20/11/2024

Nga rút khỏi các cuộc thảo luận về thảm hoạ máy bay MH17 với Hà Lan và Úc

Nga rút khỏi các cuộc thảo luận về thảm hoạ máy bay MH17 với Hà Lan và Úc

Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố sẽ rút khỏi các cuộc tham vấn với Hà Lan về Úc về vụ việc máy bay MH17 bị bắn rơi tại Ukraine năm 2014 vì không chấp nhận những ý đồ muốn đổ tội cho Nga của Hà Lan.

 

Nga rút khỏi các cuộc thảo luận về thảm họa máy bay MH17 với Hà Lan và Úc - Ảnh 1.

4 nghi phạm liên quan vụ bắn rơi máy bay MH17 – Ảnh: OFF-GUARDIAN

Theo Hãng tin AFP, trong thông cáo phát đi ngày 15-10 của Bộ Ngoại giao Nga nêu: “Những hành động thù địch của Hà Lan đã khiến cho việc tiếp tục những cuộc tham vấn ba bên và sự tham gia của chúng tôi trở nên vô nghĩa”.

Kể từ năm 2018 ba nước đã tổ chức nhiều cuộc thảo luận nhằm tìm ra nguyên nhân của thảm họa đã xảy ra với máy bay MH17.

Ngày 17-7-2014, chiếc Boeing 777 mang số hiệu MH17 của Hãng hàng không Malaysia Airlines có hành trình bay từ Amsterdam tới Kuala Lumpur đã trúng phải một quả tên lửa BUK (một loại vũ khí do Liên Xô cũ sản xuất) làm toàn bộ 298 người trên máy bay thiệt mạng, trong đó có 196 người Hà Lan và 38 người Úc.

Phát biểu trước báo giới bên lề một cuộc họp thượng đỉnh của Liên minh châu Âu tại Brussels, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nói ông “thất vọng” và “ngạc nhiên” trước quyết định của Nga. Ông Rutte cũng nói thêm sự việc “thực sự đau đớn” với các gia đình nạn nhân trong thảm họa.

Trong khi đó Ngoại trưởng Hà Lan Stef Blok thông báo với các nghị sĩ quốc hội là ông đã triệu tập đại sứ Nga tới để bày tỏ quan điểm “rất lấy làm tiếc” về quyết định rút khỏi tiến trình tham vấn của Nga.

Tuy nhiên ông Stef Blok nói thêm ông “cam kết sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán” về vụ việc.

Trong thông cáo phát đi, Ngoại trưởng Ukraine, ông Dmytro Kouleba, cho rằng việc Nga rút khỏi tiến trình đàm phán “chỉ cho thấy rõ hơn là họ sợ sự thật về những gì xảy ra ngày 17-7-2014 trên bầu trời ở Donbass”.

Ông Dmytro Kouleba nhắc tới khu vực thuộc quyền kiểm soát của lực lượng ly khai ở Ukraine, nơi chiếc MH17 gặp nạn.

Về phần mình, Nga cáo buộc Hà Lan đã đưa vụ việc chống lại Nga, cáo buộc Nga “về vai trò trong việc phá hủy chuyến bay MH17” ra trước Tòa nhân quyền châu Âu (ECHR) chỉ sau ba vòng đàm phán.

Hà Lan “đã chứng tỏ ý định kiên quyết của họ trong việc đơn phương đổ lỗi cho Nga về những gì đã xảy ra”, thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga nêu.

Các nhà lãnh đạo Hà Lan luôn công khai cáo buộc Nga đứng sau thảm họa gây ra cái chết cho các công dân của họ. Tuy nhiên Nga luôn bác bỏ mạnh mẽ cáo buộc cho rằng Nga có liên quan tới thảm họa và quy trách nhiệm cho Ukraine trong sự việc.

“Úc và Hà Lan rõ ràng đã cố tình không hiểu những gì thực sự xảy ra trong mùa hè 2014, mà chỉ muốn ép Nga nhận tội và đền bù cho thân nhân của những người bị nạn”, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết sẽ “tiếp tục sự hợp tác” với Hà Lan trong cuộc điều tra nguyên nhân thảm họa nhưng “theo một dạng thức khác”.

Các tòa án ở Hà Lan trong tháng 3 năm nay đã bắt đầu tổ chức các phiên xử 4 nghi phạm liên quan, trong đó có 3 người Nga và một người Ukraine. Họ bị buộc tội gây ra thảm họa với máy bay MH17.

D. KIM THOA
TTO