Bàn tròn ‘vượt lên’ của 3 CEO doanh nghiệp tỉ USD
Bàn tròn ‘vượt lên’ của 3 CEO doanh nghiệp tỉ USD
Thị trường bị tác động mạnh bởi COVID-19, ba lãnh đạo doanh nghiệp quy mô doanh thu tỉ USD chia sẻ với Tuổi Trẻ về quá trình vượt qua giai đoạn khó khăn và việc sẽ làm sau COVID-19.
Dù khó khăn nhưng ngay trong dịch, nhiều doanh nghiệp Việt vẫn tăng sức cạnh tranh và giành được những hợp đồng lớn ở nước ngoài. Nhưng chặng đường sắp tới không đơn giản.
* Ông Lê Đăng Dũng (chủ tịch kiêm tổng giám đốc Tập đoàn công nghiệp – viễn thông Quân đội – Viettel):
Đối diện cuộc chơi “người chiến thắng có tất cả”
Kết quả sản xuất kinh doanh của Viettel vẫn hoàn thành chỉ tiêu. 6 tháng đầu năm, toàn tập đoàn đã hoàn thành kế hoạch. Mặc dù vẫn có một số đơn vị sẽ gặp khó khăn do sự ảnh hưởng chung nhưng đây là lúc thuận lợi nhất để thúc đẩy thật nhanh quá trình số hóa và chuyển đổi số.
COVID-19 bùng phát, cộng thêm sự chững lại của dịch vụ viễn thông truyền thống là không thể tránh khỏi, cả thế giới đều không tăng trưởng cao nữa. Các doanh nghiệp tăng trưởng mạnh nhất là các công ty công nghệ số như Alibaba, Amazon, Facebook…
Vấn đề của Viettel bây giờ là làm sao tạo được một mô hình vừa là công ty viễn thông truyền thống vừa là công nghệ. Nguồn giúp Viettel tăng trưởng nhanh hơn sẽ đến từ các dịch vụ số.
Nhưng dịch vụ số thì mỗi quốc gia chỉ có 1-2 công ty có thể sống tốt thôi, vì đây là trò chơi “Winner-take-all” (người chiến thắng sẽ có tất cả). Giờ phải xây dựng làm sao để Viettel ít nhất là số 1 trong lĩnh vực nội dung số và thanh toán số. Điều này sẽ không dễ. Thế nhưng, tôi nghĩ Viettel có lợi thế là vừa có hạ tầng viễn thông, vừa có hàng chục triệu khách hàng đang sử dụng dịch vụ viễn thông. Tất cả dịch vụ số đều phải dựa trên viễn thông cả, và các công ty cung cấp dịch vụ số cũng phải sử dụng khách hàng của viễn thông. Vậy mà họ làm được, mình không làm được thì rất đau khổ.
Năm 2020, chúng tôi tiếp tục xây dựng hạ tầng viễn thông và CNTT hiện đại nhất. Viettel sẽ triệt để ảo hóa, cloud hóa, đa ứng dụng hóa mạng lưới của mình, sẵn sàng triển khai công nghệ siêu băng rộng 5G. Phải tạo ra một hạ tầng kết nối IoT rộng khắp để kết nối hàng tỉ thiết bị, quản lý và điều khiển chúng tự động với tốc độ siêu nhanh, không độ trễ.
Đồng thời Viettel cũng tạo ra những nền tảng kỹ thuật số để khách hàng có thể thỏa sức sáng tạo trên đó. Viettel tiếp tục tiên phong phát triển và cung cấp các ứng dụng, dịch vụ số, những dịch vụ quyết định Việt Nam có trở thành quốc gia số hay không. Các dịch vụ này ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ AI, Big data để hình thành hệ sinh thái số bao gồm: mobile money, nội dung số, thương mại điện tử, công cụ tìm kiếm, mạng xã hội, cơ sở dữ liệu…
Viettel rất kỳ vọng vào mảng thanh toán số, nhưng điều này còn phụ thuộc vào giấy phép mobile money. Nếu giấy phép được cấp sớm, khách hàng sớm được hưởng lợi, sớm thúc đẩy xã hội số ở Việt Nam, tạo ra sự bùng nổ thương mại điện tử và tài chính điện tử, đây cũng sẽ là mảng bùng nổ của Viettel.
* Ông Nguyễn Văn Khoa (tổng giám đốc Tập đoàn FPT):
Kích hoạt chế độ “thời chiến” để vượt khủng hoảng
COVID-19 đã đặt nền kinh tế toàn cầu vào một bối cảnh đầy thách thức.
Là một trong những tập đoàn công nghệ, FPT đã kích hoạt chế độ “thời chiến” để chống chọi và vượt qua khủng hoảng. Thành lập đội ngũ “phản ứng nhanh” nhằm bàn thảo và lên kế hoạch tác chiến theo tuần, thậm chí theo ngày, FPT tăng tốc chuyển đổi số nội bộ, triển khai những giải pháp quan trọng để tái cấu trúc quy trình kinh doanh và tối ưu vận hành, giúp cắt giảm đến 60% chi phí, tiết kiệm đến 30-70%, thậm chí 90% thời gian cho các quy trình doanh nghiệp.
Trong bối cảnh dịch bệnh, nhân viên tại một số quốc gia không thể đến văn phòng cũng như gặp gỡ đối tác, khách hàng, FPT linh hoạt phát triển các giải pháp làm việc từ xa, triển khai các giải pháp hội nghị – hội thảo trực tuyến để đảm bảo không đứt gãy kênh bán hàng, năng suất lao động và hoạt động kinh doanh liên tục.
Nhờ vậy, trong 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu và lợi nhuận tập đoàn tăng trưởng lần lượt 9% và 13,5%, trong đó doanh thu chuyển đổi số tăng tới 65% so với cùng kỳ 2019. Trong khó khăn, tập đoàn vẫn ký kết thành công hàng loạt hợp đồng lớn trong và ngoài nước, tiêu biểu như mới đây, FPT đã vượt qua nhiều công ty tên tuổi trên thế giới để trở thành đối tác ưu tiên toàn quyền triển khai dự án CNTT với tổng quy mô gần 20 triệu USD của một công ty kinh doanh ôtô hàng đầu tại Mỹ.
Không nằm ngoài những khó khăn chung của kinh tế thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối diện với những vấn đề nghiêm trọng như sụt giảm doanh thu, cạn kiệt nguồn vốn, giảm năng suất lao động, gián đoạn chuỗi cung ứng và bộc lộ một loạt điểm yếu vận hành đã tích lũy trong giai đoạn tăng trưởng nóng trước đây. Tuy vậy, “trong nguy có cơ”, đây là cơ hội để doanh nghiệp bộc lộ sự nhanh nhạy, linh hoạt cùng tiềm lực nội tại mạnh mẽ, vượt khó và bứt phá.
Nhiều tập đoàn, tổ chức đầu ngành đã chọn công nghệ và đổi mới sáng tạo như Tập đoàn Động Lực, Y khoa Hoàn Mỹ, Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM… nhằm thúc đẩy quá trình vận hành số để sẵn sàng bứt phá. Đây là lúc cộng đồng doanh nghiệp Việt phải liên minh, đồng lòng chia sẻ khó khăn để đảm bảo sự sống còn. Mỗi doanh nghiệp phục hồi và thịnh vượng sẽ tạo động lực lớn cho sự phục hồi và phát triển nền kinh tế quốc gia.
* Ông Đoàn Văn Hiểu Em (CEO Công ty CP Thế Giới Di Động):
Tiến ra nước ngoài
Bất chấp tình hình dịch bệnh, Thế Giới Di Động (MWG) vẫn đang gấp rút hiện thực hóa những kế hoạch tăng trưởng. Công ty đặt mục tiêu chiếm 60% thị phần bán lẻ điện máy tới năm 2022 bằng việc ra mắt một mô hình thứ 3 của Điện Máy Xanh, đó là các shop Điện Máy Xanh supermini. Đây là một mô hình tinh gọn từ 120 – 150m2, len lỏi sâu vào khu vực nông thôn, bán các sản phẩm phù hợp với khách hàng ở khu vực này.
Trong năm 2021, số lượng các cửa hàng trên có thể sẽ tăng lên 1.000 trên phạm vi toàn quốc và doanh thu tăng lên 5.000 tỉ. Tới năm 2022, Điện Máy Xanh đặt mục tiêu 1.200 cửa hàng và nâng mức doanh thu gấp 3 lần năm 2020, lên 15.000 tỉ đồng, chiếm 60% thị phần bán lẻ điện máy toàn thị trường.
MWG cũng đang mở rộng thêm các dịch vụ liên quan khác như trả góp, chuyển tiền, thu chi hộ tiền điện nước. Theo tính toán, luồng doanh thu mỗi tháng từ các dịch vụ này lên đến trên 100.000 tỉ đồng, lớn hơn cả doanh thu của tập đoàn. Nhờ đó công ty có thể thu về phí hoa hồng lớn.
Trong tầm nhìn dài hạn, thị trường nước ngoài sẽ là mục tiêu được nhắc tới trên cơ sở những thử nghiệm của chuỗi bán điện máy mang tên Bluetronics tại Campuchia cho kết quả ấn tượng. Đến cuối tháng 8, chuỗi này dự kiến có khoảng 10 cửa hàng, cuối tháng 9-2020 sẽ có khoảng 20 cửa hàng và mục tiêu đến hết năm 2020 là 50 cửa hàng. Tương lai có lời đối với chuỗi Bluetronics là khá rõ ràng, khi đó ngoài Campuchia, MWG cũng nhắm tới các thị trường rộng lớn hơn như Philippines, Indonesia…
Với Bách Hóa Xanh, chuỗi bán lẻ hàng tiêu dùng cũng đang mạnh mẽ bứt phá tốc độ bằng những thử nghiệm mới, mô hình mới. Chẳng hạn, chuỗi đang rất thành công khi nâng cấp các cửa hàng doanh số cao lên mức 3 tỉ và 5 tỉ đồng. Về dài hạn, Bách Hóa Xanh vẫn tiếp tục tập trung ở các tỉnh mà chuỗi hiện đang có mặt (từ Khánh Hòa trở vào) và hướng tới mục tiêu có lãi vào năm 2021.