28/12/2024

NATO phụ giám sát Trung Quốc ở Biển Đông?

NATO phụ giám sát Trung Quốc ở Biển Đông?

Một cơ chế hợp tác an ninh mới đang bước đầu thành hình tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, với các nước trong Đối thoại an ninh bốn bên (QUAD) là trọng tâm.

NATO phụ giám sát Trung Quốc ở Biển Đông? - Ảnh 1.

Tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ dẫn đầu đội hình tàu chiến Mỹ, Nhật trong một cuộc tập trận – Ảnh: US NAVY

Bộ trưởng quốc phòng Canada Harjit Sajjan đã đề xuất ý tưởng giám sát các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông.

Theo vị này, hôm 7-10, những gì Trung Quốc “thể hiện ở Biển Đông rõ ràng là đáng lo ngại” và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cần phải cho thế giới thấy sự đoàn kết trong việc gởi thông điệp răn đe mạnh mẽ tới Bắc Kinh.

Ý tưởng được đưa ra không bao lâu sau cuộc họp của các ngoại trưởng nhóm QUAD tại Nhật Bản. Bắc Kinh luôn coi bộ tứ gồm Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ là nỗ lực kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.

“Chia lửa” với Mỹ

Sự lo ngại và miễn cưỡng của một số nước châu Á trước kế hoạch mở rộng nhóm QUAD, hay còn được gọi là “Tứ giác kim cương”, xuất phát từ vị trí địa lý và mối quan hệ với Trung Quốc.

Hồi tháng trước, đã có thời điểm giới quan sát bị cuốn vào ý tưởng mở rộng “Tứ giác kim cương” thành NATO phiên bản châu Á. Tuy nhiên, đáp lại là sự dè dặt của các nước trong khu vực (gồm cả trong nhóm QUAD) về các phản ứng có thể có của Trung Quốc nếu công khai thúc đẩy.

Nhưng Anh, Pháp, Đức và Canada nằm đủ xa để tạm xem nhẹ các lo ngại này. Khác với Pháp và Đức, Canada và Anh chưa công bố chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của riêng mình. Điểm chung của bốn nước này nằm ở chỗ cùng là thành viên của NATO do Mỹ dẫn dắt.

Canada đã từ bỏ khả năng đạt được một thỏa thuận thương mại tự do với Trung Quốc, khi quan hệ song phương xấu đi vì vụ bắt giữ giám đốc tài chính của Huawei. Đối với Anh, hiện diện ở Biển Đông là một nỗ lực lấy lòng Mỹ cùng các nước trong bối cảnh nước này sắp rời Liên minh châu Âu và cần có các thỏa thuận thương mại tự do mới.

Cũng giống như Pháp, Anh vẫn còn vài tiền đồn, lãnh thổ hải ngoại tại khu vực. London đang nỗ lực hoàn tất một thỏa thuận với New Delhi, trong đó cho phép Anh sử dụng các căn cứ hải quân và sân bay của Ấn Độ, theo tờ Economic Times.

Theo nhà phân tích Neil Newman, nếu hải quân – không quân của các nước này được triển khai tại khu vực, không quân và hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương sẽ được “chia lửa” đáng kể.

Anh có hai tàu sân bay có khả năng tiếp nhận tiêm kích F-35B, Pháp cũng có một chiếc chạy bằng năng lượng hạt nhân. Nếu cộng thêm các tàu sân bay trực thăng của Nhật Bản, các nước này có thể thay phiên để mắt tới những hoạt động của Trung Quốc và giảm gánh nặng cho Hạm đội 7 Mỹ.

Do yếu tố lịch sử, Đức không có tàu sân bay nhưng lại sở hữu đội tàu ngầm hiện đại và khinh hạm tương đương tàu khu trục của nước khác.

Chờ bầu cử Mỹ

Các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản có lẽ hiểu rõ sự nhạy cảm của khu vực và mong muốn góp mặt của các nước bên ngoài.

Các cuộc điện đàm của Thủ tướng Yoshihide Suga với lãnh đạo Anh – Pháp – Đức, chuyến công du châu Âu của Ngoại trưởng Toshimitsu Motegi và mới nhất là cuộc họp của nhóm QUAD ở Tokyo cho thấy Nhật đang là động lực thúc đẩy một cơ chế hơi hướng “hồn NATO, da QUAD” ở châu Á.

Hiện tại, lý do hợp lý nhất để Anh, Pháp, Đức hiện diện ở Biển Đông là đảm bảo tự do hàng hải và giao thương, chống lại các hoạt động cướp biển đe dọa tàu thương mại của các nước này.

Vấn đề trước mắt không phải là Bắc Kinh phản ứng ra sao mà là kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới. Nói như ông Newman, nếu Donald Trump tái đắc cử, ông sẽ vô cùng cảm kích sự hiện diện của Anh ở Biển Đông và xem đó là một bằng chứng cho thấy London đang chia sẻ gánh nặng với Mỹ.

Tương tự, nhà phân tích Sebastian Maslow (Nhật) nhận định dù Tokyo đang là bên tích cực nhất, chính quyền của ông Suga vẫn thận trọng chờ sau ngày 3-11 (ngày bầu cử Mỹ). Tương lai của QUAD mở rộng hay cơ chế “hồn NATO, da QUAD” cũng phụ thuộc vào đó.

3 tàu chiến Nhật tập trận săn ngầm trên Biển Đông

Bộ Quốc phòng Nhật Bản ngày 10-10 xác nhận tàu khu trục JS Ikazuchi, tàu sân bay trực thăng JS Kaga và JS Shoryu đã ghé quân cảng Cam Ranh của Việt Nam để tiếp liệu, bổ sung hậu cần.

Đội tàu chiến của Nhật trước đó đã diễn tập săn ngầm trên Biển Đông ngày 9-10 và đang trong đợt tuần tra răn đe Ấn Độ Dương. Cuộc tập trận của Nhật diễn ra cùng ngày xảy ra sự kiện tàu khu trục USS John S. McCain của hải quân Mỹ áp sát quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam để thách thức các yêu sách vô lý của Trung Quốc.

DUY LINH
TTO