23/11/2024

Khan hiếm tấm pin điện mặt trời

Khan hiếm tấm pin điện mặt trời

Sau thời gian phát triển “nóng”, các đại lý, các công ty lắp điện mặt trời cho biết hiện nay nguồn cung các tấm quang năng (tấm pin điện mặt trời) ở trong nước đang khan hiếm và tăng giá.

 

 

Khan hiếm tấm pin điện mặt trời - Ảnh 1.

Nhiều loại tấm pin mặt trời vừa khan hiếm vừa tăng giá so với trước đây – Ảnh: N.HIỂN

Các doanh nghiệp cảnh báo tình trạng tấm pin mặt trời giả, kém chất lượng tràn vào, trong khi người tiêu dùng nhỏ lẻ rất khó có thể phân biệt. Các sản phẩm này dễ gây ra các sự cố cháy nổ, không đảm bảo về hiệu suất…

Khan hiếm từ nhà sản xuất

Ông Trương Công Vũ – tổng giám đốc Công ty CP Năng lượng toàn cầu (nhà phân phối ủy quyền tại phía Nam của một hãng pin lớn) – cho biết mấy tháng nay công ty này đã “đóng đơn”, không còn nhận các đơn mới của khách hàng từ tháng 7. Riêng một số đơn hàng về trong thời gian tới là do công ty này đã đặt phía hãng sản xuất tại Trung Quốc từ cuối tháng 6.

Theo ông Vũ, trước đây doanh nghiệp này thường mua trực tiếp tại nhà máy, song thời điểm này nhà máy lại từ chối nhận đơn và yêu cầu phải mua qua đại lý của hãng ở Trung Quốc khiến giá đội lên. Do đó, giá của các tấm pin từ chỗ chỉ 0,20 USD/Wp thông qua nhà máy thì nay phải trả 0,23 USD/Wp nếu muốn mua qua đại lý.

Theo ông Vũ, việc mua qua đại lý Trung Quốc như vậy giá sẽ đội lên hàng trăm triệu mỗi MW, riêng với các hộ gia đình nhỏ lẻ thì mỗi kWp cũng tăng lên hơn 600.000 đồng.

“Phía các nhà máy Trung Quốc cho rằng do lũ lụt ảnh hưởng đến nhà máy, nổ nhà máy silicon gây khan hiếm nguồn cung nguyên liệu sản xuất, cũng như việc Trung Quốc gia hạn giá mua điện mặt trời khiến tiêu thụ nội địa tăng” – ông Vũ nói.

Bà Lê Thị Minh Tâm – tổng giám đốc Công ty CP Công nghệ năng lượng mới JL Việt Nam (phân phối nhiều hãng pin tại Việt Nam) – cũng cho biết doanh nghiệp này đã gần như đóng đơn, không tiếp nhận đơn hàng nhập tấm pin mới bởi phía nhà máy cũng không đủ nguyên liệu sản xuất trong khi giá nguyên vật liệu đầu vào tăng.

Theo bà Tâm, thời điểm hết hạn giá mua bán điện ưu đãi trong 20 năm (giá FIT) vào cuối năm nay cũng sắp cận kề nên các ngân hàng cũng không giải ngân vốn bởi không kịp tiến độ xây dựng cũng như vận hành thương mại dù nhu cầu mua vẫn còn rất lớn.

Về phương thức thanh toán, bà Tâm cho hay các nhà máy Trung Quốc trước đây cho phép doanh nghiệp trả chậm, song hiện nay phải trả bằng tiền mặt 100% mới được chất hàng lên tàu khiến một số doanh nghiệp cũng khó làm việc trực tiếp với nhà máy.

Tương tự, ông Phạm Nam Phong – tổng giám đốc Công ty Vũ Phong Solar – cũng cho biết dù đã đặt cọc trước, đến nay giá pin khi về Việt Nam vẫn tăng từ 10-12%. Tuy vậy, ông Phong cho hay nhiều hãng pin trong top 10 đến bây giờ đã hết hàng, không thể đặt thêm.

Theo tổng giám đốc một công ty nhập khẩu tấm pin, hiện nay trong nước cũng có một số nhà máy sản xuất tấm pin song sản lượng bán nội địa không lớn, có nhà máy chỉ xuất khẩu. Do các nguyên vật liệu đầu vào cho các nhà máy sản xuất tấm pin trong nước đều phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc nên giá thành các sản phẩm cũng tăng theo biến động tại thị trường Trung Quốc.

“Riêng những hãng sản xuất tấm pin lớn trên thế giới không có nhà máy tại Việt Nam, các tấm pin sử dụng cho các dự án trong nước phần lớn nhập khẩu từ Trung Quốc” – vị này nói.

Khan hiếm tấm pin điện mặt trời - Ảnh 2.

ĐVT: triệu đồng/kWp – Dữ liệu: NGỌC HIỂN – Đồ họa: N.KH.

Cẩn trọng hàng giả, nhái

Việc các đại lý phân phối của các hãng pin khan hàng đã tác động không chỉ đối với những dự án quy mô lớn trên mái nhà xưởng, cao ốc, điện mặt trời nông nghiệp… mà cả các dự án mái nhà dân cũng ảnh hưởng.

Ông Bùi Viết Anh – giám đốc một công ty lắp điện mặt trời – cho biết không chỉ nguồn cung hạn chế, giá tấm pin của một số thương hiệu uy tín cũng tăng khoảng 15% khiến những doanh nghiệp lắp đặt gặp khó khi thực hiện dự án trên mái nhà của người dân.

Đặc biệt, ông Viết Anh cho biết hiện nay vẫn có doanh nghiệp chào hàng nhiều loại pin, thiết bị điện mặt trời giá siêu rẻ, thậm chí chỉ bằng 60-70% giá chung. Tuy nhiên, ông Viết Anh cảnh báo chất lượng, hiệu suất… các thiết bị này rất khó để xác định.

“Hiện nay có quá nhiều sản phẩm, nhiều tiêu chuẩn chất lượng. Người dân thì tin vào công ty lắp đặt, nhưng hiện công ty lắp đặt nở rộ như nấm và không biết tồn tại được bao lâu” – ông nói.

Trong khi đó, ông Trương Công Vũ cho rằng thị trường điện mặt trời ở VN hiện nay lặp lại “kịch bản” của thời điểm giá 9,35 cent/kWh (khoảng 2.086 đồng) hết hiệu lực vào 30-6-2019 khiến doanh nghiệp, người dân đổ xô lắp, nhất là các dự án dưới 1MW.

Ông Vũ cảnh báo hiện nay trên thị trường tồn tại các mặt hàng pin kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Có tấm pin của thương hiệu uy tín bị làm giả khiến doanh nghiệp này phải xác nhận lại nguồn gốc tại nhà máy.

“Thời điểm khan hiếm này là cơ hội để cho pin giả, kém chất lượng tràn vào, trong khi người tiêu dùng nhỏ lẻ không có sự lựa chọn. Các sản phẩm này dễ gây ra cháy nổ, không đảm bảo hiệu suất…” – ông Vũ nói.

Để tránh mua phải hàng không đảm bảo chất lượng, bà Lê Thị Minh Tâm cho rằng người dân phải yêu cầu đại lý, doanh nghiệp lắp đặt cung cấp các chứng nhận về nguồn gốc, xuất xứ của các tấm pin. Đặc biệt, các doanh nghiệp phải cung cấp chứng nhận bảo hành của hãng để đối chiếu.

Coi chừng lại dư thừa pin vào cuối năm

Theo ông Trương Công Vũ, các tấm pin hiện nay chủ yếu khan hiếm trên thị trường quốc tế với các dự án khoảng 1MW trở lên. Đối với các hộ lắp nhỏ lẻ vẫn còn lượng pin dư từ các dự án hoặc những doanh nghiệp nhập lẻ về VN bán lại.

Đặc biệt, có một số doanh nghiệp đoán trước tình hình đã bung tiền đặt tấm pin từ tháng 8, 9 và hàng sẽ về trong cuối tháng 10, 11, “đắp” thêm hàng cho thị trường trong thời gian tới. Do đó, dù thời điểm này khan hiếm hàng song ông Vũ cảnh báo sẽ có nguy cơ thừa hàng vào cuối năm bởi giá cố định mua điện mặt trời khi đó hết hiệu lực, nhiều dự án không kịp tiến độ để thi công, lượng pin đổ ra thị trường từ các dự án sẽ nhiều hơn.

Có thể ảnh hưởng đến đầu tư mới

Theo bà Lê Thị Minh Tâm, bài toán tài chính của nhà đầu tư đã tính toán ở mức giá đầu ra là 8,38 cent/kWh (khoảng 1.943 đồng/kWh). Nếu pin tăng giá quá cao, thời gian thu hồi vốn sẽ lên đến 12 năm, không ai bỏ vốn đầu tư vào lĩnh vực này. Có nhà thầu ký hợp đồng mua pin mặt trời công suất 16MW với tổng số tiền 226.000 USD/MW, sau đó hãng đột ngột tăng lên 228.000 USD/MW khiến nhà thầu khó khăn…

Ông Vũ Đình Khánh – giám đốc Công ty TNHH đầu tư và phát triển năng lượng HIGG – cho biết giá pin của nhiều hãng không những tăng 10-15%, khan hiếm hàng mà còn trễ tiến độ giao hàng và dự báo vẫn còn tiếp tục tăng giá. Trung bình mỗi MW doanh nghiệp bỏ ra khoảng 12 tỉ đồng đầu tư, với mức tăng hiện nay doanh nghiệp phải bỏ thêm từ 1,2-1,8 tỉ đồng, tổng chi phí sẽ tăng lên nhiều hơn so với trước đây khiến thời gian thu hồi vốn chậm hơn.

NGỌC HIỂN
TTO