Nước Mỹ trong mối nguy từ các nhóm dân quân
Nước Mỹ trong mối nguy từ các nhóm dân quân
Hành động gần đây của các nhóm dân quân tự phát tại Mỹ đang đặt ra nhiều lo ngại an ninh trong các cuộc biểu tình.
Cơ quan chức năng Mỹ mới đây bắt giữ 13 người liên quan âm mưu bắt cóc thống đốc hai tiểu bang Michigan và Virginia, cũng như khơi mào cuộc nội chiến. Trong nhóm này có 7 người là thành viên của nhóm dân quân tự phát Wolverine Watchmen. Đây chỉ là một trong số hàng trăm nhóm dân quân đang hoạt động tại Mỹ, hầu như đều trái phép.
Hoạt động tự phát
Theo CNN, hiến pháp Mỹ và luật pháp của các bang mô tả dân quân là nhóm người ở độ tuổi nhất định, được chính phủ hỗ trợ và có thể được huy động cho nhiệm vụ cụ thể, bổ trợ cho các lực lượng vũ trang truyền thống. Khác với lực lượng Vệ binh quốc gia được coi là dân quân hợp pháp, các nhóm dân quân ngày nay hoạt động tự phát và không được chính phủ ủy quyền.
Các nhóm dân quân ngày nay cho rằng những hành động của họ được hiến pháp bảo vệ. Cụ thể, Tu chính án số 2 nêu rằng: “Một lực lượng dân quân quy củ cần thiết cho an ninh của nhà nước tự do, quyền của người dân được giữ và mang vũ khí bên mình, sẽ không bị xâm phạm”. Tuy nhiên, Giáo sư Adam Winkler chuyên về luật hiến pháp và chính sách súng đạn tại Đại học California – Los Angeles giải thích những nhóm tự xưng là dân quân ngày nay không có quan hệ gì với chính quyền bang, không có thẩm quyền đại diện cho bang hoặc người dân. “Họ không phải là lực lượng dân quân được nhắc đến trong Tu chính án số 2”, Giáo sư Winkler nói với báo US News & World Report.
Thực tế, toàn bộ 50 tiểu bang đều có luật cấm hoặc giới hạn các nhóm dân quân tự phát. Tuy nhiên, việc đó không cản trở sự thành lập và hoạt động của ngày càng nhiều tổ chức tự xưng là dân quân. Các nhóm này gần đây xuất hiện tại các cuộc biểu tình và tuy là lực lượng tự phát nhưng được trang bị “tận răng” không thua kém gì quân chính quy, từ đồng phục, mặt nạ bảo hộ, áo chống đạn cho đến súng trường luôn lăm lăm trong tay.
Nổi bật hơn cả là các nhóm Three Percenters, Oath Keepers, Proud Boys, Boogaloo Bois. Nhiều nhóm dân quân mang tư tưởng chống chính quyền và ủng hộ quyền sở hữu súng đạn. Một số nhóm là cực hữu, chống cánh tả, chống nhập cư, nhưng cũng có nhóm chủ trương ly khai và giải phóng người da màu. Cục Điều tra Liên bang Mỹ vài năm qua đánh giá các tổ chức cực hữu, dân quân và những thành phần tấn công kiểu sói đơn độc là mối đe dọa bạo lực cực đoan hàng đầu trong nước.
AFP dẫn cáo trạng với nhóm Wolverine Watchmen cho biết nhóm này thường xuyên huấn luyện với vũ khí nhằm chuẩn bị cho “boogaloo”, thuật ngữ chỉ cuộc nổi dậy bạo lực chống chính quyền hoặc chuẩn bị cho cuộc nội chiến.
Chạy đua vũ trang
Trung tâm luật SPLC chuyên theo dõi hoạt động của các nhóm cực đoan, thống kê có 576 nhóm chống chính phủ hoạt động tại Mỹ trong năm 2019, theo BBC. Rất khó xác định quy mô của các nhóm này nhưng mỗi khi việc kiểm soát súng đạn được đưa lên quốc hội bàn bạc, số lượng thành viên của các nhóm này lại gia tăng. Họ hoạt động ở mọi vùng tại Mỹ và liên lạc với nhau thông qua mạng xã hội, các ứng dụng nhắn tin mã hóa. Với sự tương đồng về quan điểm đối với quyền sử dụng súng đạn, các nhóm dân quân có xu hướng ủng hộ đảng Cộng hòa thay vì Dân chủ. Thống kê cho thấy sự bùng nổ số lượng các nhóm dân quân dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama và đỉnh điểm là năm 2012 với 1.360 nhóm.
Trong khi đó, dù có ác cảm với chính quyền nhưng một số nhóm dân quân lại ủng hộ Tổng thống Donald Trump. Trong cuộc tranh luận tổng thống hồi tháng 9, ông Trump đã có phát ngôn gây hiểu lầm khiến nhiều người chỉ trích rằng ông ủng hộ, khuyến khích nhóm cực hữu Proud Boys.
Mặt khác, sự xuất hiện ngày càng nhiều của thành viên các nhóm dân quân với đầy đủ vũ khí trong những cuộc biểu tình gần đây làm dấy lên lo ngại về bạo lực. Giới quan sát cho rằng nếu lực lượng hành pháp không hành động mạnh mẽ, các nhóm vũ trang có thể xuất hiện nhiều hơn trong các cuộc biểu tình và gia tăng nguy cơ đụng độ với lực lượng cánh tả, chống phát xít.
“Lực lượng dân quân đang cố dập tắt phe đối lập còn những người đối lập cũng đang tự trang bị để phòng vệ, thậm chí hăm dọa ngược lại. Một cuộc chạy đua vũ trang đang bắt đầu”, cựu phân tích viên khủng bố nội địa Daryl Johnson của Bộ An ninh nội địa Mỹ cảnh báo.
Đề phòng cho bầu cử
Theo Reuters, trong cuộc khảo sát gần đây, nhiều người Mỹ tỏ ra lo ngại về việc kết quả bầu cử không được phân định, dẫn đến các cuộc biểu tình có thể leo thang thành bất ổn dân sự hoặc thậm chí xung đột phe phái. Một số người lên kế hoạch đi nghỉ ở miền quê hoặc ra nước ngoài trong thời gian bầu cử. Một số khác mua súng để đề phòng. Theo số liệu của FBI, có 3,9 triệu khẩu súng được bán ra trong tháng 6, con số kỷ lục tính theo tháng. Tại các bang như Washington hay Colorado, nhu cầu mua đạn súng trường AR-15 đang vượt quá nguồn cung. Mới nhất, Bộ trưởng Lục quân Ryan McCarthy hôm qua tuyên bố Vệ binh quốc gia đã sẵn sàng bảo vệ thủ đô trong trường hợp xảy ra bất ổn hậu bầu cử.
Trump – Biden tranh cử nước rút
Hãng AFP hôm qua đưa tin Tổng thống Donald Trump và ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden đang tranh cử nước rút tại các bang chiến địa khi ngày bầu cử 3.11 đến gần. Sau bang Florida, ông Trump tiếp tục vận động tranh cử tại bang Pennsylvania, và các bang Iowa và Bắc Carolina cũng trong lịch trình. Trước đám đông ở TP.Johnstown (bang Pennsylvania), ông chủ Nhà Trắng chỉ trích ông Biden “đang trao quyền kiểm soát cho những kẻ cực đoan cánh tả” và về sức khỏe tâm thần của đối thủ tranh cử.
Cùng ngày, tại Florida, ông Biden gay gắt phê phán Tổng thống Trump về cách đối phó đại dịch Covid-19. “Với ông Donald Trump, các bạn có thể bị tiêu pha, bị lãng quên, các bạn hầu như không là ai cả”, ông Biden cáo buộc. Theo CNN, dự kiến cựu Tổng thống Barack Obama sẽ tham gia vận động tranh cử cho ông Biden trong tuần tới, tập trung thu hút lá phiếu ở các bang bầu cử sớm trong 2 tuần trước ngày bầu cử, thay vì vận động tại các bang chiến địa.
Khánh An
BAỎ VINH
TNO