Đi qua những ngày gian khó
Đi qua những ngày gian khó
Dịch COVID-19 như một cơn bão khủng hoảng quét qua. Ai cũng biết là khó khăn, nhưng chia sẻ về những việc đã trải qua của một doanh nhân trẻ nhân dịp 13-10 cho thấy tinh thần quật cường, vượt khó không chỉ mạnh mẽ trong chiến tranh.
Tuổi Trẻ giới thiệu tâm sự về những tháng ngày gian khó của nữ doanh nhân trẻ Nguyễn Thùy Linh Cát (30 tuổi) – sáng lập thương hiệu thời trang nam CATSA.
Đối đầu khó khăn chưa từng có
Gần 10 năm gắn bó với ngành thời trang, trải qua nhiều thăng trầm trong kinh doanh song tôi chưa bao giờ phải đương đầu với hoàn cảnh ngặt nghèo như những tháng ngày COVID-19: đồng loạt đóng cửa 18 cửa hàng, lo lương bổng cho nhân viên, nặng gánh mặt bằng trong khi không có doanh thu.
Sau tết, tôi đã mường tượng những kịch bản tồi tệ có thể xảy ra ở TP.HCM. Điều âu lo nhất ấy đã đến. TP.HCM đã có ca mắc COVID-19 và những biện pháp phòng dịch mạnh được triển khai. Ngay thời điểm đó, tôi đã triệu tập cuộc họp toàn thể nhân viên, chia sẻ hết những khó khăn của mình.
Từ chỗ cắt ngày làm thứ bảy, cắt 20% giờ làm và đến khi đóng cửa hẳn, tôi phải cho nhân viên tạm nghỉ, trợ cấp lương.
Thời điểm đó, tôi thực lòng không muốn cắt giảm nhân viên, giảm lương bất kỳ ai bởi đằng sau họ còn gia đình, còn miếng cơm manh áo, nhưng gần 40 nhân viên khối văn phòng và hàng chục người lao động ở các cửa hàng quả là một bài toán khó về tài chính.
Cửa hàng đóng cửa, tôi buộc phải nghĩ đến chuyện đi xin giảm tiền thuê nhà. Gặp từng chủ nhà, tôi đều phải tâm sự thật hoàn cảnh của mình để mong chủ nhà chia sẻ, bớt đi 50% phí thuê.
Có người giảm ít, người giảm nhiều nhưng phần lớn chủ nhà đều chia sẻ, giảm 50% phí thuê. Một cửa hàng dù đã thương lượng từ trước song cuối cũng vẫn bị chủ bắt chẹt, không trả lại 50% tiền đặt cọc và tài sản chưa khấu hao với số tiền 150 triệu đồng.
Dần dần, tôi vẫn phải đóng cửa năm cửa hàng. Tuy vậy, bài toán mặt bằng đã giải quyết như trút đi một phần gánh nặng.
Nhưng cái khó nó cứ dồn dập, số tiền nợ ngân hàng khá lớn đã đến hạn trả lãi. Tôi lần nữa lại chạy đôn chạy đáo đi làm các giấy tờ, thủ tục để được giảm lãi suất, cuối cùng ngân hàng chỉ giảm 0,5% trong một tháng, chẳng thấm vào đâu.
Những ngày đó tôi trằn trọc đến 2-3h sáng mà trong đầu cứ quanh quẩn chuyện tiền nong, hàng hóa và duy trì nhân viên. Tôi nhẩm tính với cảnh cách ly xã hội thời điểm đó, vốn liếng mình vẫn có thể cầm cự được 6 tháng.
Nhưng nếu 6 tháng không cải thiện, tôi sẽ phải buông bỏ, trả mặt bằng để trở về trụ sở chính là nhà riêng của mình.
Cùng lắm, nếu ngân hàng xiết nhà tôi vẫn còn phương án dự phòng. Tôi đi lên từ tay trắng, nếu vì dịch bệnh mà trở lại trắng tay, tôi vẫn chấp nhận làm lại từ đầu bằng đôi tay của mình. Thương hiệu, công ty, bộ máy vẫn còn đó nên có bi đát thêm nữa tôi cũng không sợ.
Trong khốn khó vẫn thấy cơ hội chung
Trong cơn khốn khó của dịch bệnh, tôi thấy rằng đây là cơ hội cho hàng thời trang Việt lấy thị phần trên sân nhà. Những nơi lấy hàng Trung Quốc, những thương hiệu thời trang quốc tế khó lấy hàng thì mình phải tận dụng cơ hội hàng Việt có sẵn để bán cho người Việt, bứt phá lên khi hết dịch.
Ánh sáng cuối đường hầm của chúng tôi và nhiều doanh nghiệp khác là khi nới lỏng cách ly, được đi làm trở lại. Lúc đó tôi cảm thấy tràn đầy năng lượng, cả tôi lẫn các nhân viên đều làm “ầm ầm”.
Ngay lập tức doanh số bán hàng đã tăng lên ào ào khi người dân bắt đầu đi du lịch. Lập tức tôi đã mở lại năm cửa hàng ở những vị trí khác, mở thêm ở các tỉnh để vẫn giữ được số lượng cửa hàng như trước.
Nhìn lại chặng đường đã qua, tôi thấy bản thân mình chủ động, tự tin thì chúng ta sẽ vượt qua được, còn nếu bi quan cũng chẳng thể giải quyết được điều gì. Quan trọng, tôi nhận được những sự sẻ chia của nhân viên khi có những người sẵn sàng làm việc không lương và chủ nhà chủ động giảm giá mặt bằng.
Có những bạn hàng cũng cho trả chậm, công nợ giãn hơn, thậm chí gấp đôi, gấp ba so với trước, để thông cảm cho nhau. Phía trước sẽ còn lắm gian truân nhưng những gì đã qua, bản thân tôi và công ty đã lần nữa mạnh mẽ hơn, vững chãi hơn để tiến lên.
Ông Vũ Tiến Lộc (chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam – VCCI):
Tin vào đội ngũ doanh nhân Việt
Trong những năng lực cạnh tranh cốt lõi của nền kinh tế VN, chúng ta có thêm một năng lực cạnh tranh nữa đó là khả năng chống chịu, ứng phó với những thay đổi, biến cố khó lường nhìn từ COVID-19.
Trước đây chúng ta nhấn mạnh đến quy mô thị trường, nguồn lao động, vị thế địa chính trị, kinh tế. Nhưng bây giờ có thêm khả năng chống chịu, trở thành một năng lực cạnh tranh cốt lõi của nền kinh tế hiện đại.
Do đó, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài khi nhìn vào VN, họ thấy năng lực cạnh tranh đó khiến cho chúng ta có thêm những lợi thế thu hút đầu tư nước ngoài.
Trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, chúng ta chiến đấu trên hai mặt trận, đó là bảo vệ sinh mạng và chống suy giảm tăng trưởng. Các doanh nhân đã thể hiện vai trò xuất sắc của mình trên mặt trận chống suy thoái.
Phần lớn doanh nghiệp đã thể hiện rõ các chiến lược kinh doanh có trách nhiệm. Rất nhiều doanh nhân đã đau đáu làm sao để không sa thải người lao động. Họ đặt con người vào vị trí trung tâm chứ không phải chăm chăm ưu tiên lợi nhuận.
Thời gian tới, đất nước đang cần những bước phát triển đột phá, trong đó có lĩnh vực kinh tế, và chúng ta hoàn toàn tin vào tâm thế đó của đội ngũ doanh nhân Việt. Tôi cho rằng tâm thế đó là của niềm tin, trách nhiệm xã hội và sự kiên tâm.
Tâm thế này sẽ giúp VN vượt qua đại dịch và kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới. Ngoài ra, sự chuyển dịch của những chuỗi cung ứng toàn cầu đang diễn ra, các doanh nhân Việt sẽ biết nắm bắt xu thế này để vươn lên.