28/12/2024

Đại sứ Mỹ Kritenbrink: ‘Hợp tác Việt – Mỹ có ý nghĩa với thế giới’

Đại sứ Mỹ Kritenbrink: ‘Hợp tác Việt – Mỹ có ý nghĩa với thế giới’

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink nhấn mạnh rằng thành công trong hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam không chỉ có ý nghĩa cho quan hệ hai nước mà còn mang ý nghĩa đối với thế giới.

 

 

 

Đại sứ Mỹ Kritenbrink: Hợp tác Việt - Mỹ có ý nghĩa với thế giới - Ảnh 1.

Đại sứ Daniel Kritenbrink chụp hình nâng ly với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và các lãnh đạo Việt Nam tại sự kiện kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ tại Hà Nội tối 7-10 – Ảnh: ĐQS Mỹ

Tối 7-10 vừa qua tại Hà Nội, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã tổ chức lễ kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ (1995-2020). Đây là sự kiện đáng chú ý mới nhất trong chuỗi hoạt động liên quan tới việc đánh dấu cột mốc ý nghĩa trong quan hệ hai nước.

Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink nhấn mạnh rằng thành công trong hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam không chỉ có ý nghĩa cho quan hệ hai nước mà còn mang ý nghĩa đối với thế giới, khi nó minh chứng cho việc các nước có thể vượt qua khác biệt trong quá khứ để tiến tới sự tin cậy, tôn trọng và hợp tác.

Đối tác quan trọng

Phát biểu tại lễ kỷ niệm trên, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tầm quan trọng của quyết định bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ trong quá khứ, cho rằng đây là nền tảng để khép lại quá khứ khó khăn, đồng thời mở ra một giai đoạn mới nhiều hứa hẹn.

Phó thủ tướng cho rằng quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Mỹ ngày càng phát triển sâu rộng và thực chất trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, an ninh cho tới y tế hay giáo dục, trong đó điển hình là việc thương mại hai nước đang chạm mốc 80 tỉ USD, tăng 170 lần so với năm 1995.

Tương tự, tại lễ kỷ niệm, Đại sứ Daniel Kritenbrink cũng cho rằng quan hệ hợp tác song phương hai nước đã và đang có những thành quả ấn tượng, đặc biệt trong thương mại. Ông nhắc lại thực tế rằng Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam hiện nay cũng là một trong những đối tác xuất khẩu có mức tăng trưởng nhanh nhất của Mỹ.

Vai trò chiến lược

Sau 25 năm từ ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Mỹ đang có cái nhìn tích cực về tiềm năng phát triển và vai trò của nhau trong chính sách đối ngoại của mỗi nước. Cả hai bên đều đánh giá tích cực về thành tựu hợp tác giữa hai nước trong một phần tư thế kỷ đã qua.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định Mỹ là đối tác quan trọng hàng đầu trong tổng thể chính sách đối ngoại của Việt Nam, vốn kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa.

Theo chiều ngược lại, Mỹ xem Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Điều này đã được phía Mỹ tái khẳng định tại Đối thoại chính trị – an ninh – quốc phòng lần thứ 11 tại Hà Nội cuối tháng trước, với sự tham gia của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ và Trợ lý ngoại trưởng phụ trách chính trị – quốc phòng Mỹ R. Clark Cooper.

Trả lời phỏng vấn với Tuổi Trẻ về nội dung cuộc đối thoại trên, Trợ lý ngoại trưởng Cooper cho biết Mỹ đã đề xuất hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực, nhận thức về các vấn đề hàng hải… nhằm đối phó các thách thức an ninh trên biển, ví dụ các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia. Ngoài ra, phía Mỹ cũng đề nghị hỗ trợ Việt Nam về việc thúc đẩy khả năng bảo vệ lợi ích của mình đối với các vấn đề như Mekong, Biển Đông…

“Tại đối thoại, chúng tôi đề nghị hỗ trợ Việt Nam trong các chương trình đào tạo về quân sự quốc tế, thảo luận về khuôn khổ hợp tác an ninh… Hợp tác giữa chúng tôi với Việt Nam có vai trò rất quan trọng đối với chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, ông Cooper nói với Tuổi Trẻ.

Vị thế Việt Nam

Hợp tác trong “Tứ giác kim cương” (QUAD) gồm 4 bên Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Úc dựa trên các quy tắc nền tảng của chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở mà Nhật Bản đang theo đuổi từ thời cựu thủ tướng Abe Shinzo. Truyền thông Nhật Bản cho rằng hiện nay nước này đang muốn điều chỉnh cách thức hợp tác này bằng việc lấy trọng tâm là mối quan hệ giữa Nhật với Đông Nam Á. Điều này có phần được phản ánh qua việc Thủ tướng Suga Yoshihide đang chọn Việt Nam và Indonesia cho các chuyến công du nước ngoài đầu tiên.

Trong trả lời phỏng vấn của Tuổi Trẻ về cuộc gặp ở Tokyo của Ngoại trưởng Pompeo, trợ lý ngoại trưởng Cooper cũng khẳng định Mỹ và Nhật Bản sẽ bàn về một loạt những vấn đề liên quan tới lợi ích chung mà Nhật và Mỹ chia sẻ. “Nhưng như tôi đã nói, có một số lợi ích chung liên quan tới Washington, Hà Nội và Tokyo” – ông Cooper cho biết.

NHẬT ĐĂNG
TTO