23/01/2025

Chiến tranh uỷ nhiệm ở Nagorno-Karabakh?

Chiến tranh uỷ nhiệm ở Nagorno-Karabakh?

Cuộc chiến tranh lần 3 ở Nagorno-Karabakh (hay Cộng hoà Artsakh ly khai) mới kéo dài vài ngày nhưng quy mô đã vượt nhiều năm trước.

 

Chiến tranh ủy nhiệm ở Nagorno-Karabakh? - Ảnh 1.

Một người lính Armenia khai hỏa pháo về phía lực lượng Azerbaijan ở khu vực Nagorno-Karabakh – Ảnh: Reuters

Chiến sự lan sang lãnh thổ Armenia, nước bảo trợ cho Nagorno-Karabakh, với việc Thủ tướng Nikol Pashinyan tố không quân Azerbaijan ném bom cả mục tiêu dân sự.

Không dừng lại đó, Armenia ngày 29-9 khẳng định với quốc tế rằng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã tham chiến cùng Azerbaijan, bắn hạ một tiêm kích Su-25 của Armenia đang bay trên không phận trong nước.

Ankara và Baku gạt phắt, nhưng có vẻ Yerevan tin rằng sự hiện diện của Thổ trong cuộc chiến này là sự thật không thể chối bỏ. Theo giới quan sát, Ankara có vẻ khơi cuộc chiến ủy nhiệm (chiến tranh qua tay người khác) ở Nagorno-Karabakh.

“Giải pháp duy nhất của vấn đề Karabakh là quân đội Armenia phải rút hết khỏi lãnh thổ chiếm đóng. Chúng tôi sát cánh cùng Azerbaijan ngay trên chiến trường và sau bàn đàm phán. Chúng tôi muốn giải quyết mọi thứ tận gốc.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlüt Çavuşoğlu

Tình hình chiến sự

Theo báo Lenta.ru của Nga, lần căng thẳng nhất gần đây ở Nagorno-Karabakh xảy ra vào tháng 4-2016. Khi đó, Azerbaijan điều không quân, pháo binh và bộ binh đánh sang vùng lãnh thổ này khiến Armenia phải mang lực lượng sang chống trả. Tình hình khi đó xuống thang khá nhanh nên sự kiện được gọi là “cuộc chiến tranh bốn ngày”.

So với bây giờ, mọi thứ khác hẳn. Mức độ giao tranh trong khu vực Karabakh từ sáng 27-9 đến nay là chưa từng có tiền lệ. Bộ Quốc phòng Armenia nhận xét chưa bao giờ pháo binh được sử dụng với cường độ này trong khu vực.

Theo các báo cáo tiền phương, chiến sự chưa dừng lại một phút nào trong hơn ba ngày qua. Quân đội Azerbaijan được cho là huy động hết mọi khí tài có thể – không quân, pháo binh, hệ thống tên lửa đa nòng trên 300 li (MRL)…

Bộ Quốc phòng Armenia thống kê được một số vũ khí bao gồm hệ thống MRL BM-30 Smerch, Polonez, hệ thống tên lửa T-300 Kasirga của Thổ Nhĩ Kỳ, dàn phóng tên lửa hạng nặng TOS, tiêm kích và máy bay không người lái, xe bọc thép, riêng vai trò trinh sát do phi đội F-16 của không quân Thổ thực hiện.

Nếu đúng với quy mô đó thì không thể nói đây chỉ là căng thẳng nhất thời. Đây cũng là lần đầu tiên Stepanakert – thủ phủ của Cộng hòa Artsakh – bị nã pháo kể từ sau cuộc chiến 1992-1994.

Số binh lính thiệt mạng của hai bên đã lên đến hàng trăm. Do Azerbaijan không công bố tổn thất của họ, số liệu chỉ dựa vào ghi nhận của Bộ Quốc phòng Armenia.

Phía Armenia công nhận trong ngày đầu tiên giao tranh họ mất một số vị trí chiến lược, nhưng ngày tiếp theo đã “gặt hái được những thắng lợi quân sự đáng kể”. Hiện tại không có nơi nào ở Karabakh là yên tiếng súng, giống với những năm khói lửa thập niên 1990.

Thổ Nhĩ Kỳ muốn gì?

Hiện tại chỉ có hai quốc gia chính thức ủng hộ cuộc chiến của Azerbaijan ở Nagorno-Karabakh là Afghanistan và Thổ Nhĩ Kỳ. Afghanistan chỉ giới hạn ở tuyên bố, còn Ankara dường như không chỉ nói suông.

Thông tin trên gián tiếp được khẳng định bởi một chi tiết được giới quan sát lưu ý: chỉ 5 phút sau khi chiến sự nổ ra sáng 27-9, một phóng viên của Đài truyền hình TRT (Thổ Nhĩ Kỳ) đã có mặt ở chiến tuyến với đầy đủ máy quay phim và dàn kỹ thuật hỗ trợ.

Trong thế giới Turkic bao gồm các dân tộc ở Trung, Đông, Bắc và Tây Á, Thổ là nước có ảnh hưởng lớn, còn Azerbaijan là đồng minh gần gũi nhất. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan từng cảnh báo “đã đến lúc kết thúc sự chiếm đóng 30 năm của Armenia trên lãnh thổ Azerbaijan”, và ông đã chứng tỏ không chỉ biết dọa.

Giới phân tích cho rằng Ankara có thể mang vài động cơ khác ngoài việc bảo vệ “người anh em” lúc khó khăn: thay thế vai trò “đàn anh” của Nga trong khu vực, bảo vệ đường ống dẫn dầu Baku- Ceyhan và nam Kavkaz để ít lệ thuộc vào Nga càng tốt, biến Karabakh thành lá bài thương thuyết với Nga trong vấn đề bắc Syria và Libya – nơi hai bên tiến hành cuộc chiến ủy nhiệm trong 2 năm qua.

Khác với Ankara, Matxcơva chỉ muốn làm trung gian hòa giải cuộc xung đột Karabakh, vì trong kịch bản xấu nước này sẽ đối mặt với dòng người tị nạn dài dằng dặc từ vùng Kavkaz. Mặt khác, một căng thẳng khác với Thổ vào lúc này không có lợi cho Nga giữa lúc trong nước còn lắm vấn đề, nhất là dịch COVID-19.

Nhưng cách Ankara “chơi rắn” trên lãnh thổ một nước đồng minh của Nga (Armenia) dường như đang đẩy hai nước đến một cuộc chiến tranh lạnh khác, giống hồi năm 2015 khi Thổ bắn hạ một tiêm kích của Nga gần biên giới Syria.

Câu hỏi là Nga sẽ phản ứng mạnh đến cỡ nào trước việc máy bay một đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) bị bắn hạ. Chuyên gia quân sự Vasily Kashin thuộc Trường Kinh tế Matxcơva cho rằng Nga sẽ tuân thủ thỏa thuận CSTO, nếu chiến sự quả thật lan sang lãnh thổ Armenia thì khả năng can thiệp quân sự sẽ được đặt ra.

790

Đó là số lính Azerbaijan thiệt mạng tính đến ngày 29-9, sau ba ngày chiến sự. Ngoài ra còn 1.900 lính bị thương, 137 xe tăng và xe bọc thép bị tiêu diệt, theo Bộ Quốc phòng Armenia.

PHÚC LONG
TTO