27/12/2024

Nga sẵn sàng đóng băng đầu đạn hạt nhân để gia hạn hiệp ước với Mỹ

Nga sẵn sàng đóng băng đầu đạn hạt nhân để gia hạn hiệp ước với Mỹ

Ngày 20.10, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố Moscow sẽ sẵn sàng đóng băng toàn bộ đầu đạn hạt nhân nếu Mỹ làm điều tương tự để gia hạn hiệp ước kiểm soát vũ khí lớn cuối cùng giữa hai bên thêm 1 năm.
Hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander có thể được trang bị đầu đạn hạt nhân của Nga /// Reuters
Hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander có thể được trang bị đầu đạn hạt nhân của Nga REUTERS
Nga đưa ra lời đề nghị 2 tuần trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 3.11 nhằm gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược năm 2010 (New START). Hiệp ước này được ký kết hồi năm 2010 và sẽ hết hạn vào tháng 2.2021.
Hồi tuần rồi, chính phủ Mỹ bác bỏ đề nghị của Nga về việc gia hạn vô điều kiện New START thêm 1 năm. Washington từ chối đàm phán gia hạn New START nếu không bao gồm điều kiện đóng băng tất cả đầu đạn hạt nhân.
Tuy nhiên, trong tuyên bố ngày 20.10, Bộ Ngoại giao Nga cho biết lập trường của hai bên đã xích lại gần nhau hơn. “Nga đề xuất gia hạn New START thêm 1 năm và sẵn sàng phối hợp cùng Mỹ thực hiện cam kết chính trị về đóng băng tất cả đầu đạn hạt nhân mà hai bên đang nắm giữ trong giai đoạn này”, Bộ Ngoại giao Nga cho biết. Theo New START, Mỹ và Nga cam kết triển khai không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân.
Bộ Ngoại giao Nga đồng thời lưu ý việc đóng băng tất cả đầu đạn và gia hạn New START thêm 1 năm có thể thực hiện được nếu phía Mỹ không đưa ra bất kỳ yêu cầu bổ sung nào. Moscow nhấn mạnh việc gia hạn New START giúp hai bên có thêm thời gian để thảo luận sâu hơn về vấn đề kiểm soát vũ khí hạt nhân.
Moscow và Washington vẫn còn có nhiều bất đồng về việc gia hạn New START dù hai bên đã tiến hành đàm phán trong vài tháng qua. Chính phủ Mỹ còn đề xuất đưa Trung Quốc vào bàn đàm phán, hướng đến một hiệp ước rộng hơn để thay thế New START. Tuy nhiên, Trung Quốc bác bỏ đề xuất này.
Hồi năm 2019, Mỹ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), với lý do Nga vi phạm các cam kết. Tuy nhiên, Moscow bác bỏ mọi cáo buộc và sau đó cũng tuyên bố rút khỏi INF.
INF được ký kết năm 1987 nhằm giới hạn tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân với tầm bắn 500 – 5.500 km ở châu Âu. Đây là di sản nhằm kết thúc chiến tranh lạnh của nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev và Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ Ronald Reagan, giúp xoa dịu quan ngại của các quốc gia châu Âu về nguy cơ chạy đua vũ trang hủy diệt.
PHÚC DUY
TNO