Thổ Nhĩ Kỳ đối đầu Mỹ-Nga-Pháp, bác khả năng ngừng bắn giữa Armenia và Azerbaijan
Thổ Nhĩ Kỳ đối đầu Mỹ-Nga-Pháp, bác khả năng ngừng bắn giữa Armenia và Azerbaijan
Lãnh đạo bộ ba quyền lực Mỹ – Nga – Pháp cùng lên tiếng kêu gọi Armenia và Azerbaijan hãy lập tức ngừng bắn ở vùng Nagorno-Karabakh, nhưng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan lên tiếng bác bỏ.
Các tổng thống Vladimir Putin (Nga), Donald Trump (Mỹ) và Emmanuel Macron (Pháp) đã hợp lực kêu gọi Armenia và Azerbaijan hãy ngưng ngay cuộc xung đột tồi tệ nhất trong vài thập niên qua tại vùng ly khai Nagorno-Karabakh, theo Hãng tin Bloomberg hôm 1.10.
“Chúng tôi kêu gọi ngừng ngay mọi hành vi thù địch giữa lực lượng vũ trang của các bên liên quan”, Tổng thống Putin phát biểu trong tuyên bố chung với người đồng cấp Trump và Macron, đánh dấu sự can thiệp ở mức cao nhất kể từ khi cuộc khủng hoảng bùng nổ vào ngày 27.9 ở Nagorno-Karabakh.
Tuy nhiên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đặt mình vào vị trí đối đầu ba thế lực thuộc nhóm OSCE Minsk, đóng vai trò trung gian hòa giải tranh chấp về Nagorno-Karabakh trong gần 3 thập niên.
Ông Erdogan nhấn mạnh việc nhóm OSCE Minsk tìm kiếm thỏa thuận ngừng bắn “là điều không thể chấp nhận được”, và cuộc xung đột chỉ chấm dứt khi lực lượng Armenia rời khỏi Nagorno-Karabakh.
Tổng thống Macron gọi tuyên bố trên của Thổ Nhĩ Kỳ là “nguy hiểm”, và Pháp sẽ không chấp nhận bất kỳ thông điệp nào dẫn đến leo thang khủng hoảng.
Nagorno-Karabakh hiện là vùng tự trị với đa số dân là người Armenia. Khu vực này tự tuyên bố độc lập khỏi Azerbaijan vào năm 1991. Đến nay, Nagorno-Karabakh vẫn được coi là một phần lãnh thổ Azerbaijan nhưng do lực lượng ly khai kiểm soát.
Nga đặt căn cứ quân sự trên đất Armenia và hai quốc gia đã ký kết hiệp ước phòng thủ song phương, dù không bao gồm lãnh thổ tranh chấp.
Trong khi đó, Azerbaijan có mối quan hệ lịch sử gần gũi với Thổ Nhĩ Kỳ, và hồi tháng trước hai nước đã tổ chức cuộc tập trận quy mô lớn.
Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev tuyên bố sẽ chiến đấu cho đến khi đẩy lui lực lượng Armenia khỏi Nagorno-Karabakh và 7 quận phụ cận, còn Armenia khẳng định sẽ bảo vệ quyền tự trị của khu vực này.
THUỴ MIÊN
TNO