28/12/2024

Lối ra nào cho 5 dự án cao tốc Bắc – Nam hình thức PPP?

Lối ra nào cho 5 dự án cao tốc Bắc – Nam hình thức PPP?

Dù Bộ GTVT rất chặt chẽ trong các bước sơ tuyển, lựa chọn nhà đầu tư, song khả năng triển khai thành công hình thức PPP với 5 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.
Các dự án cao tốc Bắc - Nam được làm khá chặt chẽ, song khả năng triển khai của 5 dự án thành phần PPP vẫn là dấu hỏi (ảnh minh họa) /// Ảnh Ngọc Thắng
Các dự án cao tốc Bắc – Nam được làm khá chặt chẽ, song khả năng triển khai của 5 dự án thành phần PPP vẫn là dấu hỏi (ảnh minh họa) ẢNH NGỌC THẮNG
Trong số 11 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam, 6 dự án đầu tư công đã khởi công, 4/5 dự án thành phần PPP dự kiến hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư trong tháng 12.
Đáng chú ý, số lượng nhà đầu tư nộp hồ sơ thầu các dự án PPP không cao: dự án nhiều nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu nhất cũng chỉ có 3 hồ sơ (đoạn Cam Lâm – Vĩnh Hảo), dự án QL45 – Nghi Sơn chỉ có 1 nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu. Đặc biệt, dự án Nghi Sơn – Diễn Châu, dù gia hạn thêm thời gian mở thầu 1 tuần, vẫn không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu.
Điều này khác hẳn với sự sôi động trong nộp hồ sơ thầu và đấu thầu các gói thầu xây lắp của 3 dự án PPP chuyển đổi đầu tư công trước đó. Câu hỏi đặt ra là các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam theo hình thức PPP liệu có đủ sức hấp dẫn và có khả thi cao?
Lý giải việc cao tốc Nghi Sơn – Diễn Châu “ế” nhà đầu tư, theo đại diện Bộ GTVT, đây là dự án có tỷ lệ huy động vốn tín dụng lớn, trong khi hiện nay các ngân hàng thương mại đang gặp khó khăn về cung cấp tín dụng cho các dự án PPP.
Dù Bộ GTVT đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại để trao đổi về các cơ chế triển khai dự án, tuy nhiên, việc cho vay thực tế còn dựa trên hiệu quả dự án, khả năng trả nợ khách hàng. Bên cạnh đó, lý do khách quan do các nhà đầu tư trúng sơ tuyển ở dự án này cũng đồng thời trúng sơ tuyển ở một số dự án khác, hoàn toàn chủ động trong lựa chọn dự án để tham gia trên cơ sở cân đối nguồn vốn.
“Đầu tư theo phương thức PPP là mô hình đầu tư mới, phức tạp, đòi hỏi các bên liên quan cần có cách tiếp cận thích hợp để có thể thực hiện thành công dự án, việc triển khai thực hiện dự án cần tuân thủ các quy định pháp luật, đồng thời, cũng cần phù hợp với các yêu cầu của thị trường, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước – nhà đầu tư – người sử dụng”, đại diện Bộ GTVT cho hay.

“Nút thắt” tín dụng

Báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện dự án cao tốc Bắc – Nam, Bộ GTVT cho biết, với 4 dự án thành phần có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu, bên mời thầu sẽ đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật, nhà đầu tư đạt điểm kỹ thuật theo yêu cầu sẽ được tiếp tục mở và đánh giá đề xuất tài chính, nhà đầu tư có đề xuất vốn góp nhà nước thấp nhất và không vượt giá gói thầu sẽ được xem xét phê duyệt trúng thầu.
Theo yêu cầu tại Nghị quyết số 20/NQ-CP của Chính phủ, nhà đầu tư có thời gian tối đa 6 tháng (từ thời điểm ký kết hợp đồng) để huy động vốn tín dụng; trường hợp nhà đầu tư không huy động được vốn tín dụng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ hủy hợp đồng và tịch thu bảo đảm thực hiện hợp đồng.
Với dự án Nghi Sơn – Diễn Châu không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu, Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ để xem xét trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định theo quy định tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội.
Theo đại diện Bộ GTVT, ngay sau khi phát hành hồ sơ mời thầu cho 5 dự án PPP vào tháng 7, Bộ GTVT đã gặp mặt, trao đổi với các nhà đầu tư và các tổ chức tín dụng để giải đáp thông tin, lắng nghe các đề xuất, kiến nghị. Đồng thời, chỉ đạo các ban quản lý dự án cập nhật, điều chỉnh tổng dự toán, phương án tài chính, hồ sơ mời thầu đảm bảo nguyên tắc tính đúng, tính đủ, phù hợp với mặt bằng giá thị trường và phát hành đến các nhà đầu tư theo đúng quy định.
Trước đó, việc triển khai các dự án cao tốc Bắc – Nam được thực hiện khá bài bản, từ tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư với sự tham gia của 130 tổ chức và doanh nghiệp, các đơn vị tư vấn giao dịch hàng đầu thế giới như Deloitte, Ernst&Young, Castalia chuẩn bị hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, dự thảo hợp đồng. Nhà đầu tư được lựa chọn qua 2 giai đoạn (sơ tuyển và đấu thầu), đảm bảo lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm, đủ thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, chuẩn bị hồ sơ dự thầu và làm việc với các tổ chức tín dụng.
Khác các dự án BOT giai đoạn trước đây, các dự án cao tốc Bắc – Nam đã được áp dụng nhiều cơ chế đặc thù nhằm hạn chế rủi ro cho các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng. Đặc biệt, việc triển khai giải phóng mặt bằng trước bằng vốn nhà nước, đến nay đạt khoảng 92% khối lượng.
Gánh nặng tài chính với nhà đầu tư cũng được giảm tài nhờ vốn Nhà nước tham gia trung bình chiếm 51% tổng vốn đầu tư. Các dự án cũng đầu tư xây dựng mới, áp dụng hình thức thu phí kín nên đảm bảo công bằng, có sự lựa chọn cho người sử dụng dịch vụ…
Tuy nhiên, theo đánh giá của chính Bộ GTVT và nhiều doanh nghiệp giao thông, tín dụng vẫn là nút thắt lớn nhất trong triển khai các dự án PPP.
Ngay cả trường hợp nhà đầu tư đã được lựa chọn và ký kết hợp đồng, cũng chưa thể khẳng định sẽ huy động được vốn tín dụng để triển khai dự án. Trường hợp xấu nhất, nhà đầu tư không vay được vốn để triển khai, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ hủy hợp đồng và tịch thu, báo cáo Quốc hội xem xét.
MAI HÀ
TNO