28/12/2024

Chọn ngành dựa vào tên gọi ?

Chọn ngành dựa vào tên gọi ?

Năm nay có một đặc điểm đáng lưu ý là trong cùng một trường, một số ngành ‘nóng’ người học cạnh tranh nhiều để trúng tuyển, trong khi không ít ngành không đủ chỉ tiêu.
Thí sinh trúng tuyển làm thủ tục nhập học /// ĐÀO NGỌC THẠCH
Thí sinh trúng tuyển làm thủ tục nhập học ĐÀO NGỌC THẠCH
Có những trường điểm ngành cao nhất và thấp nhất lệch tới trên 10 điểm. Trong khi nhiều ngành thí sinh (TS) cần đạt 9 – 10 điểm mỗi môn mới trúng tuyển, thì có những ngành trong cùng trường đó điểm chuẩn trung bình chỉ 5 – 7 điểm. Không chỉ điểm số, sự cạnh tranh khác nhau giữa TS các ngành còn thể hiện rõ rệt trong số lượng nguyện vọng đăng ký. Tất cả cho thấy xu hướng rõ nét trong việc lựa chọn ngành học của giới trẻ hiện nay.
Năm nay, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM thu hút khoảng 65.000 nguyện vọng đăng ký của TS xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, dù đặt điểm sàn 26 điểm nhưng ngành robot và trí tuệ nhân tạo của trường này vẫn có trên 600 nguyện vọng. Một số ngành thu hút nhiều TS quan tâm như: công nghệ thông tin, thương mại điện tử, logistics và quản lý chuỗi cung ứng… Nhưng ngược lại, cũng ở trường này, một số ngành không nhiều TS đăng ký, chẳng hạn ngành thiết kế thời trang chất lượng cao tuyển 30 chỉ tiêu nhưng sau ngày đầu lọc ảo chỉ có 6 TS trúng tuyển. Một số ngành cũng khó tuyển như: công nghệ môi trường, công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng…
Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM cũng có xu hướng tương tự. Một số ngành và nhóm ngành của trường này rất nhiều TS đăng ký, điểm chuẩn ở mức cao như: nhóm ngành máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, hóa học… Trong khi đó, ngành địa chất tuyển 100 chỉ tiêu nhưng chỉ thu hút 79 nguyện vọng đăng ký bằng điểm thi tốt nghiệp THPT và có 29 TS trúng tuyển bằng tất cả phương thức. Ngành hải dương học hiện cũng có 24 TS trúng tuyển trong khi chỉ tiêu cần tuyển 50.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho rằng học sinh ngày nay đang chọn ngành theo phong trào, trong đó không ít TS chưa nghiên cứu kỹ về ngành nghề. Nhiều TS đang có thiên hướng chọn ngành dựa vào tên gọi. Ông Dũng nêu ví dụ, trước đây trường này rất khó tuyển ngành chế biến gỗ và lâm sản dù chỉ tiêu chỉ 40 – 50 TS mỗi năm. Nhưng khi đổi tên ngành thành kỹ nghệ gỗ, điểm chuẩn ngành này tăng mạnh.
“Tất nhiên cũng có những ngành khó thu hút người học do khả năng tìm việc làm khó khăn trong thực tế hiện nay như xây dựng cầu đường, xây dựng công trình giao thông”, ông Dũng nói.
Phân tích xu hướng này, thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin – Truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho rằng TS dự tuyển ĐH vài năm gần đây đang có xu hướng chọn lựa những ngành học gắn liền với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Do vậy, một số ngành học đang có xu hướng đăng ký nhiều như: công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, điện tử viễn thông, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, marketing, kinh doanh quốc tế… Trong khi nhiều ngành nhu cầu nhân lực xã hội lớn nhưng vẫn ít người chọn lựa.
“Đúng là theo dự báo nhân lực, người tốt nghiệp các ngành liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin có năng lực, trước mắt sẽ không khó tìm việc làm do đang thiếu nhân lực. Tuy nhiên, nếu tình trạng TS đổ dồn vào một số nhóm ngành nào đó trong một thời gian dài có thể dẫn tới bão hòa nhân lực, khi đó sự cạnh tranh việc làm rất gay gắt. Tình trạng này đã xảy ra với một vài nhóm ngành trong quá khứ”, thạc sĩ Quán bình luận.
HÀ ÁNH
TNO