28/12/2024

Ưu tiên ‘vắc xin’ chống đói nghèo

Ưu tiên ‘vắc xin’ chống đói nghèo

‘Cho đến lúc vắc xin được tìm ra thì lương thực chính là thứ vắc xin hữu hiệu nhất để chống lại sự rối loạn’, đây là lý do chính mà các thành viên trong Uỷ ban Nobel quyết định trao giải Nobel hoà bình cho Chương trình Lương thực thế giới (WFP)

 

Ưu tiên vắc xin chống đói nghèo - Ảnh 1.

Một người tị nạn đến từ Bắc Sudan mang túi lương thực do WFP phân phối ở Nam Sudan tháng 12-2010 – Ảnh: REUTERS

Dù giải Nobel hòa bình vẫn luôn đem lại bất ngờ nhưng đối với đại đa số người quan tâm và cả những công ty cá cược, việc giải thưởng này năm nay trao cho một tổ chức quốc tế về chống nạn đói là một kết quả nằm ngoài nhiều kịch bản.

Năm nay có đến 211 cá nhân và 107 tổ chức được đề cử giải thưởng danh giá này. Những cá nhân nổi tiếng như nhà hoạt động môi trường Thụy Điển Greta Thunberg, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, thậm chí Tổng thống Mỹ Donald Trump hay các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế thế giới (WHO)… được dự đoán là những ứng cử viên hàng đầu cho giải thưởng này.

Vượt qua nhiều ứng cử viên nặng ký, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) chinh phục giải thưởng nhờ “những nỗ lực của tổ chức này trong việc chống lại nạn đói”.

Như lời của bà chủ tịch Ủy ban Nobel của Na Uy là “cho đến lúc vắcxin được tìm ra thì lương thực chính là thứ vắcxin hữu hiệu nhất để chống lại sự rối loạn”, không khó để nhận ra đây là lý do chính mà các thành viên trong Ủy ban Nobel đã tính đến khi đưa ra quyết định trên.

Trong lúc nhiều tổ chức quốc tế lúng túng trong việc đối phó với sự thay đổi của thời cuộc, WFP đã chứng tỏ vai trò đảm bảo dịch bệnh không gây ra nạn đói và kèm theo đó rối loạn xã hội ở những quốc gia vốn đã tiềm ẩn nhiều bất ổn. Với hơn 138 triệu người nhận được sự giúp đỡ của WFP năm nay, so với 97 triệu người của năm 2019, đây là con số kỷ lục của tổ chức này.

Với việc dịch COVID-19 được dự báo sẽ đẩy thêm 130 triệu người lâm vào nạn đói ở gần 40 quốc gia trong năm nay, nhiệm vụ của WFP càng khó khăn hơn khi một số nước cắt giảm các khoản đóng góp cho WFP. Do đó cùng với việc trao giải thưởng này, Ủy ban Nobel đã phải đưa ra lời kêu gọi các chính phủ “quan tâm đến hàng triệu người đang đối mặt hoặc bị đe dọa bởi nạn đói”.

Và cuối cùng, giải thưởng này cũng là sự tưởng thưởng xứng đáng cho những nỗ lực của WFP trong gần 60 năm qua kể từ khi thành lập năm 1961, nhất là trong việc loại trừ nạn đói ở những quốc gia vốn là nạn nhân kinh niên của thiên tai và xung đột ở nhiều châu lục trên thế giới, bao gồm những cộng đồng bị ảnh hưởng sau thảm họa sóng thần ở châu Á năm 2004, động đất ở Haiti năm 2010.

Nhưng trong một năm mà dịch bệnh COVID-19 đang là mối đe dọa hàng đầu với tất cả các nước, cũng có những ý kiến trái chiều về việc trao giải thưởng này cho WFP, cho rằng WHO xứng đáng hơn vì thể hiện vai trò y tế toàn cầu của nó.

Nhưng có lẽ các thành viên của Ủy ban Nobel cũng có lý do riêng khi chưa trao giải thưởng Nobel hòa bình cho WHO. “Vắcxin chống COVID-19” có lẽ sẽ phải chờ sau “vắcxin chống đói nghèo”.

TÔ HOÀNG
TTO