25/12/2024

32 triệu lao động ‘thấm đòn’ Covid-19

32 triệu lao động ‘thấm đòn’ Covid-19

Tính chung, có gần 32 triệu người lao động bị tác động từ đại dịch Covid-19.
Người lao động đến đăng ký trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội /// ẢNH: GIA HÂN
Người lao động đến đăng ký trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội  ẢNH: GIA HÂN
Dịch Covid-19 khiến số doanh nghiệp ngừng kinh doanh, giải thể tăng mạnh, dẫn đến số người thất nghiệp tại các khu vực thành thị cũng tăng cao nhất trong 10 năm qua. Tính chung, có gần 32 triệu người lao động bị tác động từ đại dịch này.

Thất nghiệp kỷ lục

Chị Ngọc Ánh (Q.Tân Phú, TP.HCM) đang là nhân viên hành chính với thời gian làm việc gần 6 năm tại một ngân hàng ở TP.HCM nhưng từ đầu tháng 5 đến nay đã nghỉ việc. Chị cho biết phía ngân hàng muốn giảm bớt nhân viên nhưng không nói rõ, thay vào đó tăng các chỉ tiêu lên cao, hành xử gắt gao hơn… khiến chị bị áp lực căng thẳng, phải tự viết đơn xin nghỉ. Nhưng vài tháng qua dù nộp đơn nhiều nơi, nhờ người quen giới thiệu, chị cũng chưa tìm được chỗ làm mới vì đa số đều chưa có nhu cầu cần thêm người. Để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, chị Ngọc Ánh đành ở nhà dạy kèm cho một vài học sinh xung quanh.
Chính phủ nên tập trung hỗ trợ cho người lao động mất việc, chi trả ngay bảo hiểm thất nghiệp để đảm bảo đời sống cho người dân. Thậm chí có chính sách trợ cấp cho người lao động không có bảo hiểm
TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR)
“Dạy kèm thì có được thu nhập nhưng chỉ còn khoảng 40% so với mức lương hành chính trước đó. Dù vậy mình còn may vì vẫn có việc làm hơn là ngồi không. Giờ thì các chi tiêu đều phải dè sẻn hơn nhiều vì vẫn còn 2 đứa con đang đi học cấp 1 và cấp 2 nên mọi thứ vẫn phải lo như trước đây”, chị Ngọc Ánh nói.
Còn chị Minh Anh (Q.7, TP.HCM), sau kỳ nghỉ thai sản năm trước, đầu tháng 2 năm nay đi làm trở lại ở một công ty tại Q.1 về lĩnh vực vàng trang sức nhưng được vài tuần thì nghỉ vì không có việc làm do dịch Covid-19 khiến lương giảm mạnh. Khi đó, chị dự định sẽ nghỉ khoảng 2 – 3 tháng để tìm chỗ làm mới, nhưng không ngờ đến nay vẫn còn đang thất nghiệp dù có kinh nghiệm 18 năm làm việc trong lĩnh vực này. Cả hai vợ chồng chị phải sống khá chật vật vì chồng chị làm trong lĩnh vực bất động sản.
Đăng ký trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội ẢNH: GIA HÂN

Đăng ký trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội ẢNH: GIA HÂN

Những tháng qua thị trường này èo uột, anh cũng không bán được căn nhà nào nên chỉ hưởng mức lương cơ bản vài triệu đồng/tháng. May mắn là gia đình có ít tiền tiết kiệm mang ra trang trải chi phí cho 3 con vào năm học mới. Chị Minh Anh than: “Đã nghỉ việc mà tiền trợ cấp thất nghiệp cũng không có do công ty làm thủ tục hồ sơ trễ hạn so với quy định. Số tôi xui, nghỉ đúng dịch nên khó khăn lại càng khó khăn”.
Đây chỉ là 2 trong số hơn triệu người bị mất việc trong năm nay khi Covid-19 diễn ra khiến các doanh nghiệp điêu đứng. Báo cáo từ Tổng cục Thống kê công bố hôm qua 6.10 cho thấy tính đến tháng 9, cả nước có 31,8 triệu người lao động từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập… Báo cáo nêu ra số thất nghiệp trong độ tuổi lao động của quý 3/2020 là hơn 1,2 triệu người, tính chung 9 tháng ước 1,35 triệu người (2,48% của tổng số 54,4 triệu lao động). Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị quý 3/2020 là 4,0%, tuy giảm so với quý trước nhưng vẫn ở mức cao nhất so với cùng kỳ trong vòng 10 năm qua…

Doanh nghiệp thoi thóp

Lượng người lao động bị mất việc, bị giảm thu nhập đã phần nào phản ánh được bức tranh đầy khó khăn của các doanh nghiệp (DN). Giám đốc một DN may mặc tại Q.Gò Vấp, TP.HCM (không muốn nêu tên) cho hay đã tạm ngừng kinh doanh từ tháng 6 đến nay vì đơn hàng gia công quá khó khăn, thời hạn thanh toán bị các đối tác kéo dài. Ông buộc phải giảm bớt công nhân, từ hơn 100 người xuống còn 60 – 70 người, sau đó cắt xuống còn 30 – 40 người và cuối cùng là tạm ngưng hoạt động. Bởi nếu còn duy trì thì mỗi tháng ông vẫn phải bỏ tiền túi ra để trả lương, đóng bảo hiểm xã hội (BHXH)… nên không thể cầm cự được.
Theo vị giám đốc này, là DN nhỏ nên khi cần có thể khôi phục hoạt động cũng nhanh nên cứ tạm nghỉ đến hết năm nay rồi tính toán lại. Nhưng bản thân ông không đăng ký giải thể công ty vì quy trình này quá phức tạp.
Ông Phùng Đình Ngọ, Giám đốc Công ty may Bình Hòa (TP.HCM), cho biết cũng đã giảm hơn 40% lao động và đang hoạt động cầm chừng vì muốn duy trì đời sống cho những người đã gắn bó lâu năm. Dù vậy hằng tháng ông cũng phải đau đầu vì chuyện lo kiếm tiền trả lương, đóng BHXH… Công ty đã giảm rất nhiều người lao động, doanh thu giảm mạnh nhưng vẫn không đáp ứng được quy định để được vay tiền với lãi suất 0% trả lương cho người lao động. Chưa kể hằng tháng công ty cũng phải chi ra khoảng 1 triệu đồng để đóng BHXH cho mỗi lao động nên tối thiểu cũng hết 50 triệu đồng. “Tôi nghe nói là sẽ giảm điều kiện để cho DN vay vốn trả lương nhưng không biết bao giờ mới được. Nếu như được giảm hoặc hoãn đóng BHXH thì chúng tôi sẽ đỡ khó hơn”, ông Ngọ nói.
Là một trong những ngành bị tác động nhiều nhất do dịch Covid-19, ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty du lịch Liên Bang, cũng cho biết đến nay công ty chỉ còn giữ lại hơn 20 lao động nhưng làm việc luân phiên 2 tuần, nghỉ 2 tuần và hưởng lương bằng 50% trước đó. Theo tính toán, chi phí hoạt động tối thiểu hằng tháng mà Liên Bang chi ra với số lao động trên khoảng 300 triệu đồng và đây toàn bộ là tiền tích lũy trước đó được sử dụng như quỹ dự phòng. Nhưng cũng như nhiều DN khác, ông cũng không tiếp cận được gói hỗ trợ vay vốn lãi suất 0% để trả lương cho nhân viên. Đặc biệt các DN lữ hành không có tài sản thế chấp nên cũng không thể vay vốn được từ ngân hàng. “Nếu chúng tôi được vay tiền ký quỹ với lãi suất thấp thì cũng góp phần giữ được chân người lao động, không để gia tăng số người thất nghiệp trong xã hội”, ông Thành chia sẻ thêm.

Cần giảm mạnh các loại phí BHXH, công đoàn

Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh phân tích, theo Sách trắng doanh nghiệp VN năm 2020 do Bộ Kế hoạch – Đầu tư công bố, số DN nhỏ và siêu nhỏ chiếm 93% tổng số DN cả nước nhưng từ năm 2011 – 2018 có lãi trước thuế là số âm (bị lỗ). Điều này cho thấy dù không bị tác động bởi
Covid-19 thì nhóm DN này cũng luôn khó khăn. Nay vì Covid-19 bùng phát thì các DN càng gặp nguy cơ nhiều hơn nên khả năng tiến tới phá sản rất lớn. Những nhóm DN bị tác động mạnh có thể thấy rõ như du lịch, khách sạn, nhà hàng… đều không có doanh thu nên chính sách hỗ trợ như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp là không có tác dụng. Trong khi đó, cái khổ nhất của nhiều DN là đóng BHXH, công đoàn với tỷ lệ 21,5% trên tổng thu nhập và đây là một chi phí rất nặng trong bối cảnh DN không có doanh thu. Do đó ông Bùi Trinh nhấn mạnh, cần phải giảm nhiều mức đóng BHXH cho tất cả DN để họ vẫn còn đủ sức duy trì hoạt động, tạo công ăn việc làm cho người lao động.
TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), nhận định các giải pháp hỗ trợ vừa qua của Chính phủ có tác dụng khá hạn chế. Các chính sách đưa ra như giảm 30% thuế thu nhập DN không có tác dụng mà còn làm tốn kém nguồn lực của đất nước. Vì vậy ông đề xuất Chính phủ nên tập trung hỗ trợ cho người lao động mất việc, chi trả ngay bảo hiểm thất nghiệp để đảm bảo đời sống cho người dân. Thậm chí có chính sách trợ cấp cho người lao động không có bảo hiểm. Khi người dân có chi tiêu thì cũng tạo ra nhu cầu cho thị trường, từ đó giúp cho DN hoạt động sản xuất. Do nguồn lực có hạn nên theo TS Phạm Thế Anh, cần xem xét giảm mạnh tỷ lệ đóng BHXH trong năm nay. Đặc biệt nên bỏ hẳn mức đóng 2% phí công đoàn ít nhất trong cả năm 2020 vì đây là khoản phí không thiết thực.
32 triệu lao động 'thấm đòn' Covid-19 - ảnh 2

Nguồn: Báo cáo của Tổng cục Thống kê về tình hình lao động, việc làm quý 3/2020 và 9 tháng năm 2020  ĐỒ HỌA: THU HẰNG – ĐÔNG XUÂN

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Tú, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Thuế, cho rằng trong gói hỗ trợ kinh tế đợt 1, Việt Nam cũng có chính sách an sinh xã hội trong gói 62.000 tỉ đồng, dù chưa nhiều nhưng cũng hỗ trợ được các đối tượng yếu thế trong xã hội. Tuy nhiên gói này cần nhanh chóng giải ngân sớm. Đồng thời, gói hỗ trợ đợt 2 cần tập trung cho DN nào có khả năng phát triển cũng như kích thích tiêu dùng. Giai đoạn này đang là giai đoạn khôi phục thị trường và phát triển nên cần tập trung vào hỗ trợ các DN lớn, có khả năng phục hồi để từ đó kéo theo các DN nhỏ và vừa, các hoạt động cung ứng quay trở lại.
MAI PHƯƠNG – THANH XUÂN
TNO