25/12/2024

Nghĩ gì khi 9 điểm/môn không trúng tuyển ngành báo chí?

Nghĩ gì khi 9 điểm/môn không trúng tuyển ngành báo chí?

Vừa công bố điểm chuẩn, ngành báo chí ngay lập tức nhận được sự quan tâm của dư luận khi thí sinh khối C muốn trúng tuyển phải đạt 27,50 điểm. 
Sinh viên ngành báo chí ngày ra trường /// BCK05
Sinh viên ngành báo chí ngày ra trường BCK05
Mức điểm chuẩn 27,50 cũng có nghĩa là thí sinh thi văn – sử – địa vào ngành báo chí cho dù đạt 9 điểm/môn cũng không thể trúng tuyển. Điều này làm nhiều người cảm thấy “sốc”.

Mức điểm chuẩn này là bình thường

Theo tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, chuyện này là bình thường. Nhiều năm qua điểm chuẩn ngành báo chí đều ở tốp đầu của trường. Năm nay đề thi dễ, điểm thi cao nên mọi người thấy điểm chuẩn “dữ dội” như vậy. Năm 2017, điểm chuẩn ngành báo chí cũng là 27,25 điểm, cũng với lý do điểm thi THPT quốc gia cao. Chỉ tiêu dành cho ngành báo chí năm nay không giảm, chưa kể còn nhiều hơn. Ngành báo chí ngoài hệ đại trà còn có cả hệ chất lượng cao với điểm chuẩn cũng rất cao.
Cũng theo tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, tại trường, bao giờ thí sinh cũng đăng ký khối C nhiều hơn các tổ hợp khác. Các tổ hợp có tiếng Anh ít thí sinh đăng ký hơn. Những thí sinh đăng ký xét tuyển khối C vào ngành báo chí cũng là các em giỏi các môn xã hội, đã định hướng về ngành học này ngay từ khi học THPT.
“Không phải học báo chí ra trường đều làm báo. Đa số các em bây giờ tốt nghiệp xong đi làm truyền thông. Báo chí của ngày hôm nay đã khác xa với thời xưa. Đừng nghĩ như báo chí truyền thống là chỉ có làm tại cơ quan báo chí. Các công ty, đơn vị đều có phòng truyền thông. Đây là hướng mở, không phải là lĩnh vực bó hẹp nữa”, tiến sĩ Hạ cho biết.
Nghĩ gì khi 9 điểm/môn không trúng tuyển ngành báo chí? - ảnh 1

Điểm chuẩn 27,5 điểm cho ngành báo chí là chuyện bình thường! BCK05

Theo tiến sĩ Huỳnh Văn Thông, giảng viên Khoa Báo chí và truyền thông, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, điểm chuẩn vào ngành báo chí cao hơn so với các ngành học khác là thực tế của nhiều năm rồi, chứ không chỉ năm nay. Còn năm nay “cao chót vót” là do “tình cờ của thời cuộc”. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 rất đặc biệt do ảnh hưởng của dịch Covid-19, và một trong những hệ quả đặc biệt mà nó để lại là mặt bằng điểm thi cao hơn những năm trước. Theo đó, điểm chuẩn vào một số ngành học cạnh tranh cũng rất cao. Người ta có thể cảm thấy 25 điểm vào ngành báo chí là không bất thường, nhưng 27 điểm thì có vẻ bất thường, mà quên mất 2 điểm trội lên trong so sánh ấy là do tương quan thời cuộc chứ không thêm ngữ nghĩa gì khác.

“Điểm đầu vào cao không bảo chứng cho năng lực học tập thực có”

Cũng theo tiến sĩ Huỳnh Văn Thông, việc điểm chuẩn ngành báo chí cao như vậy khiến ông thấy vui là vì ngành học vẫn được các bạn trẻ “mến mộ” để theo học. Vì thế mà nhà trường có cơ hội tuyển được nhiều thí sinh có triển vọng. Là “có triển vọng”, chứ không mặc định là “giỏi”. Với các thầy cô, các bạn trẻ có triển vọng về năng lực học tập thường sẽ có mức kỳ vọng rất cao vào nhà trường, vào thầy cô. Tức là học sẽ đòi hỏi nhiều ở nhà trường và thầy cô. Vì thế, thầy cô sẽ mệt nhọc, phải nỗ lực nhiều để đáp ứng kỳ vọng của sinh viên. Thầy cô lo nhiều hơn vui. Nhất là nhiều điều kiện về đào tạo của trường, của khoa còn chưa được như mong đợi.
“Với các tân sinh viên theo học nghề báo, chúng tôi mong họ luôn giữ được lửa đam mê trong suốt quá trình học tập để có thể đi hết chặng đường. Niềm vui đầy cảm hứng vì đậu vào ngành học điểm cao thật ra chỉ giúp các tân sinh viên bắt đầu. Nỗ lực rèn luyện liên tục mới đưa các bạn đến đích. Không ít thủ khoa đầu vào “mất hút” trong quá trình học, ngay trong năm thứ nhất. Điều đó cảnh báo rằng điểm đầu vào cao không bảo chứng cho năng lực học tập thực có. Hãy để quyết tâm và nỗ lực học tập làm điều đó”, tiến sĩ Huỳnh Văn Thông chia sẻ.
Nghĩ gì khi 9 điểm/môn không trúng tuyển ngành báo chí? - ảnh 2

Cần cách đánh giá khác đối với thí sinh xét tuyển vào ngành Báo chí? BCK05

“Ngành báo nên tuyển dụng sau khi tốt nghiệp đại học”

Theo nhà báo Nguyễn Hồng Lam (Báo An ninh thế giới), mặt bằng chung sinh viên hiện nay giỏi hơn xưa, nhưng nếu so sánh thì thời nào cũng có những người xuất sắc. Ngày xưa, từ 21 -23 điểm đã là thủ khoa “cứng cựa”.

Nhà báo – thượng tá Dương Bình Nguyên cho rằng ngành báo chí nên là ngành được tuyển dụng sau khi tốt nghiệp ĐH các ngành khác và đào tạo chuyên môn trong khoảng một năm. Còn lấy điểm cao thật cao như năm nay chưa có gì là đảm bảo sẽ đào tạo ra được những nhà báo giỏi.

ĐĂNG NGUYÊN
TNO