26/12/2024

NATO trước thách thức mới

NATO trước thách thức mới

Cuộc xung đột vũ trang giữa Armenia và Azerbaijan liên quan vùng Nagorno-Karabakh tranh chấp đang tạo nên thế giằng co mới trong nội bộ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Trụ sở NATO tại Brussels, Bỉ /// Reuters
Trụ sở NATO tại Brussels, Bỉ  REUTERS
Nhiều thành viên khác đang gây áp lực buộc Thổ Nhĩ Kỳ tham gia hòa giải và kêu gọi ngừng bắn, sau khi nước này tỏ rõ thái độ đứng về phía Azerbaijan trong xung đột đã khiến ít nhất 280 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đích thân đến Ankara và nhấn mạnh rằng Thổ Nhĩ Kỳ cần dùng vị thế trong khu vực để hòa giải xung đột trên. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đến thăm Azerbaijan lại nói rằng lệnh ngừng bắn đã có lâu nay nhưng “hãy xem những gì đang xảy ra”.
Mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các thành viên NATO khác vốn đã rạn nứt sau khi nước này mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga, mâu thuẫn với Hy Lạp và Pháp ở Đông Địa Trung Hải, cũng như các hành động tại Syria và Libya.
Mâu thuẫn mới nhất khiến Canada dừng bán một số vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ và Ankara chỉ trích Canada theo “tiêu chuẩn kép”. Rõ ràng mọi động thái của Thổ Nhĩ Kỳ liên quan xung đột Armenia – Azerbaijan đều có thể ảnh hưởng đến nguy cơ rạn nứt trong nội bộ NATO.
Chưa hết, kết quả bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới sẽ còn ảnh hưởng lớn đến mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ trong nội bộ NATO, khi ứng viên Joe Biden tỏ rõ thái độ cứng rắn với Ankara nếu ông đắc cử.
KHÁNH AN
 TNO