Cần hỗ trợ hộ kinh doanh
Cần hỗ trợ hộ kinh doanh
Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) ngay từ khi dịch Covid-19 diễn ra, nhưng với hộ kinh doanh hầu như chưa có giải pháp nào cụ thể.
Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh dẫn số liệu cho rằng khu vực kinh doanh cá thể chiếm đến 32% GDP của cả nước, đã tạo ra số lượng việc làm rất lớn. Nhưng với bản chất là quy mô vốn nhỏ, kinh tế hộ gia đình nên dễ bị tổn thương khi thị trường khó khăn.
Vì vậy Chính phủ cần phải nhanh chóng xem xét đưa ra giải pháp hỗ trợ cho khu vực kinh doanh hộ gia đình. Đặc biệt, cần phải giảm bớt các hoạt động thanh kiểm tra, thủ tục giấy tờ hay kiểu “nhũng nhiễu” để hộ kinh doanh không phải mất các chi phí ngầm trong hoạt động. Đó chính là sự hỗ trợ rất lớn để họ yên tâm kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động.
Ông Nguyễn Ngọc Tú, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Thuế, cũng đồng tình rằng khoảng 5 triệu hộ kinh doanh trên cả nước hiện nay là đối tượng bị tổn thương nhiều nhất khi dịch xảy ra. Hàng quán đóng cửa, doanh thu giảm sút nên Chính phủ cần thực hiện miễn thu thuế để đối tượng này khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nếu không cũng xem xét giảm thuế theo tình hình hoạt động của các hộ kinh doanh. Không thể để những hộ này cứ phải đóng theo mức thuế khoán áp dụng từ đầu năm và được tính theo doanh thu của năm 2019 là lúc thời điểm chưa có dịch Covid-19 xảy ra.
TS Nguyễn Trí Hiếu, Giám đốc Trung tâm vốn của Viện Khoa học quản trị DN vừa và nhỏ, cũng cho rằng khối DN vừa và nhỏ, hộ kinh doanh chiếm đến 98% số lượng DN trên toàn thị trường nên số lượng hoạt động trong khối này bị tác động không ít do đại dịch Covid-19 gây ra.
Giải pháp cần thực hiện là “bơm” vốn cho khối DN, hộ kinh doanh này. Trong khi ngân sách Chính phủ hạn chế, ngành ngân hàng có thể xem xét thành lập một tổ hợp tín dụng với sự tham gia của các ngân hàng. Các ngân hàng tham gia góp 2 – 3% tổng dư nợ hiện tại của họ. Với tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế hiện nay đang được ngân hàng cung ứng là 8,5 triệu tỉ đồng thì các ngân hàng có thể góp 300.000 tỉ đồng.
Điều kiện thanh khoản ngân hàng hiện nay khá tốt nên có khả năng thực hiện được điều này. Ngân hàng Nhà nước có thể tham gia hỗ trợ khu vực kinh doanh này với lãi suất thấp. Đơn cử, dùng 300.000 tỉ đồng hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa lẫn hộ gia đình vay theo cơ chế bảo lãnh tín dụng của quốc gia. Rủi ro lúc này được phân tán, ngân hàng có thể chấp nhận được.
Ngoài ra, ông Nguyễn Trí Hiếu kiến nghị cần thực hiện giảm thuế thu nhập cá nhân cho các hộ kinh doanh trong bối cảnh bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Chẳng hạn, Chính phủ đang thực hiện giảm thuế thu nhập DN 30%, nên xem xét giảm thuế thu nhập cá nhân và thuế của hộ kinh doanh với mức tương ứng.
T.XUÂN – M.PHƯƠNG
TNO