Miền Trung mưa lại trắng trời
Miền Trung mưa lại trắng trời
Hôm qua 16.10, áp thấp nhiệt đới tiếp tục gây mưa lớn ở miền Trung càng gia tăng tình trạng ngập lụt và thiệt hại nặng.
Trong ngày 16.10, Thừa Thiên-Huế mưa lớn và nước trên các sông bắt đầu dâng cao trở lại. Tin nhanh của Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh ghi nhận lúc 16 giờ, mực nước sông Hương trên mức báo động 2 là 0,39 m, sông Bồ trên báo động 2 là 0,64 m… Dự báo mực nước sông Hương, sông Bồ tiếp tục dâng cao. Mưa dự báo kéo dài cũng gây nguy cơ ngập lụt diện rộng trở lại ở các vùng trũng thấp, ven sông.
Nước dâng nhanh, dân trở tay không kịp
Quảng Trị cũng đang hứng mưa lớn, mực nước sông suối lên nhanh trở lại. Nhiều khu vực ở TP.Đông Hà bị ngập, đặc biệt nghiêm trọng ở các tuyến đường Nguyễn Huệ, Trường Chinh, Lê Lợi… buộc lực lượng công an phải có mặt điều tiết giao thông. Nước lên nhanh khiến nhiều người dân trở tay không kịp, phải chờ đến lực lượng chức năng giải cứu. Ông Nguyễn Thế Nhân, Hiệu trưởng THCS Phan Đình Phùng (TP.Đông Hà), cho hay 13 giờ chiều qua, các giáo viên, học sinh mắc kẹt mới ra khỏi khuôn viên của trường, dù ban giám hiệu đã cho nghỉ học từ lúc 10 giờ 15 do mưa lớn. Đến 11 giờ, hơn 30 học sinh và 12 giáo viên vẫn chưa thể ra ngoài do nước ngập sâu trước cổng trường. Phòng Cảnh cát PCCC và cứu hộ cứu nạn Công an tỉnh Quảng Trị đã điều xe, thuyền hơi và hàng chục cán bộ, chiến sĩ tức tốc đến hiện trường, “giải cứu” giáo viên và học sinh…
|
Trong khi đó, tại xã Cam Thành (H.Cam Lộ), anh Trần Đức Hiệu (23 tuổi) và anh Trần Công Thành (27 tuổi, cùng trú thôn Tân Định) được Đội CSGT Công an H.Cam Lộ giải cứu khi mắc kẹt trên một cồn đất nổi trên sông Hiếu. Trước đó, 2 người này sang cồn để lùa bò về thì nước sông Hiếu lên nhanh, phải bám vào cành cây để khỏi bị nước cuốn và gọi điện kêu cứu.
Tại huyện miền núi cao Tây Giang (Quảng Nam), nhiều tuyến đường và ít nhất 21 điểm trường học bị sạt lở. Đặc biệt, tuyến Km +43 đoạn qua xã Tr’Hy sạt lở nặng, chưa khắc phục được, gây cô lập một số nơi dù địa phương đã huy động toàn bộ lực lượng để khắc phục do mưa lớn liên tục. Nhiều điểm sạt lở trước đó chưa khắc phục xong, nay tái diễn sạt lở. Đất đá tràn xuống khu nội trú học sinh của Trường THPT Võ Chí Công, đường sá sạt lở nên địa phương đã di chuyển gần 200 học sinh xuống Trường THPT Tây Giang cách đó khoảng 40 km.
Thủy điện xả lũ đồng loạt
Chiều 16.10, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Quảng Nam cho biết nước trên các sông Vu Gia, Thu Bồn, Tam Kỳ đều đang lên, do hứng lượng mưa kéo dài trong vòng 24 giờ kể từ sáng 15.10. Dự báo trong 2 ngày 17 và 18.10, Quảng Nam có mưa to đến rất to, đỉnh lũ trên các sông Thu Bồn, Tam Kỳ ở mức báo động 3, sông Vu Gia trên báo động 3.
Mối quan tâm của người dân vùng hạ du lúc này là các thủy điện ở phía thượng nguồn đều đã đầy nước và đồng loạt xả lũ với lưu lượng lớn. Lúc 16 giờ chiều qua, thủy điện A Vương lưu lượng nước về hồ 376 m3/giây, mực nước xả qua tràn xuống hạ du 380 m3/giây; thủy điện Sông Bung 4 là 738/900 m3/giây,
thủy điện Sông Tranh 2 là 671/639 m3/giây. Ông Trương Xuân Tý, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, đánh giá việc điều tiết xả lũ ở thời điểm này là chủ động xả để tăng dung tích phòng lũ cho hồ chứa, đón những trận lũ lớn. Tuy nhiên, địa phương cũng đã rà soát các phương án sơ tán dân và đảm bảo lương thực, thực phẩm.
|
Hôm qua, Quảng Bình xuất hiện đợt lũ thứ 2 và gần như “chồng” lên đợt mưa lũ trước. Đài khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Bình ghi nhận, trong vòng 24 giờ qua, địa bàn Quảng Bình đã có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến từ 100 – 150 mm, có nơi trên 200 mm. Hiện hầu hết lũ trên các sông khác đang lên, riêng sông Kiến Giang đang lên nhanh, mực nước trên sông Kiến Giang tại H.Lệ Thủy lúc 16 giờ chiều qua ở mức dưới báo động 3 là 0,06 m. Dự báo lũ trên các sông tiếp tục lên, đỉnh lũ trên các sông có khả năng vượt báo động 3.
Trao đổi với PV Thanh Niên chiều 16.10, ông Lê Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND H.Lệ Thủy, cho hay ngay từ sáng sớm địa phương đã có công điện về phòng chống đợt lũ mới.
Cõng lương thực tiếp tế ngôi làng bị cô lập 20 ngày
Kể từ sau đợt mưa lũ do ảnh hưởng bão số 5, tuyến độc đạo xuyên núi vào làng Aur (xã A Vương, H.Tây Giang, Quảng Nam) sạt lở nghiêm trọng khiến ngôi làng với hơn 100 nhân khẩu bị cô lập hơn 20 ngày nay. Chính quyền H.Tây Giang đã cử lực lượng quân sự đến khảo sát. Đại úy Cơlâu Ngọt, Trợ lý chính trị Ban Chỉ huy quân sự H.Tây Giang, cho hay đã băng qua hàng chục điểm sạt lở lớn nhỏ cùng nhiều đoạn sông suối chảy xiết nhưng vẫn không đến được làng. “Sau đó, chúng tôi phải dầm mưa, băng qua lũ và vượt hàng chục cây số đường rừng hiểm trở”, đại úy Ngọt nói.
Vượt đường rừng hiểm trở từ hôm 14.10, các chiến sĩ cõng theo nhu yếu phẩm để tiếp tế người dân. Họ băng rừng, vượt lũ, mãi đến chiều 15.10 mới đặt chân đến ngôi làng biệt lập. “Ngoài thiệt hại nhỏ một số tài sản gia đình, toàn bộ 21 hộ dân với 105 nhân khẩu ở Aur đều bình an vô sự”, đại úy Ngọt chia sẻ.
Ông Alăng Arót, Trưởng thôn Aur, cho biết sống hơn nửa đời người nhưng đây là lần đầu tiên chứng kiến cảnh mưa lũ kinh hoàng. Lũ bất ngờ, nhiều ao cá của người dân bị cuốn trôi. Hàng chục bao thóc bị úng nước, nảy mầm. Hệ thống nước sinh hoạt bị tê liệt. Hàng loạt gia súc bị lũ cuốn… Rất may dân làng kịp di chuyển tài sản, đưa trẻ em và người già đến nơi an toàn. Kho thóc dự trữ cũng được chủ động đưa lên vị trí cao ráo.
Làng Aur chỉ cách trung tâm H.Tây Giang hơn 10 km nhưng nằm tách biệt giữa rừng già. Trao đổi với PV Thanh Niên ngày 16.10, ông Lê Hoàng Linh, Phó chủ tịch UBND H.Tây Giang, cho hay vừa bị sạt lở gây cô lập, tại làng lại không có sóng điện thoại nên mọi thông tin liên lạc nhiều ngày qua đều bị tắc. “Điều đáng mừng là người dân đều an toàn. Trước mắt, chính quyền địa phương sẽ tập trung khắc phục hậu quả sạt lở đất, đảm bảo thông đường và không để người dân bị đói do mưa lũ”, ông Linh nói.
Một số địa phương cho học sinh nghỉ học
Chiều 16.10, Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng gửi văn bản khẩn thông báo cho học sinh, học viên, sinh viên nghỉ học hôm nay (thứ bảy, 17.10) để hạn chế đi lại, đảm bảo an toàn. Đây là đợt nghỉ thứ 2 của học sinh, sinh viên ở TP.Đà Nẵng trong 10 ngày trở lại, do thời tiết diễn biến phức tạp và khó lường.
Tại Quảng Bình, từ chiều qua học sinh ở địa bàn H.Lệ Thủy cũng đã nghỉ học.
Cảnh báo lũ đặc biệt lớn trên các sông từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế
* 55 người chết, 7 người đang mất tích trong mưa lũ
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết chiều tối 16.10, áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành một vùng áp thấp, đi vào các tỉnh trung Trung bộ và sau đó tan dần.
Tuy nhiên, vùng áp thấp này kết hợp với một dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua khu vực Trung bộ, cộng thêm ảnh hưởng của gió đông và không khí lạnh, dẫn tới các tỉnh Trung bộ sẽ có mưa rất to kéo dài đến hết ngày 21.10.
Trong đó, các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có khả năng mưa đặc biệt to. Dự báo tổng lượng mưa từ ngày 16 – 21.10 ở nam Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị phổ biến 400 – 700 mm, có nơi trên 800 mm.
Khu vực phía bắc tỉnh Nghệ An, Thừa Thiên-Huế phổ biến 400 – 500 mm, có nơi trên 500 mm. Khu vực từ Đà Nẵng, Quảng Nam phổ biến 300 – 400 mm, có nơi trên 450 mm.
Các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Phú Yên phổ biến 200 – 300 mm, có nơi mưa trên 350 mm. Đợt mưa lớn sẽ khiến các sông từ Nghệ An đến Phú Yên và khu vực Tây nguyên xuất hiện một đợt lũ mới kéo dài đến ngày 21.10. Riêng các sông từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế, đỉnh lũ sẽ vượt báo động 3, nguy cơ cao xuất hiện lũ đặc biệt lớn…
Cũng theo nhận định của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong khoảng ngày 21 – 22.10, trên dải hội tụ nhiệt đới có khả năng hình thành một vùng áp thấp. Sau đó, vùng áp thấp này có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, tiếp tục gây mưa lớn ở các tỉnh miền Trung, khiến thiên tai ở khu vực này còn diễn biến phức tạp.
Cùng ngày, Văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai cho biết mưa lũ, thiên tai xảy ra tại các tỉnh miền Trung và Tây nguyên từ ngày 6 – 16.10 đã làm 55 người chết, 7 người mất tích.
Phan Hậu
THANH NIÊN
TNO