Chúa Nhật XXVII TN A 2020: Chuỗi Mân Côi là biểu tượng văn hoá Công giáo

Khi lần hạt Mân Côi, người tín hữu Công giáo, nhất là người Công giáo Việt Nam, hiểu được những giá trị văn hoá mới và tìm cách giới thiệu những giá trị ấy trong đời sống của mình.

Chúa Nhật XXVII TN A 2020 – Lễ Đức Mẹ Mân Côi

Chuỗi Mân Côi là biểu tượng văn hoá Công giáo

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Hôm nay Giáo hội Việt Nam kính trọng thể Đức Mẹ Mân Côi. Lễ này thường cử hành vào ngày 7 tháng Mười hàng năm, để kỷ niệm chiến thắng của liên minh Công giáo, trước hạm đội hùng mạnh của đế chế Ottoman Hồi giáo, trong trận hải chiến tại vịnh Lepanto năm 1571, dưới triều ĐGH Piô V. Chiến thắng này có được là nhờ sự can thiệp của Mẹ Maria, khi Đức Giáo hoàng hô hào tín hữu Công giáo lần hạt Mân Côi, để xin ơn chiến thắng cho Giáo Hội được bình an và Đức Mẹ đã nhận lời.

Thế giới ngày nay cũng đang rất cần được bình an và ổn định, nhất là trong cơn đại dịch Covid-19 với hơn 34 triệu người bị nhiễm và hơn 1 triệu người chết tính cho đến hôm nay, 4/10/2020. Chúng ta hãy tha thiết khẩn cầu Mẹ, qua lời kinh Mân Côi, và dành ít phút suy niệm về Người.

1. Vai trò của Mẹ Maria trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa

Dù chỉ nhận mình là một nữ tỳ thấp hèn, nhưng Đức Maria là một người được Thiên Chúa tuyển chọn để cộng tác vào công trình cứu độ của Chúa. Qua lời “xin vâng” đầy xác tín, khiêm tốn và trách nhiệm, Mẹ đã cho thấy vai trò quan trọng của mình trong mầu nhiệm nhập thể và nhập thế của Đức Giêsu, mà chúng ta vừa nghe qua bài Tin Mừng (x. Lc 1,26-38). Mẹ đã mở lòng ra, kết hợp với Chúa Thánh Thần để Ngôi Lời Thiên Chúa trở thành người, đem lại những giá trị vĩnh hằng, siêu việt, tuyệt đối của Thiên Chúa cho vũ trụ và con người yếu đuối, tầm thường, tội lỗi. Nhờ Mẹ mà tất cả được thần hoá, được biến đổi tuyệt vời.

Hơn nữa, Mẹ cũng tỏ cho ta thấy vai trò quan trọng của Mẹ ở giữa Giáo Hội, khi cùng cầu nguyện với mọi thành phần dân Chúa, để đón nhận Chúa Thánh Thần như “quyền năng trên cao” (x. Lc 24,49) trong Bài đọc I (x. Cv 1,12-14).

Vai trò quan trọng của Mẹ được thánh Phaolô xác định qua Bài đọc II (x. Gl 4,4-7): chính nhờ Mẹ Maria mà Ngôi Lời Thiên Chúa mới trở thành một con người để cứu độ toàn thể nhân loại và vũ trụ; đồng thời để ban cho họ ơn được làm nghĩa tử. Đó là ơn giúp ta có quyền gọi Thiên Chúa là “Cha ơi” như Đức Giêsu, nhờ Thánh Thần ngự trong lòng ta, và được đồng thừa tự các quyền lợi và vinh quang của Chúa Giêsu.

Tất cả những giá trị cao cả về Chúa Ba Ngôi, về nhân vị cao quý của con người, về mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa, với tha nhân, với vạn vật và với chính mình, đều được diễn tả một cách ngắn gọn và súc tích qua các mầu nhiệm trong kinh Mân Côi. Trước đây chúng ta có 3 mùa Vui-Thương-Mừng, mỗi mùa với 5 mầu nhiệm. ĐGH Gioan Phaolô II đã thêm vào 5 mầu nhiệm Sáng để chúng ta có dịp suy niệm về 20 mầu nhiệm với những nhân đức và giá trị mới mẻ.

Khi lần hạt Mân Côi, người tín hữu Công giáo, nhất là người Công giáo Việt Nam, hiểu được những giá trị văn hoá mới và tìm cách giới thiệu những giá trị ấy trong đời sống của mình. Chúng ta có thể thấy rõ điều đó trong dòng lịch sử Giáo hội Công giáo Việt Nam ngay từ lúc khởi đầu để rút ra bài học về kinh Mân Côi trong thời đại hôm nay.

2. Lời kinh Mân Côi trong dòng lịch sử dân tộc Việt Nam

Ngày nay người ta nói rất nhiều đến văn hoá, vì văn hoá, theo định nghĩa, là tổng thể những giá trị vật chất hay tinh thần, do con người sáng tạo ra hay đón nhận được trong dòng lịch sử của mình. Nói đến văn hoá Việt Nam là người ta nói đến trống đồng, đến căn nhà 3 gian 2 chái, đến áo dài, đến phở… với những giá trị tinh thần kèm theo. Tràng chuỗi Mân Côi, mà chúng ta lần hạt mỗi ngày, là nét văn hoá đặc sắc của riêng người Công giáo trong suốt dòng lịch sử văn hoá Công giáo Việt Nam.

Có thể nói rằng người tín hữu Việt Nam biết kinh Mân Côi từ rất sớm, nhất là từ khi các linh mục thừa sai dòng Tên đến truyền giáo ở nước ta trong thời gian từ 1615-1665.

Thời đó, vì rất gần với biến cố phép lạ ở vịnh Lepanto năm 1571, nên các tín hữu Việt Nam chuộng đọc kinh Mân Côi. Các sử gia nhắc đến việc người Công giáo, nam cũng như nữ, luôn luôn đeo tràng hạt ở cổ để nhắc nhở nhau rằng mình là người có đạo. Hằng ngày họ đọc kinh Mân Côi, suy niệm những mầu nhiệm và thực hành những nhân đức của mỗi mầu nhiệm. May mắn cho chúng ta, là nhờ các vị thừa sai nước ngoài đã giảng đạo bằng tiếng Việt, nên kinh Mân Côi thời đó cũng gần giống như kinh nguyện tín hữu chúng ta đọc thời nay và giống với những anh chị em trên toàn thế giới.

Hơn nữa, Mẹ Maria đã thể hiện tình yêu hết sức đặc biệt đối với dân tộc Việt Nam, nên thay vì lễ Mân Côi chỉ là một lễ nhớ, được ĐGH Gioan XXIII thiết lập năm 1960, Giáo hội Việt Nam mừng lễ Mẹ cách trọng thể, lễ bậc nhất, hơn cả lễ Chúa Nhật. Đó là vì trong suốt dòng lịch sử, Mẹ đã làm biết bao phép lạ để cứu giúp dân tộc Việt Nam, và cứu giúp từng người chúng ta trong những cơn bách hại, gian nan, khốn khó. Người tín hữu Việt Nam, khi làm việc trên đồng ruộng hay bất cứ công việc gì, hơi rảnh một chút là lại lấy tràng hạt ra lần, mỗi tối luôn tụ họp nhau để cùng lần hạt. Làng nào cũng có tượng đài Đức Mẹ Mân Côi để ghi nhớ công ơn của Mẹ.

Chúng ta biết Mẹ đã hiện ra ở La Vang năm 1798 để cứu giúp những người con bị bách hại phải trốn vào rừng thiêng, nước độc và dạy bảo dùng lá cây Vằng uống giải độc. Đặc biệt hơn, Mẹ đã bảo vệ giáo xứ Trà Kiệu trong cuộc chiến đấu với 8.000 quân binh của Phong trào Cần Vương có voi trận, súng thần công bắn trực diện vào ngôi làng nhỏ bé, mà chỉ có 500 trai tráng với 4 khẩu súng hoả mai và vũ khí thô sơ. Trong suốt 21 ngày đêm, từ 1-21/9/1885, Mẹ đã cho các đạo binh thiên thần đỡ những quả đạn của súng thần công bắn vào làng, ngăn những mũi tên và không cho đoàn quân với voi trận vào được giáo xứ này.

Đây không phải là câu chuyện tưởng tượng mà là một phép lạ đã được chính những người tham gia cũng như giáo sĩ người Pháp ghi lại tường tận và đăng lên mặt báo để chúng ta xác tín vào những việc kỳ diệu của Mẹ Maria (x. Tài liệu của Linh mục Geffroy thuộc Hội Thừa sai Paris, truyền giáo tại Việt Nam, đã trực tiếp đến Trà Kiệu và ghi lại rất tỉ mỉ đăng trên tuần báo “Missions Cathothiques” ở Paris vào các ngày 3, 10, và 17 tháng 9 năm 1886 (bản tiếng Việt).

Trải qua bao năm tháng, Mẹ vẫn ở đó, bên cạnh chúng ta, tác động đến cuộc đời của mỗi người chúng ta. Chúng ta được mời gọi để nhìn lại cách đọc kinh Mân Côi của mình, không phải đọc theo số lượng ít nhiều, mà phải vừa đọc vừa suy ngẫm, kết hợp với Người Mẹ Thánh để có thể cảm nghiệm được ơn Chúa Thánh Thần ban xuống cho ta.

Các mầu nhiệm của kinh Mân Côi đều là những giá trị văn hoá: văn hoá về tinh thần nghèo khó trước một thế giới ham thích vật chất, văn hoá về tinh thần vâng phục trước một thế giới đòi tự do để làm tất cả theo ý của mình, về lòng khiêm tốn như một nữ tỳ mà Mẹ đã diễn tả với thiên sứ trong một thế giới luôn muốn khẳng định mình. Tất cả các giá trị văn hoá trong tràng chuỗi Mân Côi cần được thể hiện trong đời sống để thế giới tốt đẹp hơn, bình an hơn, hạnh phúc hơn. Lúc đó ta mới có thể cuốn hút được những anh chị em ngoài Công giáo hiểu được tràng chuỗi Mân Côi chính là nét văn hoá độc đáo của người Công giáo thời nay.

Lời kết

Ôn lại vài dòng suy niệm, để xin Mẹ Mân Côi cho chúng ta được noi gương Mẹ, luôn kết hợp với Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần hầu trở thành người con yêu quý thảo hiếu của Chúa Cha. Amen.

 

HKK