Thầy giáo dùng kiến thức hoá học giáo dục đạo đức học sinh
Thầy giáo dùng kiến thức hoá học giáo dục đạo đức học sinh
Ý thức được ranh giới của “vùng hư” và “vùng hỏng”!
Tự nhận mình là thầy giáo trẻ, là người dễ gần gũi với học sinh, thầy Phạm Lê Thanh, giáo viên Trường THPT Tân Phú (TP.HCM, chia sẻ: “Trong quá trình giảng dạy, tôi thường khen học sinh nhiều hơn là chê trách, nhắc nhở, động viên, giáo dục nhiều hơn là trách phạt và kỷ luật”.
Nguyên tắc của thầy Phạm Lê Thanh là “Khen công khai – góp ý kín đáo – tôn trọng và yêu thương”. Bởi theo thầy Thanh, đa số các em ở độ tuổi dậy thì, các em rất nhạy cảm và mình cần tôn trọng các em. Thời học sinh của chúng ta cũng đã từng trải qua, ai mà không vi phạm, ai mà không vài lần mắc lỗi lầm, nhưng tuổi trẻ mà, “hư” thôi, đừng “hỏng” là được! Và vai trò của những người làm giáo dục như chúng tôi là giúp các em ý thức được ranh giới của “vùng hư” và “vùng hỏng” để kịp thời chấn chỉnh và trở thành người giàu tri thức lẫn đạo đức”.
“Học để kiến thức thực chất như bọt bia”
Thầy Thanh lấy ví dụ, trong quá trình dạy học môn hóa học, phát hiện ra 2 em học sinh chép bài kiểm tra 15 phút của nhau. Tôi không trách phạt hay la mắng, xử lý kỷ luật ngay tại thời điểm đó. Tiết học sau, ở bài “Glucozơ- Fructozơ” tôi cho các em tổ chức một hoạt động nhỏ: “Hóa học và đạo đức”.Câu hỏi tôi đặt ra như sau: “Tại sao bọt bia thường nhỏ và mịn, bền khi rót vào cốc nước đá còn bọt coca cola thì to, nhưng không bền và mong manh, dễ vỡ?”
Câu trả lời của mỗi em là “Do bọt bia sinh ra trong quá trình lên men rượu, bọt khí CO2 này có cấu trúc ổn định vì nó là tự nhiên, là của quá trình lên men. Trái lại bọt coca cola là bọt CO2 nhân tạo, nén vào bình nước ngọt ở áp suất cao nên không bền, mong manh, dễ vỡ”.
Tôi cho các em tự viết bài cảm nhận 4 phút về hình ảnh liên tưởng trên. Về nhà tôi rất bất ngờ khi em học sinh mà tôi phát hiện đã chép bài kiểm tra 15 phút của bạn ở tiết trước viết “lời xin lỗi” vào bài cảm nhận và hứa rằng “em sẽ cố gắng học tập để thực chất với kiến thức của mình như bọt bia” chứ không “vay mượn kiến thức của bạn” vì nó dễ vỡ và mong manh như “bọt coca cola”…
Hay đối với các em học sinh thường nói chuyện “trống không”, không quản lý cảm xúc, dễ bốc đồng và không “dạ… thưa” khi nói chuyện với người lớn. Mỗi lần trò chuyện với các em, tôi thường nhắc nhở, nhắc thường xuyên chứ không la rầy, luôn nở nụ cười hoặc khen mỗi khi các em có chuyển biến, có thay đổi, từ từ các em sẽ nhận thức, ngoan ngoãn và biết nghe lời.
Giáo dục đạo đức, xử lý kỷ luật học sinh nhằm giúp các em rèn luyện bản thân trở thành người tốt là một công việc đòi hỏi người giáo viên phải kiên trì, bền bỉ và có lòng bao dung, vị tha. Đó không phải là công việc một ngày, một bữa mà cần “mưa dầm thấm đất”. Từ từ các em sẽ có chuyển biến và thay đổi bởi chính tình yêu thương của thầy cô dành cho chúng!
BÍCH THANH
TNO