23/01/2025

Đức chia sẻ với Việt Nam mối quan tâm giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông

Đức chia sẻ với Việt Nam mối quan tâm giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông

Đức có trách nhiệm phải lên tiếng phản bác các yêu sách phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông, đại sứ Đức tại Việt Nam Guido Hildner khẳng định với Tuổi trẻ Online trưa 30-9 tại Hà Nội.

 

Đức chia sẻ với Việt Nam mối quan tâm giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông - Ảnh 1.

Đại sứ Đức Guido Hildner trao đổi với Tuổi Trẻ Online trưa 30-9 – Ảnh: KHOA THƯ

Liên quan tới việc nhóm E3 gồm Đức, Pháp và Anh gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc (LHQ) vào trung tuần tháng 9 chỉ rõ các yêu sách về đường cơ sở thẳng và “quyền lịch sử” mà Trung Quốc đưa ra là vô lý chiếu theo Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS 1982), ông Hildner nói nước này muốn thể hiện chính kiến rõ ràng đối với việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông.

Là một nước xuất khẩu, tất cả các vấn đề liên quan đến tự do hàng hải và tự do hàng không trên Biển Đông đều có ảnh hưởng lớn đến Đức, đại sứ nhấn mạnh.

Theo ông Hildner, nội dung chính của tuyên bố vừa rồi không mới, đã từng được Đức đưa ra nhiều lần với tư cách đơn phương và với các đồng minh. Tuy vậy, những quan điểm này cần thiết phải được nhắc lại để khẳng định rằng những lý lẽ mà Trung Quốc mới đưa ra không hề ảnh hưởng đến chính kiến của Đức.

“Đức chia sẻ với Việt Nam mối quan tâm giải quyết các vấn đề liên quan đến Biển Đông bằng luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982”, đại sứ nói.

“Chúng tôi cũng sẵn sàng tổ chức các hội thảo và khóa đào tạo về chủ đề luật biển cho Việt Nam. Toà án Công ước Luật biển của LHQ đặt tại Hamburg (Đức) là điều kiện thuận lợi để chúng ta tạo được sự hợp tác trong giải quyết vấn đề này”, ông Hildner cho biết thêm.

Hồi đầu tháng 9, chính phủ Đức nối gót Pháp thông qua bản chiến lược dài 40 trang với tên gọi “Định hướng đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, qua đó thể hiện mong muốn đa dạng hóa, đa phương hóa và đẩy mạnh quan hệ của Đức đối với các đối tác trong khu vực, đặc biệt là khối ASEAN.

Đại sứ Đức cho biết Việt Nam – trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020 – và Đức – chủ tịch luân phiên EU trong 6 tháng cuối năm 2020 – sẽ nỗ lực thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai khu vực, hướng tới nâng tầm quan hệ ASEAN – EU lên đối tác chiến lược.

Đức cũng cam kết đầu tư 1 tỉ euro cho các dự án phát triển tại Việt Nam, theo tham tán hợp tác phát triển Sebastian Paust, tập trung vào tăng cường năng lượng tái tạo, kỳ vọng giúp Việt Nam giảm bớt sự phụ thuộc và năng lượng hóa thạch và thúc đẩy bảo vệ môi trường.

“Chúng tôi cũng đã xác định trọng tâm tiếp theo sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là tăng cường đào tạo nghề trong lĩnh vực năng lượng tái tạo”, ông Paust nói.

KHOA THƯ
TTO