Đà Nẵng muốn trở thành ‘Thung lũng Silicon’ Đông Nam Á

Đà Nẵng muốn trở thành ‘Thung lũng Silicon’ Đông Nam Á

Đà Nẵng sẽ phát triển công nghệ thông tin thành 1 trong 5 ngành kinh tế mũi nhọn, đầu tư các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin và thu hút doanh nghiệp FDI tham gia vào mục tiêu trở thành thung lũng Silicon khu vực Đông Nam Á.

Ngày 30-9, UBND TP Đà Nẵng phối hợp với Bộ TT-TT và Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tổ chức hội nghị Xúc tiến đầu tư ICT Nhật Bản vào Đà Nẵng.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến với 3 điểm cầu tại Đà Nẵng, Hà Nội và Tokyo, thu hút sự tham gia của gần 300 nhà đầu tư và doanh nghiệp công nghệ thông tin (ICT) tiềm năng tại Nhật Bản.

Phát triển ICT thành ngành kinh tế mũi nhọn

Nói với các doanh nghiệp ICT Nhật Bản, ông Trần Văn Miên – phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng – cho biết Nhật Bản là thị trường trọng điểm TP đang kêu gọi đầu tư.

Đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin bởi đây là 1 trong 5 ngành kinh tế mũi nhọn mà Đà Nẵng định hướng phát triển. Tính đến tháng 9-2020, Nhật Bản đang dẫn đầu về số vốn đăng ký đầu tư tại TP với 214 dự án, tổng vốn hơn 816 triệu USD, phần lớn tập trung vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp và dịch vụ.

“Cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản là những nhà đầu tư có trách nhiệm, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của Đà Nẵng trong những năm qua. Với sự trở lại của các đường bay quốc tế, chúng tôi rất mong sớm được đón tiếp các doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản đến làm việc trực tiếp tại Đà Nẵng” – ông Miên nhắn nhủ.

Đà Nẵng muốn trở thành Thung lũng Silicon Đông Nam Á - Ảnh 1.

Ông Trần Văn Miên, phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, mời gọi doanh nghiệp ICT Nhật Bản đầu tư vào Đà Nẵng – Ảnh: Q.TRÂM

Từ Tokyo, đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam cho hay Việt Nam và các nước Đông Nam Á đang đứng trước cơ hội lớn khi các nước đang cơ cấu lại chuỗi cung ứng toàn cầu.

Với hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng của Nhật Bản.

“Với sự chú trọng phát triển ICT và là điểm đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư Nhật Bản cùng vị trí thuận lợi, Đà Nẵng có điều kiện trở thành trung tâm ICT của khu vực. Tin rằng các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm đầu tư vào lĩnh vực ICT tại Đà Nẵng sẽ gặt hái thành công” – đại sứ Vũ Hồng Nam tâm sự.

Đón đầu làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu

Đứng trước cơ hội tiếp tục đón nhận làn sóng đầu tư từ Nhật Bản, Thứ trưởng Bộ TT-TT Phạm Anh Tuấn cho biết Việt Nam đã sẵn sàng cho sự dịch chuyển đầu tư từ các doanh nghiệp công nghệ của Nhật Bản.

Chính phủ đã và đang hoàn thiện mô hình và cơ chế, chính sách để tạo sự phát triển đột phá cho các khu công nghệ thông tin tập trung, khu công nghệ cao tại các trung tâm kinh tế trọng điểm trong cả nước, đặc biệt là Đà Nẵng.

Nổi lên và được ví như là một thung lũng Silicon của Đông Nam Á, chính quyền Đà Nẵng đang cùng với các cơ quan trung ương xây dựng hệ sinh thái số, ưu tiên thu hút các dự án FDI công nghệ cao, xây dựng Đà Nẵng trở thành “thành phố môi trường” và là điểm đến đắt giá thu hút các tập đoàn công nghệ toàn cầu.

Đà Nẵng muốn trở thành Thung lũng Silicon Đông Nam Á - Ảnh 2.

Hội nghị Xúc tiến đầu tư ICT Nhật Bản vào Đà Nẵng tại điểm cầu Hà Nội – Ảnh: Q.TRÂM

Được biết hiện Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng có 143 hội viên, chủ yếu là doanh nghiệp sản xuất. Gần đây có thêm một số doanh ngiệp công nghệ thông tin và dịch vụ.

Từ góc độ doanh nghiệp Nhật Bản, Đà Nẵng có nguồn nhân lực chất lượng cao, làm việc nghiêm túc, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Hoạt động hợp tác đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp CNTT mạnh mẽ, lao động có khả năng tiếp thu cao. Có nhiều dư địa đầu tư và giả cả rẻ so với khu vực.

Tuy nhiên, theo ông Onose Takahisa – chủ tịch Hiệp hội doanh ngiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng – còn một số rào cản khi đầu tư vào đây như ngành công nghệ phụ trợ chưa phát triển, thiếu nguồn kỹ sư CNTT, thiếu văn phòng phù hợp và mạng lưới giao thông công cộng chưa hoàn thiện, liên kết vùng còn yếu.

Do đó Đà Nẵng cần giải quyết được một số vấn đề trước mắt về quỹ đất, nguồn nhân lực chất lượng cao, hạ tầng giao thông… để phát triển được ngành CNTT trở thành thung lũng silicon của khu vực Đông Nam Á.

Trong chiều cùng ngày, các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tham gia kết nối doanh nghiệp và đối thoại trực tiếp với các đơn vị quản lý Khu Công nghệ cao, Khu công viên phần mềm, Khu Công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng và Khu nhà xưởng Long Hậu tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng để tìm hiểu môi trường đầu tư.

Đặt mục tiêu đóng góp 15% GRDP từ ICT

Trong số 43 doanh nghiệp ICT tại Đà Nẵng, ngoại trừ 25 doanh nghiệp Việt Nam thì Nhật Bản đang dẫn đầu với 11 doanh nghiệp bên cạnh một số lượng nhỏ doanh nghiệp các nước như Singapore, Na Uy, Hà Lan, Thụy Sĩ, Đức, Pháp.

Ông Lê Sơn Phong – phó giám đốc Sở TT-TT Đà Nẵng – cho biết trong giai đoạn 2010-2019, tăng trưởng công nghiệp ICT Đà Nẵng bình quân 20% mỗi năm.

Xuất khẩu phần mềm tăng trưởng bình quân 25% năm, trong đó Nhật Bản và Mỹ là 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất.

Đến cuối 2019 ngành công nghiệp ICT đã chiếm tỷ trọng 7,7% GRDP của TP. Đà Nẵng đặt mục tiêu phát triển ngành công nghiệp ICT đóng góp 15% GRDP.

Đồng thời triển khai đầu tư, thu hút đầu tư vào 6 khu công nghệ cao, khu CNTT và công viên phần mềm.

TẤN LỰC
TTO