25/12/2024

Đặt tên tập đoàn tài chính ‘na ná’ tên ngân hàng để kêu gọi đầu tư tiền ảo

Đặt tên tập đoàn tài chính ‘na ná’ tên ngân hàng để kêu gọi đầu tư tiền ảo

Gần đây, trên các diễn đàn xuất hiện các tên khiến nhiều người hiểu lầm có liên quan đến Ngân hàng OCB như ‘Tập đoàn tài chính đa quốc gia OCB life’, ‘OCB Lending’… với quảng bá rằng có nguồn vốn hàng trăm tỉ USD chảy vào công nghệ tài chính.

 

 

 

Đặt tên tập đoàn tài chính na ná tên ngân hàng để kêu gọi đầu tư tiền ảo - Ảnh 1.

Quảng bá OCB Life – Blockmax Việt Nam gắn nhãn ngân hàng khiến nhiều người tin tưởng bỏ tiền thật ra mua tiền ảo – Ảnh chụp màn hình

Cùng với đó là hàng loạt chiêu mời gọi tham gia đầu tư tiền ảo như tặng “xế hộp” cho các nhà đầu tư vừa mới tham gia đầu tư với số tiền “khủng”, mở các lớp đào tạo đầu tư tài chính, livestream… khiến nhiều người sập bẫy mang tiền thật đi mua tiền ảo.

Điều đáng nói là cách đặt tên thương hiệu khiến nhiều người nhầm tưởng là có liên quan đến Ngân hàng Phương Đông (OCB) nên tin tưởng rót tiền. Gần đây nhiều người phát hiện bị lừa.

OCB cũng vừa phát đi thông cáo cho biết việc các tổ chức nói trên gắn nhãn OCB đã gây nhầm lẫn với thương hiệu “OCB” của Ngân hàng TMCP Phương Đông.

OCB khẳng định không liên quan đến Tập đoàn tài chính OCB cùng các tên gọi khác được đề cập như: OCB Life, OCB Lending, OCB Master, Tập đoàn tài chính đa quốc gia OCB Life.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, trường hợp trên không phải cá biệt. Vừa qua, ứng dụng My Aladdinz xuất hiện với quảng bá là có thể thanh toán hóa đơn điện, nước, học phí, bảo hiểm, mua nhà, mua xe… Đặc biệt, thanh toán qua My Aladdinz có thể được hoàn tiền đến 80%. Người dùng thanh toán càng nhiều càng được hoàn trả nhiều.

Tuy nhiên, cơ quan chức năng đã cảnh báo người dân về việc có thể dẫn đến mất tiền hoặc bị đánh cắp dữ liệu cá nhân để sử dụng vào các mục đích bất hợp pháp khi tham gia ứng dụng My Aladdinz.

Trước đó, năm 2018, nhiều nhà đầu tư kéo đến trụ sở Công ty cổ phần M.T. tại đường Nguyễn Huệ (TP.HCM) căng băngrôn tố cáo bị lừa khi tham gia dự án đầu tư tiền ảo Ifan, Pincoin với tổng số tiền lừa đảo được cho là lên đến 15.000 tỉ đồng.

Ifan được giới thiệu là 1 dự án tiền kỹ thuật số được thành lập theo luật pháp Singapore, còn Pincoin được gắn mác là dự án đến từ Dubai, lợi nhuận thấp nhất 48% một tháng.

Tuy nhiên, sau khi thu được số tiền đầu tư khủng thì nhóm điều hành các đồng tiền ảo này đổi hình thức trả thưởng bằng cách quy đổi qua tiền số. Nhà đầu tư chỉ nhận được các đồng tiền số Ifan với giá do họ tự quy định là 5 USD/đồng. Lúc này nhiều người mới biết bị lừa vì những dự án này được nhóm người trên dựng lên, chứ không có “ông chủ nước ngoài” nào.

A.HỒNG
TTO