24/11/2024

Học sinh đang chọn ngành ra sao?

Học sinh đang chọn ngành ra sao?

Điểm chuẩn trúng tuyển các ngành đào tạo ĐH năm nay thể hiện rất rõ xu hướng chọn lựa ngành học của học sinh, phản ánh cái nhìn về thực tế của xã hội; và dịch Covid-19 cũng đã ảnh hưởng đến sự lựa chọn này.
Những ngành liên quan đến công nghệ thông tin, robot, trí tuệ nhân tạo thu hút sự quan tâm của học sinh /// ĐÀO NGỌC THẠCH
Những ngành liên quan đến công nghệ thông tin, robot, trí tuệ nhân tạo thu hút sự quan tâm của học sinh  ĐÀO NGỌC THẠCH

Vì dịch Covid-19, nhiều ngành học “lên ngôi”

Theo tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng), trong năm nay, thí sinh (TS) của trường chọn học nhiều nhất là ngành công nghệ thông tin và quản trị kinh doanh. Nếu so với năm ngoái, TS đăng ký 2 ngành này tăng lên khoảng 10 – 15%. Ngành TS lựa chọn nhiều kế tiếp là cơ khí ô tô.
Tiến sĩ Hải nhận định: “Ngoài 3 ngành này có lượng TS đăng ký đông, điều bất ngờ tại năm nay, số lượng TS đăng ký ngành du lịch ít hẳn đi. Xu hướng chọn ngành học như vậy liên quan đến cả dịch Covid-19. Ngành du lịch giảm sút vì bị ảnh hưởng dịch. Ngược lại, trong đợt dịch vừa qua, ngành công nghệ thông tin cho thấy đây là nền tảng của xã hội ngày nay, là xu thế tất yếu của hiện tại và tương lai”.
Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Phó trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh – Truyền thông, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, nhìn chung, lựa chọn ngành nghề của TS tại trường đang gắn với nhu cầu xã hội. Các nhóm ngành thu hút số lượng nguyện vọng lớn, có điểm chuẩn tương đối cao là kinh tế – quản trị và công nghệ thông tin.
Điều bất ngờ khác là theo thạc sĩ Dung, năm nay ngành thương mại điện tử có sức hút lớn. Dù năm đầu tiên tuyển sinh với chỉ tiêu hạn chế nhưng số lượng nguyện vọng đăng ký lại khá cao.
Ở các ngành còn lại, bên cạnh nhóm ngành kỹ thuật – công nghệ luôn có số lượng nguyện vọng ổn định trong các năm qua thì việc các ngành kiến trúc, thiết kế thời trang có được TS chọn đăng ký là một điều khá bất ngờ.

Chọn ngành phù hợp xu thế

Năm nay, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM có ngành học có điểm chuẩn cao nhất các trường ĐH ngoài công lập là logistics và quản lý chuỗi cung ứng với 24 điểm. So với chỉ tiêu tuyển của trường thì ở ngành này, TS đăng ký cao hơn gấp 3 lần chỉ tiêu. Ngành kinh doanh quốc tế cũng có số TS đăng ký tương tự.
Thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh và truyền thông nhà trường, cho rằng việc lựa chọn ngành nghề của TS tại trường năm nay cũng tương tự các năm trước, thiên về khối ngành kinh tế rất lớn. Điều này cũng phù hợp với xu thế kinh tế mở của hội nhập. Xu thế này cũng giải thích cho việc chọn lựa của TS với các ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng, kinh doanh quốc tế…
Xu hướng chung của TS khi chọn ngành học tương lai là có thể làm việc trong mọi hoàn cảnh, linh động, thích ứng với sự thay đổi của hoàn cảnh. Những ngành học thuộc các lĩnh vực như truyền thông, digital marketing, thương mại điện tử… sẽ là xu hướng. Tuy nhiên, theo tôi, còn một xu hướng ngược lại là ngành ngôn ngữ Anh sẽ có thể giảm sức hút”, bà Ngọc Bích cho biết.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung chia sẻ: “Mức độ “hot” của một ngành học, đôi khi còn phụ thuộc vào chính xu thế phát triển của xã hội. Ví dụ như học công nghệ thông tin, an toàn thông tin, hệ thống thông tin quản lý trong thời đại 4.0, học thương mại điện tử khi nhu cầu mua sắm online tăng mạnh và dự báo sẽ còn tiếp tục phát triển trong thời gian tới”…
Tiến sĩ Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết năm nay, tại trường, ngoài các ngành có số lượng cao ổn định, nhóm ngành quản lý đất đai – bất động sản được quan tâm nhiều hơn. Điều này phản ánh xu thế phát triển của xã hội.
“Tuy nhiên, có thể lưu ý qua cách đăng ký ngành học năm nay là TS không chọn các ngành học thuộc nhiều nhóm ngành khác biệt nhau như trước nữa. Thay vào đó, đa số TS có xu hướng chọn ngành cùng nằm trong một lĩnh vực, nhóm ngành. Điều này cho thấy các em đã có sự tìm hiểu, cân nhắc về ngành nghề tốt hơn trước”, tiến sĩ Trần Đình Lý nhận định. (còn tiếp)
ĐĂNG NGUYÊN
TNO