24/11/2024

Tuyển sinh ĐH 2020: Nhiều ngành thiếu sinh viên vì thí sinh ‘thực dụng’?

Tuyển sinh ĐH 2020: Nhiều ngành thiếu sinh viên vì thí sinh ‘thực dụng’?

Mùa tuyển sinh đại học năm nay tiếp tục chứng kiến cảnh thê thảm của các ngành khó tuyển. Không chỉ trường tốp giữa, tốp dưới mà ngay cả các trường tốp trên nhiều ngành vẫn không tuyển được.

 

Tuyển sinh ĐH 2020: Nhiều ngành thiếu sinh viên vì thí sinh thực dụng? - Ảnh 1.

Sinh viên ngành thiết kế thời trang Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM làm đồ án tốt nghiệp. Đây là một trong số ngành học khó tuyển của trường này – Ảnh: LÊ TIÊN

Đã đến lúc nhà nước, các bộ ngành cần xác định những ngành nào cần thiết thì tạo cơ chế chính sách khuyến khích thu hút người học. Có thể hỗ trợ học phí, trao học bổng cho người học hoặc trực tiếp đặt hàng các trường đào tạo.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng – hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM

Trên thực tế, với những ngành khó tuyển, xã hội vẫn có nhu cầu nhân lực nhưng học sinh lại không muốn theo học, nên có ngành chỉ vài thí sinh trúng tuyển.

Chính điều này gây khó khăn cho các trường trong tuyển sinh, dẫn đến tình huống các trường đẩy điểm chuẩn lên cao ngất, chấp nhận “trắng thí sinh” từng xảy ra các năm trước.

Có ngành chỉ 1 thí sinh trúng tuyển

Tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), mùa tuyển sinh năm nay các ngành có số thí sinh trúng tuyển và nhập học rất thấp như địa chất học 29 sinh viên/100 chỉ tiêu, hải dương học 24 sinh viên/50 chỉ tiêu.

Bên cạnh đó, một số ngành của trường tuyển chưa đủ chỉ tiêu phân bổ dự kiến trước đó. Ở trường này có 3 ngành học nhiều năm nay rất khó tuyển, gồm: địa chất học, kỹ thuật địa chất và hải dương học.

Theo ThS Phùng Quán – trưởng phòng thông tin truyền thông nhà trường, khi xác định điểm chuẩn năm nay nhiều ngành có điểm rất cao, trong khi những ngành khó tuyển mặc dù tuyển chưa đủ chỉ tiêu nhưng trường vẫn xác định điểm chuẩn cao hơn điểm sàn với mức 17 điểm (mức điểm thấp nhất của trường). Nếu lấy bằng mức điểm sàn cũng không có thêm thí sinh nên trường quyết định mức điểm như vậy.

Tại Trường ĐH Nông lâm TP.HCM cũng có một số ngành “kén” người học như: khoa học môi trường, phát triển nông thôn, lâm học, quản lý rừng, lâm nghiệp đô thị, quản lý tài nguyên và môi trường… Năm nay điểm trúng tuyển vào các ngành này ở cơ sở chính của trường chỉ 16 điểm.

Theo TS Trần Đình Lý – phó hiệu trưởng nhà trường, tại cơ sở chính trường chỉ tuyển bổ sung các ngành liên quan đến lâm nghiệp: lâm học, lâm nghiệp đô thị, công nghệ chế biến lâm sản, quản lý tài nguyên rừng. Những ngành học này nhiều năm nay rất ít thí sinh chọn học nên điểm chuẩn luôn thấp nhất ở trường, thường phải xét tuyển bổ sung.

Trong khi đó, PGS.TS Đỗ Văn Dũng – hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM – cho biết: “Dù điểm của trường năm nay tăng mạnh nhưng một số ngành tuyển rất khó, như ngành thiết kế thời trang (chất lượng cao) chỉ có 1 thí sinh trúng tuyển. Bên cạnh đó, ngành môi trường, vật liệu, kỹ thuật xây dựng công trình giao thông nhiều năm nay cũng tuyển được rất ít sinh viên”.

Đóng cửa ngành, nâng điểm chuẩn “đánh rớt thí sinh”

Đáng chú ý, trong mùa tuyển sinh năm nay, ở thời điểm chưa công bố điểm chuẩn xét điểm thi tốt nghiệp THPT, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM đã quyết định ngừng tuyển sinh hai ngành khoa học thủy sản và công nghệ vật liệu.

Theo ThS Phạm Thái Sơn – giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông nhà trường, lý do trường buộc ngừng tuyển sinh hai ngành này trong năm nay vì lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển quá ít.

“Ngành công nghệ vật liệu năm ngoái tuyển được tầm 20 thí sinh nhưng năm nay tuyển sinh mãi không được thí sinh nào cả mặc dù ngành này cơ hội việc làm cao, có thể sẽ có việc làm khi là sinh viên đang thực tập, nhưng lại phải đi làm xa nhà, xa thành phố” – ông Sơn cho hay.

Còn nhớ mùa tuyển sinh 2019, Trường ĐH Đồng Nai có một số ngành như sư phạm vật lý, sư phạm sinh học, sư phạm lịch sử chỉ có 1-2 thí sinh trúng tuyển. Số lượng thí sinh như vậy quá ít nên trường không thể mở lớp. Hội đồng tuyển sinh trường đã thống nhất đẩy điểm chuẩn các ngành này lên để các thí sinh đã đăng ký nguyện vọng không trúng tuyển.

Tương tự, cũng năm ngoái Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM công bố điểm chuẩn 9 ngành có điểm chuẩn 14, hai ngành có điểm chuẩn cao đột biến là công nghệ sau thu hoạch 22 điểm và công nghệ kỹ thuật xây dựng 20 điểm. Thực tế, việc này do nhà trường nâng điểm chuẩn hai ngành “vượt trần” điểm của thí sinh để… không ai trúng tuyển.

Cần chính sách đặc biệt thu hút người học ngành khó

Theo ThS Hoàng Thuý Nga – chuyên viên chính Vụ Giáo dục đại học – Bộ GD-ĐT, tất cả ngành học các trường đang đào tạo đều là các ngành xã hội và thị trường lao động trong nước và quốc tế đang có nhu cầu.

Tuy nhiên, các chuyên gia tuyển sinh cho rằng việc chọn ngành học của thí sinh nhiều năm gần đây khá “thực dụng”. Đó là ưu tiên chọn ngành dễ tìm việc làm, lương cao, tránh việc nặng nhọc và có cả việc chọn ngành theo phong trào.

Lãnh đạo một số trường thẳng thắn cho biết trong những năm tới sẽ rà soát lại những ngành khó tuyển để dừng đào tạo luôn. Vì thực tế các trường vẫn phải vận hành cả bộ máy nhân sự cho cả ngành học và thậm chí cả bộ môn nhưng thiếu vắng người học. Ngành học dần không được đầu tư dẫn đến chất lượng đào tạo giảm sút.

“Với các trường tự chủ, họ phải tính toán kỹ lưỡng chứ những ngành học có nhiều giảng viên nhưng quá ít người học sẽ không đủ nguồn thu để trả lương”, ông Đỗ Văn Dũng nói.

Trường tự xoay xở

Thực tế, cũng có trường tự cố gắng xoay xở, gỡ khó để duy trì những ngành khó tuyển. Theo ông Phùng Quán, đối với các ngành khó tuyển, dù ít sinh viên nhà trường vẫn mở lớp bình thường, vì thật sự đây là những ngành đặc biệt và có nhu cầu xã hội. Riêng năm học này, ngành địa chất học sẽ dành 5 suất học bổng toàn phần, bán phần cho các em có điểm trên 22 điểm.

“Bên cạnh đó, trường cũng có giải pháp như ‘biến cũ thành mới, tạo khó thành dễ’ bằng cách mở ra một số ngành mới từ ngành khó tuyển. Một trong hai ngành mới của trường năm nay có điểm khá cao là vật lý y khoa 22 điểm. Thật ra ngành vật lý y khoa là ngành mới được tách ra từ ngành kỹ thuật hạt nhân và vật lý học, hiện ngành vật lý học vẫn thiếu thí sinh”.

TRẦN HUỲNH
TTO