26/12/2024

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới cáo buộc Trung Quốc gây khủng hoảng nợ ở nhiều nước

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới cáo buộc Trung Quốc gây khủng hoảng nợ ở nhiều nước

Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 6-10 kêu gọi các quốc gia giàu có, trong đó có Trung Quốc, xoá nợ cho các quốc gia nghèo để giúp những nước này vượt qua khủng hoảng từ đại dịch COVID-19.

 

 

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới cáo buộc Trung Quốc gây khủng hoảng nợ ở nhiều nước - Ảnh 1.

Các nhân viên y tế thực hiện xét nghiệm cộng đồng tại Djibouti, châu Phi – Ảnh: AFP

Phát biểu tại một sự kiện trực tuyến do Trường Tài chính và quản lý Frankfurt thực hiện ngày 6-10, chủ tịch WB David Malpass đổ lỗi Trung Quốc đã góp phần gây khủng hoảng nợ tại một số nước.

Ông Malpass cũng cáo buộc Trung Quốc không theo sát sáng kiến hoãn thanh toán nợ (DSSI) của G20 – diễn đàn quốc tế dành cho 19 nền kinh tế hàng đầu trên thế giới cùng với Liên minh châu Âu (EU).

Theo chủ tịch WB, “sự gia tăng nhanh chóng các bên cho vay chính thức mới, đặc biệt một số chủ nợ có vốn hóa tốt của Trung Quốc” đã gây ra làn sóng rắc rối liên quan nợ tại châu Phi và các nền kinh tế đang phát triển ở những khu vực khác.

“Họ đã mở rộng danh mục đầu tư của mình nhanh chóng và không tham gia đầy đủ các quá trình tái cấu trúc nợ được phát triển nhằm xoa dịu các đợt sóng nợ trước đây”, ông Malpass phát biểu.

G20 công bố DSSI tháng 4-2020. Sáng kiến này đưa ra cơ chế tạm hoãn thanh toán nợ từ ngày 1-5 đến cuối năm 2020 đối với 73 quốc gia có thu nhập thấp chịu ảnh hưởng nặng từ COVID-19. Đa số các nước trong số đó thuộc châu Phi, một số khác thuộc châu Á.

Ngoài ra, 43 quốc gia nhận được khoảng 5 tỉ USD từ DSSI để hỗ trợ ứng phó dịch bệnh trong các lĩnh vực về xã hội, y tế và kinh tế.

Các nước G7 cũng hỗ trợ việc mở rộng sáng kiến này cho các quốc gia nghèo nhất thế giới đến sau năm 2020.

Dù vậy, ông Malpass cho rằng “quá nhiều chủ nợ không tham gia vào sáng kiến này, khiến việc giảm nhẹ nợ không thể đáp ứng nhu cầu về tài chính từ đại dịch bất bình đẳng quanh ta”. Do việc thanh toán nợ vẫn là “hoãn” chứ không phải “cắt giảm” nên không thể có “ánh sáng ở cuối con đường nợ nần” hiện nay, theo chủ tịch Malpass.

“Dựa vào mức độ đại dịch, tôi tin rằng chúng ta cần khẩn trương cung cấp việc cắt giảm nợ hợp lý đối với những nước đang đối mặt khủng hoảng nợ”, ông nói.

Theo báo South China Morning Post, Trung Quốc hiện là chủ nợ song phương lớn nhất của đa số các nước đang phát triển.

Theo kế hoạch thanh toán nợ của G20 từ tháng 5 đến tháng 12-2020, 70% khoản thanh toán nợ từ các nước nghèo (tương đương 7,17 tỉ USD) là chi trả cho Trung Quốc. Số tiền này dự kiến tăng lên 10,51 tỉ USD, tương đương 74% tổng số vào năm tới nếu DSSI được gia hạn.

Các nước G7 đã chỉ trích việc Trump Quốc liệt kê các tổ chức tài chính quốc doanh, thuộc quản lý của chính phủ, là các bên cho vay thương mại không phải chủ nợ song phương chính thức.

Nhiều người cho rằng Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) cần tham gia với tư cách chủ nợ song phương chính thức để DSSI có thể hoạt động hiệu quả.

NGUYÊN HẠNH
TTO