Làm gì để thu hút các ‘đại gia’ về khu Đông?
Làm gì để thu hút các ‘đại gia’ về khu Đông?
Khu Công nghệ cao TP.HCM sẽ là nơi ươm mầm trí tuệ, tài năng Việt cũng như các doanh nghiệp (DN) Việt trong lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo… để những DN này sẽ là rường cột của nền kinh tế TP.HCM.
Trao đổi cùng Tuổi Trẻ Online, PGS.TS NGUYỄN ANH THI Trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM – cho biết:
– Đây đã là thời điểm chín muồi để dồn nguồn lực phát triển lực lượng DN trong nước có năng lực đổi mới sáng tạo, tạo ra sản phẩm công nghệ cao, không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn hướng ra thị trường toàn cầu.
Tận dụng lợi thế nguồn nhân lực
* Thưa ông, sau 18 năm thu hút các DN vào Khu Công nghệ cao TP.HCM, đến nay định hướng thu hút đầu tư vào khu này có sự thay đổi ra sao?
– Khu Công nghệ cao TP.HCM được thành lập cách đây 18 năm với mục đích là xây dựng nền móng về công nghiệp công nghệ cao. Chúng ta đã thu hút vào đây những doanh nghiệp lớn như Intel, Nidec, Samsung… bởi các chính sách ưu đãi về đất, thuế và nhiều hỗ trợ khác…
Tuy vậy, nền móng công nghiệp công nghệ cao đó là con người. Chúng ta phải tạo ra môi trường để đào tạo, nâng cấp yếu tố con người bởi đây là đầu vào quan trọng nhất của quá trình sản xuất. Thời gian qua, các DN trong nước cũng đã tham gia cung cấp dịch vụ cho DN công nghệ cao. Sau 18 năm, trình độ phát triển của kinh tế, công nghiệp VN đã khác.
Do đó, mục đích, hướng đi và cách đi của việc thu hút đầu tư vào Khu Công nghệ cao TP.HCM phải có sự thay đổi. Giờ phải phát huy rường cột của nền kinh tế đó là kinh tế tư nhân, và trong khối kinh tế này thì những DN có năng lực đổi mới sáng tạo, DN công nghệ cao rất quan trọng. Kể cả số lượng, chất lượng DN lẫn nhân sự trong lĩnh vực công nghệ cao của VN hiện vẫn còn thiếu và yếu.
Trong số 700.000 DN (sách trắng DN VN năm 2019) hiện nay, phần lớn là DN nhỏ, siêu nhỏ và số lượng DN công nghệ cao đếm trên đầu ngón tay. Do đó, trong thời buổi này, vai trò của Khu Công nghệ cao TP.HCM rất quan trọng. Đó là phải tạo ra các DN công nghệ cao, đưa những DN này trở thành trụ cột của nền kinh tế TP.HCM.
* Làm thế nào để hiện thực hóa mục tiêu này cũng như tận dụng lợi thế Khu Công nghệ cao TP.HCM gắn với môi trường đào tạo nguồn nhân lực hàng đầu ở phía Nam đó là ĐH Quốc gia TP.HCM?
– Tầm nhìn của TP.HCM trong thời gian tới là Khu Công nghệ cao TP.HCM trở thành hạt nhân, động lực mới của tăng trưởng kinh tế của TP. Để thực hiện có hiệu quản nhiệm vụ đó, việc phát triển liên kết “3 nhà” là một trong những yếu tố sống còn.
Mơ ước gắn kết ĐH Quốc gia TP.HCM với Khu Công nghệ cao đã có từ khi khởi nguồn xây dựng khu này, nhưng điều kiện kinh tế xã hội thời điểm đó chưa chín muồi để mối quan hệ giữa nhà trường – doanh nghiệp – Khu Công nghệ cao hình thành, phát triển mạnh. Tuy nhiên, tầm nhìn cho sự gắn kết này đã có ngay từ đầu và đây cũng là lý do để ĐH Quốc gia và Khu Công nghệ cao nằm kế nhau.
Bây giờ đã là thời điểm chín muồi, cả hai đã định hình rõ và đứng trước cơ hội biến sự gắn kết này trở thành hiện thực. Vấn đề cốt lõi là hiện nay chúng ta phải có những hành động cụ thể để thúc đấy quá trình gắn kết này diễn ra một cách nhanh chóng, tạo ra hiệu quả.
Sắp tới, chúng tôi sẽ gắn kết chặt giữa “3 nhà” để phát triển lực lượng DN trong nước có năng lực đổi mới sáng tạo, tạo ra sản phẩm công nghệ cao, không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn hướng ra thị trường toàn cầu. Đồng thời, đây cũng là nơi thí điểm những mô hình, cơ chế và những cách làm mới để nâng cao năng suất thông qua ứng dụng công nghệ.
Muốn được như vậy, trường đại học phải là nơi cung cấp yếu tố đầu vào quan trọng cho quá trình này, còn DN là chủ thể biến nguồn lực đào tạo này thành đầu ra là những sản phẩm, dịch vụ công nghệ cao trên thị trường. Tuy vậy, cần phải nhìn nhận những vấn đề liên quan đến con người thì không thể một sớm một chiều, mà phải có tầm nhìn dài hạn. Muốn hái được quả ngọt thì chúng ta phải kiên trì ươm mầm, gầy dựng với tầm nhìn chiến lược.
Nâng tầm trí tuệ Việt, DN Việt
* Vậy làm sao để tăng sự hiện diện của các DN Việt cũng như trí tuệ Việt trong Khu Công nghệ cao TP.HCM trong thời gian tới?
– Các DN ở trong này phần lớn là DN FDI, chưa có nhiều DN trong nước. Bên cạnh đó, đóng góp về giá trị sản xuất của các DN trong nước vẫn còn rất hạn chế. Đây là điều sẽ cải thiện trong thời gian tới bởi trước đây chúng ta thu hút đầu tư với một mục tiêu khác, hướng đến các DN FDI.
Hiện nay, Khu Công nghệ cao TP.HCM đã dành 93ha để xây dựng không gian khoa học, nơi để phát triển các DN trong nước, phát triển tiềm lực DN công nghệ cao. Các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) hay các DN chuyên về R&D sẽ tập trung hoạt động ở khu vực này.
Các lãnh đạo đi trước đã có tầm nhìn cách đây 10 năm, đã “ươm mầm”, giai đoạn này phải “tưới tắm”, “bón phân” để giấc mơ này thành hiện thực. Tới đây, chúng tôi sẽ tập trung phát triển khu này, phát triển những gắn kết hữu cơ trong nội khu. Từ đây, các DN sẽ tạo ra những sản phẩm Việt để chiếm lĩnh thị trường, khẳng định năng lực công nghiệp công nghệ cao của người Việt. Giờ trong khu vực này cũng đã thu hút nhiều DN công nghệ cao của VN sẽ triển khai dự án về tự động hóa để làm robot xuất khẩu, máy bay không người lái, mô phỏng cho ngành hàng không, năng lượng tái tạo…
Hiện nay chúng ta đã hình thành một lực lượng DN khá ổn, vấn đề sắp tới là chúng ta phải nâng cấp lên, muốn như vậy thì hiệu ứng về hệ sinh thái rất quan trọng. Cần phải đặt những ông liên quan với nhau ngồi cạnh nhau, như thế cường độ sáng tạo sẽ được nâng lên rất nhiều. Chỉ cần đặt những ông nhỏ thôi nằm cạnh nhau nhưng cường độ sáng tạo sẽ nâng lên “n” lần trong khi những DN lớn phải ì ạch thực hiện. Tôi khá lạc quan về tầm nhìn, song cần phải thực tế là kiên trì và có thời gian, đừng đỏi hỏi phải 2-3 nằm làm được, mà ít nhất phải 10 năm.
Hướng đến sự tương tác giữa con người
* Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông mà TP.HCM đang phác thảo hình hài sẽ có những điểm gì nổi bật thưa ông?
– Đô thị sáng tạo tương tác cao là đây là nơi tập trung mật độ cao các hoạt động đổi mới sáng tạo. Chủ thể của nó phải là những DN đổi mới sáng tạo, xoay quanh đó là những tổ chức liên quan như đại học, nhà đầu tư, các tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ… thành một hệ sinh thái.
Tương tác cao tức là đô thị được quy hoạch lại để làm sao mọi người có thể gặp nhau một cách thuận lợi, nhanh chóng để trao đổi, hình thành và phát triển các ý tưởng mới, cùng nhau thực hiện các ý tưởng đó.
Trong nền kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo, phát triển tri thức là giá trị cốt lõi. Quá trình phát triển tri thức mới là quá trình năng động, gắn tương tác giữa con người và con người. Do đó, đô thị sáng tạo tương tác cao trước hết là đô thị, nhưng nó được quy hoạch làm sao cho quá trình và điều kiện tương tác giữa con người và con người diễn ra thuận lợi.
* Vậy nơi ăn, chốn ở của người lao động ở khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông sẽ được tính toán ra sao thưa ông?
Ở Singapore, để phát triển một công viên khoa học hay một đô thị khoa học công nghệ thì điều kiện cần đó là sự kết nối để dễ dàng đi lại và điều kiện sống để con người thuận tiện ăn ở, ngủ nghỉ cũng như vui chơi giải trí… Rõ ràng, những điều kiện về cơ sở vật chất này phải đi trước rồi mới đến điều kiện làm việc. Do đó, trong quy hoạch phát triển khu đô thị sáng tạo, muốn thu hút chủ thể của khu đô thị này là những con người sáng tạo thi TP phải chuẩn bị cơ sở hạ tầng trước cho nơi ăn chốn ở.
Chúng ta muốn “đại gia” về khu Đông nhưng không có khách sạn 5 sao cho họ ngủ, hay những lao động sáng tạo có lương cao hơn, nhu cầu vui chơi giải trí, ăn ở cao hơn nhưng lại không có sự chuẩn bị trước thì sẽ khó thu hút.
Riêng về chuyên gia hiện có khoảng 600 người, dù làm việc ở đây song họ phải về sống ở quận 2, quận 1. Nếu có điều kiện tốt thì chuyên gia sẽ ở đây, họ sẽ sử dụng các dịch vụ từ ăn uống, vui chơi, kết nối… tạo ra giá trị.