Lũ đầu nguồn ĐBSCL lên trở lại, mang theo nhiều cá tôm
Lũ đầu nguồn ĐBSCL lên trở lại, mang theo nhiều cá tôm
Mưa lũ nhiều ngày qua đã làm mực nước lũ ở vùng đầu nguồn ĐBSCL tiếp tục lên nhanh, mang theo nhiều cá tôm làm ngư dân đầu nguồn phấn khởi hơn khi có thêm thu nhập vài trăm ngàn đồng/ngày từ nghề đánh bắt thuỷ sản.
Ngày 15-10, phóng viên Tuổi Trẻ cùng với lãnh đạo Đồn biên phòng Phú Hữu, huyện An Phú, An Giang khảo sát trên kênh Ruột (xã Phú Hội, huyện An Phú, An Giang) là tuyến kênh nổi tiếng của huyện này. Vào mùa lũ có nhiều ngư dân sinh sống bằng nghề đánh bắt thủy sản.
Vỏ lãi chở chúng tôi lướt sóng trên cánh đồng lũ đi về hướng Campuchia được khoảng 500m thì phía trước hiện lên cánh đồng lũ bao la. Dù đã hơn 10h trưa, trên tuyến kênh Ruột lúc này vẫn còn 6 ghe đục chuyên chở cá của các thương lái tấp nập thu mua cá đồng của người dân.
Vừa đổ 10 cái lú về, bà Trần Thị Mai, 63 tuổi, ngụ xã Phú Hội vui vẻ cho biết gần cả tuần nay nhờ mưa lũ nên nước lên nhanh, gia đình bà cũng kiếm thu nhập “bộn” hơn. Năm nay nước nhỏ hơn so với năm rồi nhưng hiện tại gia đình bà vẫn có thu nhập khoảng 500.000 đồng/ngày.
“Bây giờ cá linh thương lái thu mua tại kênh Ruột này với giá 30.000 đồng/kg. Mấy ngay qua nhờ có mưa nên nước lũ dâng lên 30-40cm/ngày nên mới có nước lũ thôi, chứ 2 tuần trước đồng này nước lũ rất thấp. Hi vọng nước xuống chậm để bà con được nhờ”, bà Mai nói.
Vợ chồng bà Hồ Thị Hỏi, ngụ xã Phú Hội, thì đang đặt 200 cái lờ ở cánh đồng giáp biên giới Campuchia. Do lũ lên trễ nên cá tôm cũng ít hơn năm rồi.
“Năm nay đặt lờ không có cá nhiều như những năm trước. Mỗi ngày kiếm chừng 60-70kg cá các loại (cá sặc, cá rô) để bán cho thương lái. Cá nhỏ bán 15.000 đồng/kg, cá lớn bán 30.000 đồng/kg. Trừ hết chi phí cũng kiếm hơn 500.000 đồng/ngày. Nếu không có nước lũ về chắc đời sống bà con khó khăn lắm”, bà Hỏi chia sẻ.
Bà Hồ Thị Nói – thương lái thu mua cá trên cánh đồng kênh Ruột – cho biết gần cả tuần nay gia đình bà đã đưa 2 ghe lên kênh Ruột để thu mưa 200-300kg cá các loại mỗi ngày.
“Cá linh thì chúng tôi thu mua tại đồng này là 30.000 đồng/kg, sau đó chở về các chợ đầu mối ở TP Long Xuyên, Châu Đốc hay TP Cần Thơ để bán lại. Năm nay nước lũ về trễ nên cá, tôm cũng ít hơn mọi năm”, bà Nói khẳng định.
Đại úy Trần Văn Đang – phó đồn trưởng Đồn biên phòng Phú Hội – cho biết cả tuần nay mưa bão liên tục đã làm cánh đồng biên giới Phú Hội tràn ngập nước lũ. Nơi ngập sâu nhất khoảng 1,3m.
“Nhờ nước lũ về nên bà con làm nghề đánh bắt thủy sản có thêm thu nhập rất nhiều. Khu vực kênh Ruột ngày nào cũng có cả chục ghe lên xuống thu mua cá đồng của bà con”, đại úy Đang nói.
Theo thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh An Giang, mực nước lũ ngày 15-10 đo được trên sông Tiền tại Tân Châu là 2,51m, trên sông Hậu tại Châu Đốc là 2,40m. Dự báo ngày 17-10, mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu đạt 2,58m (cách 0,92m nữa đạt báo động I (BĐI) là 3,5m), trên sông Hậu tại Châu Đốc đạt 2,47m (cách 0,53m nữa đạt BĐI là 3.0m).
Dự báo mực nước tiếp tục lên trong 5 ngày tới. Trên sông Hậu tại Long Xuyên, mực nước cao nhất ở mức BĐI đến dưới BĐIII. Mực nước cao nhất trên kênh Tri Tôn, kênh Núi Chóc, Năng Gù tại Vĩnh Hanh, kênh Ba Thê tại Vọng Thê và trên kênh Rach Giá Long Xuyên tại Núi Sập đều ở mức trên BĐI. Cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt cấp 1.
mua của người dân – Ảnh: BỬU ĐẤU