Các doanh nghiệp Nhật Bản cực kỳ quan tâm tới Việt Nam
Các doanh nghiệp Nhật Bản cực kỳ quan tâm tới Việt Nam
Tân tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM Watanabe Nobuhiro nhận nhiệm vụ trong bối cảnh đặc biệt: “cú sốc” đại dịch COVID-19 dẫn đến làn sóng các công ty Nhật Bản dịch chuyển và đa dạng hoá chuỗi sản xuất hướng về Đông Nam Á.
“Vào tháng 7 năm nay, Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện dự án hỗ trợ đa dạng hóa chuỗi cung ứng ở nước ngoài. Một nửa số công ty trong dự án này đã có kế hoạch kinh doanh tại Việt Nam” – tổng lãnh sự (TLS) Watanabe nhấn mạnh khi trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ.
Theo ông Watanabe, trong những năm gần đây, các doanh nghiệp Nhật Bản đã cực kỳ quan tâm tới Việt Nam. Các thế mạnh của Việt Nam bao gồm lực lượng lao động ưu tú và mức lương vừa phải, sự gia tăng tầng lớp trung lưu mạnh mẽ, môi trường kinh doanh ngày càng ổn định, nhiều cải thiện trong đầu tư cơ sở hạ tầng và mở rộng mạng lưới cả hiệp định thương mại tự do.
* Trở thành TLS trong một giai đoạn hết sức đặc biệt như hiện nay, sứ mệnh của ông khi tới Việt Nam và cụ thể TP.HCM là gì?
– Nhật Bản và Việt Nam đang tăng cường quan hệ trên tất cả các lĩnh vực như chính trị, kinh tế, an ninh. Với tư cách là TLS Nhật Bản, tôi mong muốn tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Nhật Bản và khu vực miền Nam Việt Nam, bao gồm: hỗ trợ hoạt động kinh doanh và đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản bao gồm Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM (JCCH).
Kế đến là hỗ trợ giao lưu giữa TP.HCM và chính quyền các địa phương của Nhật Bản, hay chương trình viện trợ Kusanone.
* Đâu là lĩnh vực có thể hợp tác tốt giữa doanh nghiệp địa phương Nhật Bản với TP.HCM và Việt Nam nói chung?
– Trong những năm gần đây, Nhật Bản đang gặp vấn đề tỉ lệ sinh thấp và dân số già ở Nhật Bản ngày càng cao. Vì sự thiếu hụt lao động ở các địa phương, nên sự đóng góp của lao động Việt Nam là vô cùng quý giá. Ngoài ra các địa phương của Việt Nam cũng rất kỳ vọng sẽ thu hút được đầu tư, bao gồm đến từ các địa phương Nhật Bản. Cả hai nước đều rất nhiệt tình với những vấn đề này.
Tại TP.HCM, các doanh nghiệp Nhật Bản đang tiếp tục hoạt động, phản ánh mối quan hệ kinh tế chặt chẽ giữa Nhật Bản và Việt Nam. JCCH đã và đang tăng gấp đôi số doanh nghiệp thành viên trong 10 năm qua. Kết quả là đầu năm 2019, số lượng thành viên đã vượt quá 1.000 doanh nghiệp. Việc 40 thành viên mới gia nhập JCCH trong nửa đầu năm nay, khi dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành, cho thấy sự nhiệt tình của các công ty Nhật Bản dành cho Việt Nam.
Nhìn vào hoạt động của các công ty Nhật Bản tại đây, mặc dù có rất nhiều công ty thuộc lĩnh vực sản xuất, nhưng những năm gần đây đã có nhiều lĩnh vực khác gia nhập như ngành dịch vụ và hậu cần. Tôi nghĩ mọi người có thể nhìn thấy điều này khi thấy các cửa hàng thương hiệu nổi tiếng về may mặc của Nhật Bản đã xuất hiện. Số lượng nhà hàng Nhật Bản trong thành phố cũng ngày một nhiều và số lượng cửa hàng tiện lợi Nhật Bản đang tăng lên.
* TP.HCM đang phát triển các dự án mới, đặc biệt là khu đô thị sáng tạo và tương tác cao phía Đông, để thúc đẩy phát triển khoa học kỹ thuật. Ông nhận thấy TP.HCM nhìn nhận tiềm năng từ các dự án này như thế nào?
– TP.HCM chiếm khoảng 25% GDP toàn quốc và đóng góp khoảng 30% ngân sách quốc gia. Có thể nói rằng các doanh nghiệp có nhiều cơ hội làm ăn hơn khi đầu tư vào đây. Ngoài ra, thành phố đã đưa ra các biện pháp năng động và sáng tạo như phát triển các khu công nghệ cao, trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển khu vực đô thị mới Thủ Thiêm.
Tôi cũng nghe rằng thành phố đang phát triển thành phố phía Đông (PV – thành phố Thủ Đức) để trở thành khu vực kinh tế lớn thứ 3 của Việt Nam. Hôm trước, tôi có đến thăm Khu công nghệ cao. Năm 2018, Nhật Bản đã thành lập Trung tâm đào tạo và chuyển giao công nghệ Nhật – Việt (VJTC) thông qua nguồn vốn hợp tác phát triển chính thức (ODA).
Hơn 130 công ty liên quan đến công nghệ tiên tiến trên khắp thế giới, bao gồm các công ty Nhật Bản, đang hoạt động tại đây, góp phần đào tạo cho sinh viên Việt Nam trong lĩnh vực kỹ thuật, tự động hóa nhà máy và sản xuất robot.
Mặt khác, đặc biệt là ở trung tâm TP.HCM, quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông đang là nỗi trăn trở của thành phố. Do đó, chính quyền thành phố đang tập trung phát triển các khu ngoại ô xa trung tâm để cải thiện cơ sở hạ tầng, giúp giảm bớt tình trạng tắc nghẽn giao thông.
Một điểm nữa tôi muốn nhắc đến là TP.HCM đã nỗ lực không ngừng để cải thiện môi trường đầu tư. Mặt khác, các công ty Nhật Bản tại đây mong muốn thành phố phát triển cơ sở hạ tầng, đơn giản hóa các thủ tục hành chính và duy trì an ninh tốt.
Quyết đẩy nhanh dự án metro số 1
Dự án đường sắt đô thị số 1 (metro số 1) sẽ được hoàn thành trong thời gian sớm nhất. Các công ty Nhật Bản đứng đầu dự án đang làm việc cả ngày lẫn đêm. Các chuyên gia Nhật phục vụ dự án cũng đang chuẩn bị nhập cảnh vào Việt Nam.
Chính phủ hai nước nhất trí sẽ nới lỏng từng phần và từng bước các quy định về hạn chế đi lại giữa hai nước và đã bắt đầu mở cửa đi lại đối với các đối tượng lưu trú dài hạn. Hai bên đang tiếp tục thảo luận để sớm khôi phục đi lại an toàn, bao gồm cả những người dân lưu trú ngắn hạn.