13/01/2025

Chạm mốc 35 triệu ca nhiễm, thế giới chật vật chống Covid-19

Chạm mốc 35 triệu ca nhiễm, thế giới chật vật chống Covid-19

Số ca nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới đã chạm mốc 35 triệu người vào khuya qua, với không ít quốc gia chứng kiến sự bùng phát mạnh trở lại của dịch bệnh sau thời gian mở cửa nền kinh tế.
Cảnh sát kiểm soát xe cộ trong phạm vi Madrid, Tây Ban Nha hôm 3.10 /// AFP
Cảnh sát kiểm soát xe cộ trong phạm vi Madrid, Tây Ban Nha hôm 3.10 AFP
Chỉ trong chưa đầy 20 ngày, tổng số ca Covid-19 trên toàn cầu đã tăng từ 30 lên 35 triệu – tốc độ lây lan chóng mặt. Hôm 3.10, Ấn Độ trở thành quốc gia thứ ba sau Mỹ và Brazil ghi nhận 100.000 ca tử vong vì Covid-19. Số ca nhiễm ở Indonesia đã vượt ngưỡng 300.000 vào hôm qua, trong khi Nga ghi nhận 10.499 ca mắc mới trong vòng 24 giờ. Những con số đáng báo động này phần nào cho thấy tình hình đại dịch vẫn diễn biến phức tạp, khó lường trên phạm vi toàn cầu.

Lệnh phong tỏa quay lại

Tại châu Âu, chính phủ nhiều nước đang siết chặt các biện pháp phòng chống Covid-19 nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh, bao gồm lần nữa áp lệnh phong tỏa tại một số khu vực và thành phố, giới hạn số người tụ tập và quy định lại giờ đóng cửa nhà hàng, quán rượu, bar. Theo Đài CNBC, Madrid (Tây Ban Nha) trở thành thủ đô đầu tiên của châu Âu quay về giai đoạn phong tỏa như hồi tháng 3. Từ đêm 2.10 (giờ địa phương), toàn bộ cửa ngõ thành phố được kiểm soát chặt chẽ, cấm các hoạt động đi lại không cần thiết; công viên, khu vui chơi bị đóng cửa; hạn chế tụ tập trên 6 người. Hơn 2.000 quân nhân đảm trách nhiệm vụ theo dấu người lây nhiễm.
Tại Pháp, nơi có số ca nhiễm cao thứ hai châu Âu, tình hình cũng không khả quan hơn. Nước này vào giữa tuần ghi nhận hơn 12.000 ca mới trong một ngày, và số trường hợp phải nhập viện tăng cao nhất trong vòng 10 tuần qua. Tổng thống Emmanuel Macron ra lệnh các quán bar ở Paris, Lyon và 9 thành phố khác trong diện “cảnh giác cao độ” phải đóng cửa vào 22 giờ. Số người tụ tập hạn chế ở mức 10 người tại nơi công cộng, trong khi đám cưới, tiệc tùng không quá 30 người tham gia. Toàn nước Pháp tiếp tục thi hành các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, một số thành phố phải đóng cửa quán bar, nhà hàng.
Trong khi đó, tình hình dịch bệnh ở thủ đô London của Anh cũng đang tiếp tục gây quan ngại, với phía đông London chứng kiến số ca tăng mạnh. Không ít nghị sĩ đang tranh luận về khả năng phong tỏa trở lại một số khu vực của thủ đô. Không chỉ ở châu Âu, lệnh phong tỏa cũng đã được tái áp đặt ở nhiều nơi khác do tình hình Covid-19 tiếp tục diễn biến xấu.
Vượt 35 triệu ca nhiễm, thế giới chật vật chống Covid-191

Đường phố ngoại ô thủ đô Colombo của Sri Lanka hôm 4.10 vắng bóng người vì lệnh phong tỏa

Mùa đông sẽ rất khó khăn

Giới chuyên gia y tế công cộng toàn cầu đều cảnh báo mùa đông năm nay sẽ vô cùng khó khăn. Tờ The Guardian dẫn lời Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm qua nói rằng những tháng sắp tới sẽ đầy trắc trở.
Chuyên san Nature Medicine mới đây công bố báo cáo tổng hợp 35 năm nghiên cứu về bệnh do các chủng vi rút Corona gây viêm đường hô hấp theo mùa. Nhóm chuyên gia quốc tế, do Đại học Amsterdam (Hà Lan) dẫn đầu, phát hiện tỷ lệ ca nhiễm cao hơn ở những tháng mùa đông, và cảnh báo SARS-CoV-2 gây Covid-19 có thể chia sẻ đặc điểm đó. Đồng thời những người từng mắc vi rút Corona hoàn toàn có khả năng tái nhiễm, với các đối tượng được khảo sát ít nhất bị viêm đường hô hấp từ 3 – 17 lần kể từ thập niên 1980 đến nay. Điều này cho thấy khả năng miễn dịch cộng đồng sẽ không kéo dài, và người bệnh có thể tái nhiễm sau một năm.
Chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, bác sĩ Anthony Fauci cũng không dám chắc chuyện gì đang chờ đợi phía trước. “Tôi không có câu trả lời dễ dàng cho vấn đề này”, ông Fauci thú nhận khi trả lời phỏng vấn Đài ABC News. Với tỷ lệ lây nhiễm đang gia tăng ở nhiều tiểu bang Mỹ, tình hình được cho là sẽ khó lạc quan khi mùa đông đến. “Dù không muốn, nhưng tôi vẫn phải cảnh báo rằng chúng ta nhiều khả năng sẽ chứng kiến số ca tử vong gia tăng”, theo bác sĩ Fauci, dựa trên tình hình nhập viện ở các tiểu bang.
Đông Á, Thái Bình Dương sẽ nghèo hơn
Theo Đài CNBC, Ngân hàng Thế giới tuần qua dự báo số người sống trong cảnh nghèo đói ở các nước Đông Á và Thái Bình Dương có thể gia tăng lần đầu tiên trong 20 năm, vì dịch Covid-19 đã xóa sổ hầu hết tỷ lệ tăng trưởng kinh tế trong năm nay. Cụ thể, sẽ có thêm 38 triệu người rơi vào cảnh nghèo đói trong năm nay, bao gồm 33 triệu người lẽ ra đã thoát nghèo nếu đại dịch không ập đến.
THUY MIÊN
TNO