Việt Nam bị ‘bốc hơi’ 12 tỉ USD từ các vụ kiện thương mại của các nước
Việt Nam bị ‘bốc hơi’ 12 tỉ USD từ các vụ kiện thương mại của các nước
Theo Bộ Công thương, tính đến hết tháng 9-2020, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã bị điều tra gần 200 vụ kiện phòng vệ thương mại, với kim ngạch bị ảnh hưởng lên đến 12 tỉ USD.
Đáng lưu ý, theo Bộ Công thương, số lượng và kim ngạch các vụ việc đang tăng nhanh trong thời gian qua. Nếu cả năm 2019 mới ghi nhận 16 vụ việc khởi xướng mới nhưng chỉ 9 tháng của 2020 đã ghi nhận đến 32 vụ kiện.
Đa số hàng hóa bị điều tra phòng vệ thương mại là những mặt hàng VN có lợi thế sản xuất như kim loại (nhôm, thép dẹt, thép ống), sợi, thủy sản (tôm, cá), gỗ dán, vật liệu xây dựng (gạch, kính, thiết bị vệ sinh), hóa chất…, trong đó các thị trường thường xuyên điều tra kiện tụng là Mỹ, Ấn Độ, EU, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada và Úc.
Tổng số vụ việc các nước này điều tra đã chiếm tới 62% các vụ việc phòng vệ thương mại với hàng xuất khẩu của VN, dù gần đây các nước ASEAN cũng rất tích cực điều tra phòng vệ thương mại với 38 vụ việc, tương ứng tỉ lệ 20% trong tổng các vụ việc.
Ở chiều ngược lại, Bộ Công thương cũng cho biết VN đã kháng kiện thành công (không áp thuế, chấm dứt áp dụng biện pháp) đối với 65/151 vụ, chiếm tỉ lệ khoảng 43%. Nhiều mặt hàng như thủy sản, sắt thép, gỗ, mặc dù bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại nhưng nhiều doanh nghiệp chỉ bị áp mức thuế 0% hoặc rất thấp, giúp duy trì và tăng trưởng xuất khẩu, đặc biệt sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Canada…
Do đó, để giảm thiểu tác động tiêu cực của các biện pháp phòng vệ thương mại, bộ cũng khuyến nghị các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược xuất khẩu theo hướng đa dạng hóa thị trường, tránh phát triển quá nóng vào một thị trường, tăng cường cạnh tranh bằng chất lượng và hạn chế việc cạnh tranh bằng giá.
Cũng như tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.