24/01/2025

Bạn trẻ ở vùng dịch làm phần mềm ‘chống ngủ gục’ khi học online

Bạn trẻ ở vùng dịch làm phần mềm ‘chống ngủ gục’ khi học online

Một nhóm học sinh, sinh viên ở TP Đà Nẵng, nơi từng là tâm dịch của cả nước, đã từ chính cái khó của mình tạo nền tảng xây dựng bài giảng tương tác trực tuyến dành cho thầy và trò.

 

 

Bạn trẻ ở vùng dịch làm phần mềm chống ngủ gục khi học online - Ảnh 1.

Võ Nguyễn Đình Trí (bìa trái) trao đổi với các thành viên trong nhóm để hoàn thiện sản phẩm – Ảnh: Đ.NHẠN

Dự án này vừa được các bạn gửi tham gia chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2020 do Trung ương Đoàn, Bộ GD-ĐT, Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long và báo Tuổi Trẻ tổ chức.

Từ thực tế của mình

Võ Nguyễn Đình Trí là sinh viên năm 2 ĐH FPT Đà Nẵng cùng Phan Đình Cường và Trần Anh Quân, đều là sinh viên ĐH CNTT Việt Hàn, và hai học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh, TP Đà Nẵng, triển khai ý tưởng này. Cả 5 chàng trai thừa nhận rằng trong những tiết học online không ít lần các bạn đã… ngủ quên trước màn hình máy tính khi giáo viên vẫn giảng bài.

Đình Trí chia sẻ: “Mình nhận thấy bản thân người học còn khá thụ động khi học qua phần mềm học trực tuyến. Giáo viên hỏi đến thì trả lời, không thì sẽ ít khi tập trung được vào bài giảng. Tiết học online ít tương tác giữa thầy và trò dẫn đến việc học kém hiệu quả hơn nhiều”. Vì bản thân là “nạn nhân” của việc sao nhãng, Trí suy nghĩ phải làm thế nào để việc học online hiệu quả hơn.

Trước khi triển khai, nhóm đã thực hiện khảo sát ở hàng trăm học sinh. Hai thành viên nhỏ tuổi nhất nhóm là Lê Văn Anh Tín, Hoàng Trọng Gia Huy (học sinh lớp 12) đảm nhận trọng trách đó. Anh Tín cho biết cứ hễ có thời gian giữa giờ, ra chơi là cậu lại chạy đi khảo sát.

“Như gãi đúng chỗ ngứa, các bạn học sinh đã chia sẻ rất chi tiết về chất lượng tiết học truyền thống và online. Họ chia sẻ nhiều hơn về mong muốn của mình cho những bài giảng. Các giáo viên cũng phản hồi về những phương pháp giảng dạy và mong muốn của thầy cô” – Tín kể.

Nhóm nhận ra rằng khi người học sử dụng nhiều giác quan để học thì việc học sẽ trở nên thú vị và hiệu quả hơn, thay vì thụ động lắng nghe bài qua thiết bị công nghệ số tại nhà. Từ chính những nhu cầu, mong muốn thực tế, nhóm đã đi đến thực hiện tạo phần mềm kích thích hiệu quả, chất lượng việc học online và mở rộng hơn cho việc học truyền thống.

Vượt qua trở ngại

Đầu tiên, nhóm tích hợp chức năng tạo loại câu hỏi trắc nghiệm ngay trên bài giảng giúp học sinh kiểm tra, trả lời, tương tác với giáo viên. Công cụ này giúp giáo viên thống kê được năng lực học sinh ngay tại lớp học.

“Nhiều người nghĩ tương tác qua câu hỏi là cách cổ điển nhưng thực tế việc quản lý học sinh, sinh viên không cần phải quá đao to búa lớn mà chỉ cần thông qua những câu hỏi như thế thôi. Ở mỗi slide sẽ có một câu hỏi nên học sinh phải theo dõi bài giảng để trả lời câu hỏi đó. Như vậy giáo viên cũng “kiểm soát” một cách tinh tế học sinh” – Trí bày tỏ.

Trí lý giải, vì bài giảng bình thường giáo viên thiết kế trên PowerPoint, phần mềm này không có chức năng phục vụ riêng cho giáo dục nên đa số chỉ là ảnh và chữ. Nhóm sẽ tạo ra phần mềm bổ sung các chức năng dành riêng cho giáo dục.

Phần mềm mới của nhóm được ứng dụng công nghệ AR – thực tế ảo tăng cường và phương pháp tiếp cận mô hình 3D để giúp bài giảng sinh động hơn và học sinh quan sát trực quan, tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn.

Nền tảng mới sẽ tạo điều kiện cho những người không chuyên công nghệ vẫn có thể thiết kế một bài giảng đẹp nhất, sinh động nhất có thể. Phần mềm mới cũng giúp chính người học có thể thiết kế phần thuyết trình của mình. Cứ như thế nhóm ngày càng hoàn thiện dần những tính năng mới cho bài giảng. Đến nay đã cơ bản triển khai được 70% đề tài.

Trong tương lai, nhóm sẽ phát triển cộng đồng thư viện bài giảng cao cấp để giáo viên và học sinh chia sẻ, đánh giá, sử dụng.

Đây không phải lần đầu Võ Nguyễn Đình Trí đến với chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục. Năm 2019, Trí cùng một người bạn của mình đã biên soạn thành công cuốn sách Sinh học lớp 10 ứng dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường. Cuốn sách đã xuất sắc đạt Top 5 công trình sáng kiến chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục.

Nhiều ưu điểm vượt trội

Giáo viên Vũ Thị Xuân Thu – trưởng bộ môn sinh học Trường THPT FPT Đà Nẵng, người đã từng trải nghiệm sách Sinh học lớp 10 trong dự án REBO của Võ Nguyễn Đình Trí – cho biết: “Trí rất giỏi, có nhiều suy nghĩ đột phá cùng với các thành viên trong nhóm rất trẻ và tiềm năng nên tôi tin chắc sản phẩm mới lần này sẽ có nhiều ưu điểm vượt trội hơn. Kỳ vọng sản phẩm phần mềm lần này không chỉ giúp cho việc dạy và học online mà còn hỗ trợ cả việc dạy học trên lớp hiệu quả”.

ĐOÀN NHẠN
TTO