08/01/2025

Khởi sắc dạy nghề lao động nông thôn

Khởi sắc dạy nghề lao động nông thôn

Sau 10 năm triển khai đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn”, nhiều địa phương ghi nhận kết quả tích cực khi tỉ lệ lao động đã qua đào tạo không ngừng tăng, giải quyết được bài toán việc làm tại chỗ…

Khởi sắc dạy nghề lao động nông thôn - Ảnh 1.

Lao động nông thôn ở Long An đang được đào tạo những ngành nghề phù hợp – Ảnh: LÂM ĐỖ

Giai đoạn tiếp theo được kỳ vọng sẽ có thêm những làn gió mới ở các địa phương trên cả nước.

Thay đổi để thích nghi

Bà Huỳnh Thị Mỹ Hà – phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Vĩnh Long – nhìn nhận đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trong những năm qua đạt nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, tỉ lệ lao động qua đào tạo chỉ đạt 50%, nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo của các doanh nghiệp chưa nhiều. Bên cạnh đó, doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề còn hạn chế, đặt hàng còn ít, việc bao tiêu sản phẩm chưa ổn định.

Theo bà Hà, khó khăn lớn nhất hiện nay của các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên là số lượng người học chưa nhiều. Nguyên nhân do chưa có sự phối hợp trong việc tuyên truyền để lao động nông thôn nâng cao nhận thức học nghề. Do vậy, nhiều lao động nông thôn có xu hướng tìm việc làm giản đơn để có thu nhập ngay chứ chưa muốn học nghề.

Năm 2020, Vĩnh Long đặt mục tiêu nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 55%, trong đó số có bằng cấp, chứng chỉ đạt 17%. Thời gian tới, tỉnh đi theo phương châm “Chỉ đào tạo nghề khi xác định được việc làm và thu nhập sau học nghề” đối với công tác hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Muốn vậy, bà Hà cho rằng các cơ sở dạy nghề cần tăng cường phối hợp với địa phương để nắm bắt nhu cầu học nghề của người lao động và gắn kết với các doanh nghiệp để đào tạo ngành nghề phù hợp nhu cầu. Ngoài ra, các trường, trung tâm cần đa dạng các hình thức lớp đào tạo nghề và linh hoạt về thời gian cho lao động.

Về xu hướng những năm tiếp theo, tỉnh ưu tiên hỗ trợ đào tạo các ngành nghề đang có nhu cầu cao như: xây dựng dân dụng, cơ khí hàn – cắt gọt kim loại, may công nghiệp, du lịch, nhà hàng – khách sạn, điều dưỡng chăm sóc sức khỏe, chăm sóc trẻ… Tỉnh cũng tập trung đào tạo nghề phục vụ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Riêng với lĩnh vực nghề nông nghiệp, các cơ sở giáo dục sẽ tiếp tục hỗ trợ đào tạo nghề để nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo thêm việc làm.

Gắn với lợi thế từng vùng

Ông Nguyễn Đại Tánh – phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Long An – cho biết trong thời gian tới để phát triển nhân lực có kỹ năng nghề góp phần nâng cao năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh, các cơ sơ giáo dục nghề nghiệp của tỉnh đẩy mạnh các nghề trọng điểm cấp quốc tế như điện công nghiệp, lắp đặt thiết bị cơ khí; nghề trọng điểm ASEAN như cơ điện tử, hàn; nghề cấp quốc gia như kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí…

Ngoài ra, tỉnh tiếp tục cho đào tạo, đào tạo lại cho người lao động các nghề như công nghệ ôtô, cắt gọt kim loại, điện dân dụng, kỹ thuật lập trình PLC; tiện CNC, phay CNC; kỹ thuật điều khiển khí nén. Các nghề thuộc lĩnh vực nông – lâm – thủy sản như thú y, chăn nuôi, bảo vệ thực vật, hay nghề dịch vụ như chăm sóc sắc đẹp, kỹ thuật nấu ăn cũng được chú trọng.

Nhiều nghề mới cũng sẽ được triển khai như du lịch, dịch vụ thẩm mỹ, nhà hàng – khách sạn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật số, công nghệ thông tin, tự động hóa, kỹ thuật điều khiển tự động. “Tất cả để phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trước sự tác động của cuộc cách mạng 4.0” – ông Tánh nói.

Ở Kiên Giang, ông Võ Văn Hiền – trưởng phòng dạy nghề và giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐ-TB&XH tỉnh – cho rằng trong giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, tỉnh đặt mục tiêu đào tạo 27.000 lao động nông thôn, đưa tỉ lệ người lao động đã qua đào tạo đạt 67%. Tỉnh đảm bảo lao động có việc làm đúng với ngành nghề đào tạo đạt từ 80% trở lên.

Kiên Giang ưu tiên đào tạo cho lao động ở các vùng nguyên liệu có liên kết sản xuất với các doanh nghiệp, lao động thực hiện các chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chương trình mỗi xã một sản phẩm. Thành viên hợp tác xã, trang trại tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi ngành hàng, sản xuất công nghệ cao, áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, đào tạo để xuất khẩu lao động ra nước ngoài.

Ông Hiền cho biết thêm tỉnh phân việc đào tạo gắn với các vùng cụ thể. Với vùng Tứ giác Long Xuyên, Kiên Giang tập trung các nghề chế biến nuôi trồng thủy sản, sửa chữa máy tàu thủy, đánh bắt xa bờ. Ở tiểu vùng Tây sông Hậu, các nghề gắn với nhu cầu tuyển dụng lao động cho các khu công nghiệp sẽ được chú trọng. Ở tiểu vùng U Minh Thượng, Kiên Giang đào tạo các nghề gắn liền với khu cảng cá và dịch vụ hậu cần nghề cá, cũng như công nghệ trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản…

Hỗ trợ 1 triệu người

Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH), chỉ tiêu đào tạo trong năm 2020 là 1,68 triệu lao động nông thôn được học sơ cấp dưới 3 tháng, trong đó số lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo chiếm khoảng 1 triệu.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, tác động của dịch COVID-19 đã khiến chỉ có trên 700.000 lao động được đào tạo trình độ sơ cấp và các trình độ nghề nghiệp khác. Dù vậy, các địa phương đang đẩy mạnh đào tạo tăng số lượng lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề mới.

TRỌNG NHÂN
TTO