25/12/2024

‘Ác mộng’ cuộc gọi, tin nhắn rác bao giờ mới chấm dứt?

‘Ác mộng’ cuộc gọi, tin nhắn rác bao giờ mới chấm dứt?

Sau hơn hai tháng triển khai biện pháp kỹ thuật hạn chế tin nhắn, cuộc gọi rác, các doanh nghiệp viễn thông cho hay đã có hàng chục ngàn thuê bao bị chặn.

 

Ác mộng cuộc gọi, tin nhắn rác bao giờ mới chấm dứt? - Ảnh 1.

Người phụ nữ (bên trái) liên tục thực hiện các cuộc gọi mời mua đất nền khi đang trên một chuyến xe buýt số 64 – Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH

Tuy vậy, vấn nạn tin nhắn rác, cuộc gọi rác vẫn chưa thôi “tấn công” người dùng di động hằng ngày.

Từ ngày 1-10-2020, nghị định 91/2020/NĐ-CP (gọi tắt là nghị định 91) về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác đã có hiệu lực với những biện pháp chế tài được đánh giá là khá mạnh mẽ. Trong khi đó, các doanh nghiệp bất động sản, bảo hiểm, ngân hàng… khẳng định telesale (bán hàng qua điện thoại) vẫn là cách hiệu quả nhất để bán hàng nên tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi rác chắc chắn khó xử lý dứt điểm.

Đã bớt “rác”

Chị Thùy Mai, ngụ Q.Thủ Đức (TP.HCM), cho biết trong hai tháng qua chị vẫn nhận đều đặn các cuộc gọi chào mời tư vấn đầu tư ngoại hối, chứng khoán, phòng tập thể dục…

Các cuộc gọi này thường rơi vào cuối buổi sáng hay đầu buổi chiều, trung bình mỗi ngày khoảng 3-4 cuộc, giảm hơn so với trước kia. Không chỉ nhận các cuộc gọi quảng cáo, trước đây chị còn nhận những cuộc gọi lừa đảo, trừ cước.

“Do tính chất công việc phải nhận liên lạc từ bưu điện, người giao hàng hằng ngày nên tôi phải nhấc máy với bất kỳ số lạ nào. Bất thường là dù có dùng tính năng chặn cuộc gọi sau mỗi lần bị làm phiền nhưng các cuộc gọi cứ như “nấm mọc sau mưa”, chặn số này thì lập tức có số khác gọi đến. Thời gian gần đây còn có người xin kết bạn Zalo, Viber và gửi thông tin qua kênh này, tôi nghĩ họ đang lách quy định” – chị Mai nói.

Cũng gần hai tháng nay, chị Nguyễn Ngọc Ánh (Q.Bình Thạnh) thấy lượng tin nhắn và điện thoại chào mua bất động sản giảm đi rất rõ. Trước đó, hầu như ngày nào chị cũng nhận được thông tin mời chào mua căn hộ, biệt thự biển, condotel và đất nền ở khắp nơi.

Những cuộc gọi chào mua các loại bất động sản đến với chị Ánh sau khi chị mua một căn hộ ở quận 7. Chỉ vài ngày sau khi ký hợp đồng mua bán, chị đã nhận được các tin nhắn quảng cáo từ các đơn vị thi công nội thất, đồ đạc trong gia đình. Tiếp đến là các cuộc gọi hay tin nhắn mua bán lại căn hộ và giới thiệu các bất động sản khác trong và ngoài thành phố diễn ra liên tục, không biết khi nào mới chấm dứt.

Có ngày chị nhận đến 5-6 cuộc mời chào như vậy trong thời gian dài. “Gần đây có những tuần tôi chỉ nhận được 3-4 cuộc gọi dạng này, có những khoảng thời gian nhiều ngày liền không có cuộc gọi hay tin nhắn mua bán đất. Tôi cứ nghĩ là do dịch bệnh COVID-19 nên người ta không mua bán nhà đất” – chị Ngọc Ánh cho biết.

Rất nhiều người dân đã nhận thấy lượng tin nhắn và cuộc gọi quảng cáo bất động sản giảm mạnh trong thời gian 2 tháng trở lại đây. Nhiều người cho rằng bên môi giới giảm tiếp thị quảng cáo, trong thời gian dịch bệnh giao dịch trầm lắng hoặc chuyển sang các hình thức quảng bá khác hiệu quả hơn.

Ác mộng cuộc gọi, tin nhắn rác bao giờ mới chấm dứt? - Ảnh 2.

Đồ họa: N.KH.

Phản ứng ngược do lạm dụng

Tuy giảm nhưng những cuộc gọi chào mời mua bảo hiểm, mở tài khoản chứng khoán phái sinh quốc tế, tham gia khóa học tiếng Anh, mua bất động sản… vẫn diễn ra. Thông tin tuyển dụng telesale cũng được các bên liên tục đăng tải trên mạng xã hội.

Đa phần các telesale đều bị áp doanh số, nếu ngày nào chốt đủ doanh số theo quy định sẽ được giảm thời gian gọi, nhưng nếu không đủ thì phải gọi nhiều hơn. Chưa kể lương chính thức của các telesale thường rơi vào 4-6 triệu đồng/tháng, thu nhập cao thấp phụ thuộc vào hoa hồng, khoản thưởng, nên telesale phải gọi điện hết mình, dù bị khách tỏ ra khó chịu, đôi khi là đùa giỡn, thậm chí la mắng… Nhưng với các telesale, làm lâu sẽ “chai” mặt.

Theo chuyên gia tiếp thị Trần Tuấn Anh, telesale là một hình thức tiếp thị trực tiếp mà thông qua đó một người bán hàng sử dụng điện thoại để thuyết phục và quảng cáo sản phẩm, hàng hóa hay dịch vụ của công ty hay của mình đến với khách hàng tiềm năng.

“Về Việt Nam, hình thức bán hàng này đang bị biến tướng thành kênh lừa đảo, gian lận và bị lạm dụng, trở thành ác mộng với người nhận cuộc gọi. Không những thế, đặc thù ở thị trường Việt Nam là người dân di chuyển bằng phương tiện cá nhân nhiều, nên các cuộc điện thoại “số lạ” gọi ngày đêm, bất kể thời điểm đã làm ảnh hưởng không chỉ giờ giấc sinh hoạt của người dân mà đôi khi còn ảnh hưởng đến tâm lý, tính mạng” – ông Trần Tuấn Anh phân tích.

Theo ông Nguyễn Văn Đính – phó chủ tịch Hiệp hội Môi giới bất động sản VN, quy định mới chặn các cuộc gọi rác chắc chắn ảnh hưởng đến khả năng bán hàng của các doanh nghiệp bất động sản.

Tuy nhiên, phải thừa nhận thực tế rằng việc tiếp thị qua điện thoại trong ngành bất động sản thời gian qua không kiểm soát dẫn đến việc bị lạm dụng khiến khách hàng cảm thấy bị làm phiền và rất khó chịu, thậm chí ác cảm với cả người gọi lẫn công ty phát triển bất động sản. Đây là điều không nên có và cần phải có sự thay đổi.

“Không chỉ môi giới bất động sản mà những ngành khác cũng cần chuyên nghiệp hơn trong tiếp cận khách hàng thay vì spam. Ngày càng có nhiều kênh truyền thông mới để môi giới có thể ứng dụng mà không nhất thiết phải thực hiện hàng trăm cuộc gọi mỗi ngày như vậy” – ông Đính cho biết.

Sau một thời gian nhận nhiều phản hồi tiêu cực từ khách hàng, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có tiếng trên thị trường cho biết đã ngưng sử dụng cách thức tiếp thị qua điện thoại: “Chúng tôi không dùng đội telesale gọi điện hay nhắn tin để quảng cáo bán hàng mà chỉ dùng đội sale trực tiếp, vì telesale gọi điện khách hàng thấy phản cảm, không hiệu quả nên công ty đã dừng ý định triển khai”, vị này nói.

Ác mộng cuộc gọi, tin nhắn rác bao giờ mới chấm dứt? - Ảnh 3.

Hàng loạt tin nhắn rác gửi đến một số điện thoại di động – Ảnh: Q.ĐỊNH

2 tháng chặn hơn 18.300 thuê bao

Theo báo cáo của Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và truyền thông từ thống kê của các nhà mạng di động, trong hai tháng 7 và 8-2020, 18.329 thuê bao di động phát tán cuộc gọi rác đã bị hệ thống kỹ thuật nhận diện và ngăn chặn.

So sánh giữa các nhà mạng, Viettel đang tỏ ra mạnh tay nhất khi đã phát hiện và ngăn chặn 16.399 thuê bao phát tán cuộc gọi rác, chiếm đến 90% tổng số thuê bao thực hiện cuộc gọi rác đã bị chặn bởi ba nhà mạng Viettel, VinaPhone và MobiFone.

Theo đại diện VinaPhone: “Thực tế cho thấy các đơn vị phát tán tin nhắn rác/cuộc gọi rác thường xuyên thay đổi hành vi để tránh bị nhà mạng chặn. Vì vậy đây là một quá trình dài cần sự phối hợp của các nhà mạng, sự chỉ đạo thường xuyên của Bộ Thông tin và truyền thông và người dùng để đáp ứng được những diễn biến thay đổi liên tục từ phía đơn vị vi phạm”.

Quy trình kỹ thuật được các nhà mạng áp dụng hiện nay là sau mỗi cuộc gọi của các thuê bao di động nằm trong diện nghi ngờ phát đi cuộc gọi rác, nhà mạng sẽ hỏi người nhận (bằng tin nhắn USSD, SMS, gọi điện) để xác thực nội dung cuộc gọi.

Dựa trên ý kiến phản hồi của nhiều người dùng, nhà mạng sẽ quyết định một thuê bao có phải là nguồn phát tán cuộc gọi rác hay không.

Nếu số máy bị xác định là nguồn phát tán cuộc gọi rác, nhà mạng sẽ khóa chiều gọi đi đối với thuê bao nội mạng và khóa chiều gọi đến đối với thuê bao liên mạng. Sau đó, chủ thuê bao sẽ nhận được thông báo cho biết số điện thoại của mình đã bị chặn do phát tán cuộc gọi rác.

Tuy nhiên, “tỉ lệ người dùng trả lời câu hỏi để xác thực nội dung cuộc gọi hiện nay vẫn rất thấp, chỉ khoảng 5%, khiến nhà mạng gặp nhiều khó khăn trong việc xác định thuê bao thực hiện cuộc gọi rác”, đại diện một nhà mạng chia sẻ.

Trong khi đó, lãnh đạo một nhà mạng (đề nghị không nêu tên) tiết lộ họ đang nghiên cứu và đề xuất các thuật toán mới với cơ quan chức năng để nhận diện các cuộc gọi rác nhanh và chính xác hơn.

Đ.THIỆN – B.MAI – N.BÌNH – T.MẠNH
TTO