25/12/2024

Thí sinh cần làm gì khi chưa trúng tuyển đợt 1?

Thí sinh cần làm gì khi chưa trúng tuyển đợt 1?

Vào 14 giờ 30 ngày 9.10, Báo Thanh Niên tiếp tục thực hiện chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến xét tuyển vào ĐH, CĐ với chủ đề ‘Cần làm gì khi chưa trúng tuyển đợt 1?’.

 

 

Theo Bộ GD-ĐT, hiện có hơn 46% đơn vị chưa tuyển đủ chỉ tiêu theo phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, nhiều trường cũng đang tiếp tục xét tuyển bằng các phương thức khác.
Ngay sau khi công bố điểm chuẩn đợt 1, một số trường ĐH và CĐ đã có kế hoạch xét tuyển bổ sung hàng trăm chỉ tiêu.
Chương trình tư vấn hôm nay với chủ đề “Cần làm gì khi chưa trúng tuyển đợt 1?” sẽ cung cấp thông tin quan trọng mới nhất cho thí sinh mong muốn tham gia xét tuyển đợt tiếp theo.
Chương trình được phát sóng các kênh: thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien và YouTube Báo Thanh Niên.
Chuyên gia tư vấn tham dự chương trình gồm: Thạc sĩ Trần Phán Lịnh, Tổ trưởng Tổ công tác tuyển sinh Trường ĐH Hùng vương TP.HCM; Thạc sĩ Mai Đức Toàn, Giám đốc Tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Tân Tạo; Thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó trưởng khoa Du lịch và Việt Nam học Trường ĐH Nguyễn Tất Thành; Thạc sĩ Nguyễn Hữu Phát, Giám đốc Viện quốc tế Digital Bách Khoa.
Trong khi chương trình diễn ra, thí sinh quan tâm có thể gửi câu hỏi để tương tác trực tuyến với các chuyên gia của chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến.

Chào mừng các bạn đến với chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến Cần làm gì khi chưa trúng tuyển đợt 1?
Thưa quý vị, các bạn, sau bao nhiêu ngày mong đợi, các thí sinh trúng tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT đang vui mừng nộp hồ sơ nhập học vào các trường đại học. Bên cạnh đó vẫn còn không ít thí sinh thiếu một chút may mắn nên chưa trúng tuyển đợt 1 này. Tuy nhiên, thí sinh không nên mất hy vọng vì vẫn còn nhiều cơ hội ở các đợt xét tuyển bổ sung và những lựa chọn khác.
Theo Bộ GD-ĐT, hiện có hơn 46% đơn vị chưa tuyển đủ chỉ tiêu theo phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, còn khá nhiều trường, ngành xét tuyển bằng các phương thức xét tuyển khác cũng chưa tuyển đủ chỉ tiêu. Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường nói chung, đặc biệt là các trường thuộc tốp đầu, nếu chưa tuyển đủ chỉ tiêu thì nên tuyển bổ sung các đợt sau. Việc làm này tạo điều kiện cho các em thí sinh có điểm thi tốt nghiệp THPT tốt nhưng chưa đậu theo kết quả xét tuyển đợt 1 .
Chương trình tư vấn ngày hôm nay với chủ đề Cần làm gì khi chưa trúng tuyển đợt 1? sẽ giải đáp, tư vấn, định hướng cho thí sinh thêm cơ hội học tập.
Chương trình đang được trực tuyến tại địa chỉ thanhnien.vn, facebook.com/thanhnien và kênh YouTube Báo Thanh Niên. Trong khi chương trình diễn ra, bạn đọc ngay có thể đặt câu hỏi qua các địa chỉ trên.
Xin trân trọng giới thiệu khách mời tham gia chương trình:
– Thạc sĩ Mai Đức Toàn – Giám đốc Tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Tân Tạo
– Thạc sĩ Trần Phán Lịnh – Tổ trưởng tổ công tác tuyển sinh Trường ĐH Hùng Vương
– Thạc sĩ Trương Quang Trị – Phó trưởng khoa Du lịch và Việt Nam học Trường ĐH Nguyễn Tất Thành
– Thạc sĩ Nguyễn Hữu Phát – Giám đốc Viện quốc tế Digital Bách Khoa.
Thí sinh cần làm gì khi chưa trúng tuyển đợt 1? - ảnh 1

Khách mời tham gia chương trình  ĐÀO NGỌC THẠCH

Thạc sĩ Trương Quang Trị: Nếu chưa trúng tuyển đợt 1, các em còn cơ hội xét tuyển bổ sung. Hiện Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tuyển đạt gần 70% chỉ tiêu, sau 10.10 trường sẽ xét bổ sung cho tất cả các ngành.
Thí sinh cần làm gì khi chưa trúng tuyển đợt 1? - ảnh 2

Thạc sĩ Trương Quang Trị  ĐÀO NGỌC THẠCH

Các trường vẫn còn phương thức xét bằng học bạ, các bạn nên theo dõi thông tin xét tuyển bổ sung trên kênh của trường như website, Facebook…
Ngoài ra, các em có thể học nghề, hoặc học ở các trường liên kết quốc tế…

Thạc sĩ Trần Phán Lịnh: Qua đợt xét tuyển đợt 1, nhiều em không trúng tuyển vào ngành mong muốn nhưng các em vẫn còn cơ hội. Các em đam mê ngành nào cần theo dõi để đắng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Các trường sẽ thông báo từ ngày 15.10.
Điểm nhận hồ sơ sẽ không thấp hơn so với điểm chuẩn đợt 1. Việc xét tuyển vẫn công bằng, bình đẳng, lấy điểm từ trên cao xuống thấp.
Trường ĐH Hùng Vương sẽ nhận hồ sơ với điểm xét tuyển dự kiến là 15 điểm với phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT. Song song đó, trường vẫn nhận hồ sơ xét tuyển bằng học bạ quanh năm cho đến tháng 2.2021.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Phát: Trường vẫn còn chỉ tiêu dành cho các bạn. Hạn chót nộp hồ sơ vào trường là 20.10
Chúng tôi có nhiều ngành nghề, nhưng một ngành các em có thể tham khảo trong mùa dịch này là cử nhân digital marketing.

Thạc sĩ Mai Đức Toàn: Trường ĐH Tân Tạo dành hơn 40% chỉ tiêu còn lại xét nguyện vọng bổ sung. Ngành y đa khoa của trường còn khoảng 70% chỉ tiêu trong số này, 30% chỉ tiêu còn lại là các ngành khác.
Trường tiếp tục xét với điểm xét tuyển ngành y đa khoa 22 điểm, điều dưỡng và xét nghiệm 19 điểm. Ngoài ra, thí sinh cũng có thể xét học bạ với học sinh giỏi lớp 12 với ngành y và học sinh khá với 2 ngành điều dưỡng và xét nghiệm. Các ngành còn lại cần điểm trung bình 3 năm THPT là 6.0. Tuy nhiên, thí sinh cần trải qua tiêu chí phụ là phỏng vấn tại trường.
Thời gian nhận hồ sơ theo phương thức xét điểm tốt nghiệp THPT theo quy định của Bộ. Phương thức xét học bạ trường đang nhận hồ sơ, dự kiến kết thúc ngày 20.10.

Thạc sĩ Trương Quang Trị: Trong đợt xét tuyển bổ sung này các em có thể chọn lựa phương thức xét học bạ, điểm các em đã nắm rõ, cơ hội trúng tuyển cao hơn.
Các em hãy tìm hiểu rõ trường mình sẽ nộp hồ sơ. Thường xét học bạ nguyện vọng bổ sung, hầu như điểm sẽ bằng đợt xét tuyển trước.

Thạc sĩ Trần Phán Lịnh: Để tăng khả năng trúng tuyển, từ ngày 15.9, khi các trường công bố xét tuyển nguyện vọng bổ sung, cần xem chỉ tiêu còn lại của ngành đó, tham khảo điểm chuẩn trước đó, so sánh mức điểm của các em, chọn tổ hợp có khả năng trúng tuyển cao nhất.
Thí sinh cần làm gì khi chưa trúng tuyển đợt 1? - ảnh 3

Thạc sĩ Trần Phán Lịnh  ĐÀO NGỌC THẠCH

Các em cũng cần lưu ý học phí, học bổng, địa điểm học tập. Có thể đăng ký một số trường khác để tăng cơ hội trúng tuyển.
Các em có thể thêm phương thức xét tuyển khác như xét học bạ.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Phát: Chương trình học của trường: Thực hành học 70%, lý thuyết 30%. Học kỳ 1 các em có chứng chỉ chuyên viên đồ họa, truyền thông; Học 15 tháng là cử nhân thực hành, có bằng cấp sau từng học kỳ và bằng sau khi tốt nghiệp.

Thạc sĩ Mai Đức Toàn: Năm nay các bạn thấy rõ nhiều bạn điểm rất cao nhưng chưa trúng tuyển ĐH ở đợt 1. Do các bạn thiếu may mắn, nộp vào các trường có truyền thống lấy điểm cao.
Tại Trường ĐH Tân Tạo, nhiều bạn 26 – 27 điểm nộp hồ sơ vào ngành y khoa rất nhiều.
Các bạn nên tránh “lê thê” trong việc xét tuyển. Bộ chỉ kéo dài thời gian để tránh dịch bệnh. Đa số các trường sẽ khai giảng tháng 10, chậm lắm là đầu tháng 11.
Năm ngoái, nhiều bạn quyết tâm thi lại dù điểm cũng khá cao. Tôi nghĩ các bạn nên chọn trường ĐH. Mỗi năm quy chế sẽ có thay đổi theo tình hình chung, năm sau thi lại chưa chắc được điểm cao như vậy.
Các bạn cần tìm hiểu trường mình muốn học, sau đó xem xét chỉ tiêu, điểm xét tuyển để đăng ký.

Đừng dại dột nếu chưa đậu đại học

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Phát: Bây giờ các em rất mê Rap Việt, nhìn ở góc độ kinh doanh, các em có bộ quần áo giống thí sinh Rap Việt có thể bán trên mạng xã hội, đó là hình thức kinh doanh thông minh. Mấy ngày nay mưa to, nhiều em đang gây quỹ vì miền Trung trên mạng. Nhiều giá trị các em có thể tạo ra nên đừng dại dột nếu chưa đậu đại học.
Thí sinh cần làm gì khi chưa trúng tuyển đợt 1? - ảnh 4

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Phát  ĐÀO NGỌC THẠCH

Thạc sĩ Trương Quang Trị: Nhiều em không học đại học vẫn có thể thành công, có thể học trung cấp, cao đẳng, học nghề, miễn tạo ra giá trị cho cộng đồng…
Không phải chỉ học ĐH mới thành công. Hãy xem thế mạnh của mình là gì, đam mê sở thích của mình là gì.
Nhiều gia đình có tâm lý, sợ mất mặt với láng giềng, nên áp lực cho con cái phải đậu ĐH.

Thạc sĩ Trần Phán Lịnh: Tại sao có nhiều phương thức xét tuyển? Nhiều khi các em thi tốt nghiệp THPT vì lý do gì đó không có kết quả tốt có thể xét học bạ. Các em vẫn có thể vào ĐH bằng nhiều phương thức khác nhau. Cuộc đời còn rất dài. Không chỉ có học mới thành công.

Thạc sĩ Mai Đức Toàn: Tôi tiếc là bạn tự tử ở Quảng Nam là lúc đó không có ai bên cạnh bạn. Bố bạn còn phải vay tiền cho bạn ĐH. Các bạn ở vùng xa miền Trung xem ĐH là con đường thay đổi cuộc đời, áp lực cho các bạn cũng lớn. Có lẽ bạn học ở THPT cũng tốt, hụt hẫng khi nhận kết quả, lúc này lại không có ai bên cạnh nên chọn con đường tiêu cực.
Các em không trúng tuyển cần hết sức bình tĩnh. Các em tâm lý không ổn cần liên hệ thầy cô, bố mẹ mình. Các phụ huynh cũng cần bên cạnh con mình, động viên con chọn con đường khác nếu chưa đậu ĐH…

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Phát: Trường sẵn sàng mời bạn học về digital marketing. Trường chuẩn bị khai giảng lớp 32. Theo học, các bạn sẽ thành thạo các kỹ năng làm web, làm video, YouTube, website bán hàng…

Bạn đọc hỏi: Cho em hỏi cơ hội cho từng ngành khi xét nguyện vọng bổ sung? Cơ hội việc làm ra sao?
Thạc sĩ Mai Đức Toàn: Năm 2020, Trường ĐH Tân Tạo tuyển sinh 480 chỉ tiêu. Con số này không nhiều nhưng mô hình đặc thù của trường là học hoàn toàn bằng tiếng Anh, tập trung đào tạo chất lượng.
Thí sinh cần làm gì khi chưa trúng tuyển đợt 1? - ảnh 5

Thạc sĩ Mai Đức Toàn ĐÀO NGỌC THẠCH

Không chỉ ngành y khoa, các ngành khác sinh viên năm 4 đã có việc làm vì các em có tiếng Anh vượt trội.
Tôi nghĩ cơ hội xét tuyển nguyện vọng bổ sung sẽ kết thúc trong tháng 10.

Học du lịch để đón đầu

Bạn đọc hỏi: Học ngành du lịch bây giờ có ổn không?
Thạc sĩ Trương Quang Trị: Nhiều em đang lo lắng học về ngành du lịch, vì đang có dịch Covid-19. Nhiều người lo lắng, học ra có dịch này có công việc không?
Không riêng ngành du lịch, mà nhiều ngành khác cũng bị ảnh hưởng. Nên các em đừng hoang mang. Nếu thích du lịch thì các em nên chọn học, học để đón đầu.

Thạc sĩ Trần Phán Lịnh: Dự kiến trường xét nguyện vọng bổ sung với điểm dự kiến là 15 tất cả các ngành. Riêng ngành du lịch, có thể thấy lượt khách du lịch tại Việt Nam năm 2019 là trên 80 triệu lượt, trong đó khách du lịch quốc tế khoảng 16 triệu lượt. Tỷ lệ tăng trưởng khoảng 10%/năm. Thời gian tới khi dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, nhu cầu du lịch sẽ rất lớn. Thời điểm này các em chọn học sẽ đón đầu được 3-4 năm tới.
Mức học phí của trường khoảng 13 triệu đồng/học kỳ. Năm nay, trường có chính sách giảm 50% học phí, hỗ trợ thêm 2 triệu đồng để chia sẻ với phụ huynh và thí sinh trong tình hình khó khăn chung…

Thạc sĩ Mai Đức Toàn: Trường có khuôn viên KTX khá lớn với khoảng 1.000 phòng cách trường khoảng 2 km. Học phí ngành y khoa của trường là 75 triệu đồng/học kỳ, kéo dài 6 năm không thay đổi. Các ngành còn lại là 20 triệu đồng/học kỳ.
Thí sinh đạt 18 – 20 điểm có học bổng 50-100% học phí (trừ khối ngành sức khỏe). Với ngành y khoa, 23 điểm, thí sinh sẽ có học bổng 100%.

*** Thưa quý vị, các thí sinh thân mến, những thông tin mà các chuyên gia vừa chia sẻ thật sự cần thiết cho các thí sinh trước khi bước vào giai đoạn xét tuyển bổ sung để chọn học được ngành, trường đúng với sở trường, sở nguyện. Chúng tôi chúc các thí sinh sẽ đạt kết quả thi tốt và trúng tuyển vào các nguyện vọng như mong muốn.
THANH NIÊN
TNO