24/12/2024

Vì sao điểm chuẩn vào sư phạm tăng cao ?

Vì sao điểm chuẩn vào sư phạm tăng cao ?

Hai năm gần đây, điểm chuẩn trúng tuyển ĐH các ngành đào tạo giáo viên ngày càng cao, trong đó một số ngành ‘nóng’ điểm chuẩn trung bình các phương thức có khi lên tới 8 – 9 điểm/môn.
Thí sinh trúng tuyển năm 2019 làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM /// ĐÀO NGỌC THẠCH
Thí sinh trúng tuyển năm 2019 làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM ĐÀO NGỌC THẠCH

Có ngành sư phạm “ngang ngửa” y khoa ?

Từ năm 2018, Bộ GD-ĐT bắt đầu thực hiện việc xác định ngưỡng đảm bảo đầu vào tuyển sinh (điểm sàn) với các ngành đào tạo giáo viên. Theo đó, thí sinh (TS) có từ 17 điểm trở lên theo tổ hợp xét tuyển 3 môn mới đủ điều kiện đăng ký vào các ngành sư phạm (SP) bậc ĐH (bậc CĐ 15, TC 13 điểm). Năm 2019, điểm sàn là 18 bậc ĐH (16 bậc CĐ và 14 bậc TC)…
Năm 2020, điểm sàn ngành SP tiếp tục tăng so với các năm trước đó, cao nhất 18,5 bậc ĐH (16,5 CĐ giáo dục mầm non). Ở các phương thức khác, TS cũng phải đạt học lực lớp 12 loại giỏi hoặc điểm xét tốt nghiệp từ 8 trở lên (trừ các ngành tuyển sinh môn năng khiếu yêu cầu học lực loại khá hoặc điểm xét tốt nghiệp từ 6,5). Ngưỡng điểm này cũng chính là điểm chuẩn thấp nhất vào các ngành SP của các trường. Bên cạnh tình trạng không đủ TS để mở lớp ở nhiều ngành của một số trường ĐH địa phương thì điểm chuẩn nhiều ngành ở các trường đào tạo SP trọng điểm và khu vực có xu hướng tăng dần qua các năm.
Tiến sĩ Trần Hữu Duy, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Đà Lạt, cho biết trong 2 năm trở lại đây, điểm chuẩn các ngành đào tạo SP của trường tăng lên đáng kể so với những năm trước. Bên cạnh một số ngành bằng điểm sàn của Bộ thì điểm chuẩn nhiều ngành cao hơn so với sàn 0,5 – 1 điểm và cao hơn các năm trước đó. Đặc biệt một số ngành có số TS đăng ký xét tuyển cao gấp nhiều lần so với chỉ tiêu cần tuyển như: SP toán học, SP tin học, giáo dục tiểu học, SP tiếng Anh…
Thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cũng cho biết điểm chuẩn của trường các năm gần đây dù biến động khác nhau tùy ngành nhưng có xu hướng chung là tăng cao; đặc biệt tập trung vào các ngành nhiều TS quan tâm như: SP toán, SP hóa, SP ngữ văn và SP tiếng Anh.
Năm nay Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã công bố điểm chuẩn theo phương thức xét học bạ 6 học kỳ. TS phải đạt từ 29,02 điểm trở lên mới trúng tuyển ngành SP hóa học, 29 điểm ngành SP toán và nhiều ngành từ mức 28 (ngành cao nhất trung bình gần 9,7 điểm/môn). Hai ngành luôn có điểm chuẩn trên 29 theo phương thức xét học bạ trong 3 năm gần đây là SP hóa và SP toán.
Điểm chuẩn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội theo phương thức xét điểm thi THPT quốc gia năm 2019 cao nhất 26,4 điểm ngành SP toán học (dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh). Như vậy TS phải đạt gần 9 điểm mỗi môn mới trúng tuyển. Năm 2017, điểm chuẩn ngành này lên tới 27,75 (tức TS cần đạt mỗi môn 9,25 điểm mới trúng tuyển).
Với yêu cầu TS đạt trung bình mỗi môn trên dưới 9 điểm mới trúng tuyển, có ngành SP điểm chuẩn cao ngang ngửa ngành “nóng” nhất khối sức khỏe là y khoa.

Do chỉ tiêu tuyển sinh giảm

Xu hướng tăng điểm chuẩn các ngành đào tạo giáo viên những năm gần đây được chuyên gia tuyển sinh các trường đánh giá tích cực.
Theo tiến sĩ Trần Hữu Duy, có 2 lý do chính dẫn đến việc tăng này. Thứ nhất là do Bộ đưa ra quy định về ngưỡng đảm bảo đầu vào, các trường không thể xét TS ở mức điểm thấp hơn. Nguyên nhân thứ hai có tác động từ sự thay đổi trong cách xác định chỉ tiêu tuyển sinh khối ngành này. Con số này dựa trên nhu cầu tuyển dụng giáo viên các địa phương thay vì các trường tự xác định chỉ tiêu theo năng lực đào tạo của trường mình như trước đây.
“Tính chung toàn quốc, chỉ tiêu tuyển sinh SP giảm nhiều so với trước đó, trong khi lượng TS đăng ký xét tuyển vào các ngành SP vẫn giữ ổn định, thậm chí có năm nhu cầu người học cao hơn. Điểm chuẩn vì vậy tăng theo”, tiến sĩ Duy phân tích. Cũng theo ông Duy: “Điểm đầu vào tăng, chất lượng người học sẽ tốt hơn. Hy vọng lực lượng giáo viên tương lai sẽ có năng lực tốt hơn để đáp ứng những yêu cầu trong đổi mới chương trình giáo dục phổ thông”.
Theo thạc sĩ Lê Phan Quốc, điểm chuẩn các ngành SP những năm gần đây theo mặt bằng chung là cao. Từ đó điều dễ nhìn thấy nhất là chất lượng đào tạo giáo viên trong cả nước sẽ có sự đồng đều về chất lượng.
Phân tích thêm, ông Quốc cho rằng xu hướng này một mặt thể hiện rõ sự tác động trong việc thực hiện các quy định siết chặt đầu vào với ngành SP. Mặt khác cho thấy ngành nghề này vẫn đang được xã hội quan tâm. Trong đó, ngành SP hóa học có xu hướng “trội” hơn khi TS chỉ có điểm giỏi mới vào được.
Thạc sĩ Huỳnh Tổ Hạp, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, cũng thừa nhận có xu hướng các ngành SP nhận được nhiều sự quan tâm từ người học, đặc biệt là một số ngành “nóng” như: SP toán, SP hóa, SP lý và SP tiếng Anh. “Đầu vào tốt hơn sẽ là một nền tảng quan trọng để các trường ĐH có đầu ra tốt hơn”, thạc sĩ Hạp đánh giá.
Điểm chuẩn năm nay ra sao ?
Đến thời điểm này, TS xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT đã hoàn tất việc điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển vào các ngành của các trường. Đại diện một số trường đào tạo SP cho biết điểm chuẩn có thể cao hơn so với điểm sàn.
Thạc sĩ Trần Hữu Duy cho rằng khả năng điểm chuẩn các ngành SP của trường sẽ cao hơn điểm sàn từ 0,5 – 1 và một số ngành ngoài SP tăng khoảng 1 điểm. Trong đó, ngành SP toán điểm chuẩn khoảng 19 – 19,5; ngành giáo dục tiểu học khoảng 19,5 – 20…
Theo thạc sĩ Lê Phan Quốc, điểm chuẩn các ngành của trường được dự báo sẽ tăng trong vòng khoảng 1 điểm so với năm 2019. Trong đó, có những ngành điểm chuẩn có thể bị đẩy trội lên mức cao hơn 1 – 2 điểm (ngành cao nhất năm ngoái 24 điểm).
Nhận định chung về tình hình các năm tới, ông Quốc dự báo việc tuyển sinh khối ngành đào tạo giáo viên khả năng vẫn tiếp tục xu hướng ổn định dù phương thức tuyển sinh các trường có thay đổi.
HÀ ÁNH
TNO