đã ì ạch do dịch bệnh COVID-19 – Ảnh: REUTERS

Khảo sát được thực hiện vào tháng 8-2020, trước khi xuất hiện làn sóng gia tăng khủng khiếp về số ca nhiễm virus corona chủng mới hiện nay trên khắp châu Âu.

McKinsey khảo sát hơn 2.200 công ty ở 5 quốc gia gồm Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha và Anh, và nhận định sẽ có 55% các công ty được khảo sát phải đóng cửa vào tháng 9-2021 nếu lợi nhuận tiếp tục ì ạch như hiện nay.

Theo quỹ đạo hiện tại, cứ 10 công ty vừa và nhỏ thì có một công ty dự kiến ​​sẽ khai phá sản trong vòng sáu tháng.

Kết quả khảo sát này công bố trong bối cảnh đã có nhiều cảnh báo về một làn sóng vỡ nợ sắp xảy ra. Quỹ Tiền tệ quốc tế và nhiều tổ chức khác ở châu Âu kêu gọi các chính phủ tăng gấp đôi hỗ trợ từ ngân sách để giúp các công ty vượt qua đại dịch COVID-19.

Tháng trước, thăm dò với các nhà kinh tế của Reuters dự báo nền kinh tế của khu vực sử dụng đồng Euro sẽ tăng trưởng 5,5% năm 2021 sau khi giảm khoảng 8% trong năm nay. Tuy nhiên, họ cũng cảnh báo sự phục hồi này không ổn định và dễ bị tác động nếu virus tiếp tục lây lan.

Khái niệm doanh nghiệp vừa và nhỏ dùng để chỉ các công ty có dưới 250 nhân viên. Tại châu Âu, các công ty này tạo việc làm cho hơn 90 triệu người nhưng do quy mô nhỏ, các công ty thường gặp vấn đề khủng hoảng dòng tiền.

Trong tuần này, Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) cho biết: “Các nhà hoạch định chính sách cần phải làm tất cả những gì cần thiết để ngăn chặn đại dịch và thiệt hại kinh tế do nó gây ra, đồng thời không nên ngừng hỗ trợ sớm”.

Đối với các công ty, các chính sách hiện cần đa dạng, không chỉ giới hạn ở việc hỗ trợ thanh khoản mà cần hỗ trợ cho các công ty mất khả năng thanh toán nhưng có tiềm năng tiếp tục kinh doanh bằng cách tạo điều kiện tái cơ cấu nợ hoặc cấp vốn chủ sở hữu cho các công ty.

HỒNG VÂN
TTO