Nhóm
“giang hồ” cát cứ, thu tiền ở Bến xe buýt Q.8 (P.5, Q.8, TP.HCM) lộng hành ngay trước cổng bến xe, tồn tại trong thời gian dài. Thực trạng này khiến dư luận đặt nghi vấn liệu băng nhóm này có sự dung túng, “bảo kê” của cơ quan chức năng?
Suốt nhiều ngày theo dõi ở Bến xe (BX) buýt Q.8 (trước đó là BX Q.8), PV Thanh Niên phát hiện nhóm “giang hồ” này không chỉ hoạt động trước cổng, mà lấn sâu vào bên trong khuôn viên BX. Họ án ngữ ngay trước cổng vào nên chẳng khác nào người “gác cổng” cho BX.
Nhóm “giang hồ” cũng phải nộp tiền bảo kê ?
Chiều 5.10, lấy cớ việc PV
Thanh Niên (trong vai hành khách gửi, nhận hàng) bị nhóm “giang hồ” ở BX ngang nhiên giật gói đồ, bắt ép đưa tiền mới trả lại, chúng tôi đến BX buýt Q.8 trình báo, nộp đơn tố cáo cho Ban quản lý BX nhờ xử lý. Tuy nhiên, ông Lê Mộng Hùng, Trưởng BX buýt Q.8, cho rằng quy định hiện nay bến không được nhận chở hàng hóa; nghĩa là trong bến không cho phép chở hàng hóa. Trước đây cho phép, nhưng từ năm 2018 trở đi không cho phép. Nhà xe chỉ nhận chở bên ngoài bến, trước khi vào bến phải bỏ xuống. Vì vậy, trường hợp bị thu tiền là tự thỏa thuận. Cái này ở bên ngoài họ làm chứ BX không can thiệp, không giải quyết được (!?), ông Hùng nói.
Trước giờ qua nhiều đời giám đốc, tụi nó đã tồn tại ở đó, bến bãi… mặc nhiên của tụi nó rồi
Ông Lê Mộng Hùng, Trưởng BX buýt Q.8
Về việc xe vừa tới, PV đợi sẵn để lấy hàng trực tiếp từ nhà xe nhưng vẫn bị bắt ép đưa tiền, ông Hùng chỉ dẫn: “Cái đó mình phải thỏa thuận trước với nhà xe chứ. Cái đó bên ngoài nó làm, mình chấp nhận gửi thì… chấp nhận chịu thôi. Còn không, lấy hàng xong bỏ chạy, chứ mấy chuyện đó thưa kiện gì được. Đâu có giấy tờ gì nên có đưa cho công an cũng không giải quyết được cái gì”.
Theo ông Hùng, nhóm người này là thành phần ở bên ngoài. Chấp nhận gửi thì phải chấp nhận chuyện bị thu tiền, coi như đó là tiền… mua lại sự rủi ro. “Có trường hợp khách đến nhận liền, có trường hợp xe đến quăng hết hàng xuống cho nhóm người này giữ. Nhóm này lấy tiền giữ hàng nên quen rồi. Cũng có nhiều người thưa, UBND phường đến giải quyết mà cứ vậy hoài. Gửi hàng trên xe buýt sẽ tiện vì nhanh. Vì cái đó tụi nó “làm ăn” mà. Trước đây, xe tới bến, khách gửi hàng chỉ tốn 5.000 đồng/vé vào cổng. Còn tụi nó hoạt động ở ngoài thì phải cao hơn, lấy 10.000 đồng. Trong bến là tổ chức nhà nước nên rẻ, bên ngoài tụi nó bị đuổi, phải nộp tiền cho tụi giang hồ này kia, bảo kê tùm lum (!?)”, ông Hùng tỏ ra rành rẽ.
Tuy nhiên, ngày 13.10, với tư cách là PV, chúng tôi trao đổi với ông Hùng để làm rõ về nhóm “giang hồ” nào thu tiền bảo kê của 2 nhóm “giang hồ” cát cứ trước cổng BX buýt Q.8 thì ông Hùng xác nhận có việc thu tiền “bảo kê” nhưng không biết rõ nhóm “giang hồ” nào.
Tùng “trấn giữ” ngay cổng xe vào của Bến xe buýt Q.8
|
Bến xe này toàn giang hồ “máu mặt”
Trước thực trạng nhức nhối này, thật khó hiểu khi ông Hùng khuyên phải chấp nhận chứ giờ chẳng biết thưa kiện ai. “Nhiều người thưa hoài, tôi chỉ lên công an, UBND phường cũng vậy à. Nói chung chỉ 5.000 – 10.000 đồng cũng không đáng. Tụi cát cứ bên ngoài phức tạp lắm, BX buýt Q.8 này toàn giang hồ “máu mặt”, không nên đụng tới, tụi nó nguy hiểm lắm. Tụi nó đâm chém tối ngày”, ông Hùng nói.
Nhiều đối tượng có tiền án
Ngày 13.10, Công an Q.8 cho biết Trịnh Quốc Kiệt (tức Đen, 46 tuổi, ngụ Q.4) có 1 tiền án về hành vi chiếm đoạt tài sản, 1 tiền sự về hành vi gây rối trật tự công cộng; Lê Trung Hiếu (25 tuổi, ngụ Q.3) có 1 tiền sự về hành vi gây rối trật tự công cộng; Tô Vân Lộc (49 tuổi, ngụ Q.8) có 1 tiền án về hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy.
Ông Hùng còn khẳng định nhóm đối tượng cát cứ trước cổng BX là “giang hồ” số má: “Giang hồ không đó, cả một hệ thống chứ không phải ít đâu. Nhưng tụi nó cũng bị “giang hồ” khác rượt đuổi chém hoài. Vì “giang hồ” này đụng với “giang hồ” kia, thằng Đen (tức Trịnh Quốc Kiệt, 46 tuổi, ngụ Q.4 – PV) bị “giang hồ” truy sát, trốn 2 tháng nay mới quay lại đó. Thằng Đen vào tù ra khám hoài chứ gì, thằng này hay đánh nhau lắm. Nên 5.000 – 10.000 đồng thì thôi cho qua, chứ vì 5.000 – 10.000 đồng mà tự dưng… thương tích đầy mình làm chi, phải hông?”.
Về việc nhóm người này hoạt động trong khuôn viên BX, bỏ hàng ngay trong chốt bảo vệ, ông Hùng cho biết: “Hồi xưa tôi quản hết, giờ thì không có người. Qua 2 đợt dịch
Covid-19, bên trung tâm (tức Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP.HCM, thuộc Sở GTVT) không đủ tiền lương thuê mướn bảo vệ. BX buýt Q.8 hiện chỉ có 1 bảo vệ đứng ở cổng xe ra để điều tiết giao thông. Giờ cổng vào mình đâu quan tâm, không có người nên… bỏ luôn. Giờ ra đuổi nó cũng vào hoài chứ gì, biết làm gì bây giờ. Còn trong bến không tổ chức nhận giữ hàng, thu tiền. Giờ để rắc rối ở bên ngoài, cũng có lực lượng đi kiểm tra mà họa hoằn lắm mới đi”.
Theo ông Hùng, cổng xe ra có Lộc (Tô Văn Lộc, 49 tuổi, ngụ Q.8, từng đi tù), Cu “anh” (tức Võ Văn Châu, 47 tuổi, ngụ Q.8) trấn giữ nhưng “làm ăn” đàng hoàng hơn (!?). Còn cổng vào, nhóm của Đen rất lưu manh: “Bữa tôi có báo cho công an luôn rồi mà nó cứ vậy hoài. Công an mời nó lên vài bữa rồi cũng thả về. Đợt vừa rồi nó bị chém là do lấy tiền quá mắc, đụng trúng băng giang hồ nên bị chém. Nhưng nó lì đòn lắm, thằng Tùng trong nhóm Đen cũng mới ra tù. Ai gây lộn, thằng Thái (thuộc nhóm Đen – PV) nó cầm dao ra chém. Nhóm này toàn giang hồ số má không”.
Đen bỏ hàng hóa ngay trong chốt trực bảo vệ ở Bến xe buýt Q.8
|
“Bến bãi… mặc nhiên của tụi nó rồi”
Việc băng nhóm của Đen hoạt động bên trong BX khiến dư luận nghi vấn BX có tiếp tay. Về vấn đề này, ông Hùng phân trần: “Tụi nó có mặc đồng phục gì đâu, quần tà lỏn không à. Giờ ông xe ôm mình cũng không đuổi được, huống gì tụi nó. Tụi nó ngồi nhậu trong bến, tôi đi ngang cũng không dám nói gì, phải đợi đến ngày mai, tỉnh rượu mới nói không đồng ý cho nhậu trong BX. Chứ đang nhậu mà lại nói, nó đâm chết. Trước giờ qua nhiều đời giám đốc, tụi nó đã tồn tại ở đó, bến bãi… mặc nhiên của tụi nó rồi. Bảo vệ BX mới vào làm, đuổi nhóm này ra khỏi cổng bến, liền bị hăm dọa, đòi đánh nên ai cũng sợ, làm được 1, 2 ngày là nghỉ”.
Theo ông Hùng, ai thường xuyên gửi, nhận hàng hóa ở BX đều đưa tiền cho nhóm người cát cứ. Chỉ có người lạ mới dám cự cãi, phản ánh. Cũng có nhiều người vô Ban Quản lý Bến xe buýt Q.8 phản ánh bị lấy giá mấy chục ngàn đồng, chứ không phải chỉ 10.000 đồng. Ông Hùng khẳng định đã trình báo sự việc này với công an, chính quyền địa phương, nên chuyện giải quyết là chuyện của địa phương. “Thôi giờ có 10.000 đồng nên bỏ qua đi chứ mắc công phiền phức. Bữa trước có nhiều người thưa, UBND phường xuống làm biên bản ở bến, tôi nói trong bến đâu có tổ chức nhận giữ hàng, thu tiền, nên không liên quan”, ông Hùng khuyên.