31/12/2024

1 tỉ USD mua vắc xin COVID-19: Ai sẽ trả tiền, ai được tiêm trước?

1 tỉ USD mua vắc xin COVID-19: Ai sẽ trả tiền, ai được tiêm trước?

Tiền mua vắc xin COVID-19 dự kiến 1 tỉ USD hiện chưa biết sẽ tính toán như thế nào, nhưng rất có thể sẽ theo hướng ‘Nhà nước và nhân dân cùng làm’.

 

1 tỉ USD mua vắc xin COVID-19: Ai sẽ trả tiền, ai được tiêm trước? - Ảnh 1.

Một công đoạn trong quá trình nghiên cứu sản xuất vắc xin chống COVID-19 tại Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen – Ảnh: DUYÊN PHAN

Việt Nam đã qua 25 ngày không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới ngoài cộng đồng, sau đợt dịch COVID-19 khá mạnh bắt đầu từ Đà Nẵng. Tuy nhiên, số ca mắc trên thế giới đã vượt quá 33 triệu ca và nguy cơ sẽ tăng mạnh trong mùa đông tới đây.

Vì vậy, bao giờ có vắc xin, giá vắc xin thế nào, ai được tiêm… vẫn là mối quan tâm của toàn thế giới. Ở Việt Nam, có 2 nguồn vắc xin chính, sớm nhất có thể có vào năm 2021 tới.

Nhà nước và nhân dân cùng chi trả?

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 27-9, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết hiện có 2 nguồn vắc xin ngừa COVID-19 chính, bao gồm vắc xin trong nước với 4 nhà sản xuất đang chạy đua và đều đang ở giai đoạn thử nghiệm trên động vật.

Nguồn thứ 2 là vắc xin nhập khẩu, với 3 nguồn chính và Việt Nam đều đã đặt hàng, nhận được cam kết sẽ được cung cấp sớm, với giá ưu đãi dành cho nước đang phát triển (khoảng 10 USD/liều tiêm 2 mũi).

Là 1 trong số 4 nhà sản xuất vắc xin trong nước, Công ty TNHH MTV Vắc xin và sinh phẩm số 1 (Vabiotech) đã phối hợp cùng Đại học Bristol, Anh quốc, tham gia phát triển vắc xin này từ rất sớm.

Ông Đỗ Tuấn Đạt, chủ tịch Vabiotech, cho biết vắc xin ngừa COVID-19 của nhóm nghiên cứu thuộc Vabiotech đã được thử nghiệm trên chuột nhắt về tính sinh miễn dịch, thử độc tính, dò liều, khả năng bảo vệ… và đều nhận được kết quả có triển vọng. Nhóm đang triển khai tiếp trên chuột Hamster, nếu đúng như kế hoạch, hi vọng 2021 vắc xin của Vabiotech có thể tiêm thử nghiệm trên người.

Tuy nhiên, đang có một khó khăn khiến quá trình thử nghiệm, nghiên cứu vắc xin ngừa COVID-19 tại Việt Nam bị chậm, đó là Việt Nam chưa có khả năng đánh giá hiệu quả bảo vệ của vắc xin trên động vật lớn, cụ thể là trên linh trưởng (khỉ).

Thế giới cũng chỉ có một số trung tâm thực hiện được việc này nhưng các trung tâm đều đang rất bận rộn, vì cùng lúc có chừng 200 công ty toàn thế giới tham gia phát triển vắc xin ngừa COVID-19, trong đó có 4 công ty Việt Nam.

Trong tình huống này, vắc xin ngoại sẽ được ưu tiên nhập khẩu trong lúc chờ đợi vắc xin “hàng nội”. Với chi phí được cho là ưu đãi, 95 triệu người Việt Nam sẽ cần nguồn ngân sách khoảng 1 tỉ USD để mua vắc xin.

Theo nguồn tin từ Bộ Y tế, các tính toán gần đây đều dựa trên chủ trương mua đủ vắc xin ngừa COVID-19 cho toàn dân. Nhưng trong khi nguồn cung cấp ít ỏi, sẽ tiêm trước cho những người nguy cơ cao nhất, dễ bị lây nhiễm nhất (nhân viên y tế, người làm việc tại khu vực nguy cơ cao…), và những người nếu nhiễm COVID-19 sẽ dễ có biến chuyển nặng (người già, người bệnh mãn tính…) trước.

Chi phí dự kiến 1 tỉ USD này hiện chưa biết sẽ tính toán như thế nào, ai phải chi trả phí tiêm chủng, nhưng rất có thể sẽ được tính theo hướng “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Hi vọng vắc xin Việt

Tháng 8 vừa rồi, đoàn của Bộ Y tế đã đến tham quan dây chuyền sản xuất vắc xin của 1 trong 4 đơn vị đang nghiên cứu sản xuất vắc xin ngừa COVID-19. Đánh giá của Bộ Y tế cho thấy nhóm nghiên cứu đang sử dụng những công nghệ mới nhất, tương đương ở nước ngoài.

Tại các nhà sản xuất vắc xin chuyên nghiệp như IVAC (Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế Nha Trang) hay Vabiotech, quá trình thử nghiệm trên động vật đều đã trải qua 3-4 vòng, tháng 7 vừa qua, IVAC cũng đã gửi mẫu vắc xin ngừa COVID-19 đi Mỹ để đánh giá…

Việt Nam là quốc gia có công nghiệp sản xuất vắc xin. Hiện vắc xin đang sử dụng trong tiêm chủng mở rộng như vắc xin ngừa viêm não Nhật Bản, vắc xin ngừa viêm gan B, vắc xin sởi, vắc xin kết hợp sởi – rubella… đều được sản xuất trong nước.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đỗ Tuấn Đạt nói rất thận trọng về triển vọng sớm có vắc xin ngừa COVID-19 “made in Việt Nam” cung cấp cho tiêm chủng, nhưng ông cho biết rất hi vọng về dự án này. Đây cũng là lần đầu tiên có một quỹ đầu tư tham gia cấp vốn cho phát triển vắc xin ở Việt Nam.

Có thể nhận chuyển giao công nghệ

“Bộ Y tế đang tìm cách tháo gỡ những khó khăn về thử nghiệm vắc xin trên linh trưởng, lý do đang làm chậm tiến độ nghiên cứu vắc xin ngừa COVID-19 ở Việt Nam” – thông tin từ Bộ Y tế cho biết. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có thể nhận chuyển giao công nghệ để sản xuất vắc xin này tại Việt Nam, ngay sau khi vắc xin này được công nhận trên thế giới.

Sớm có vắc xin tức là sớm có thêm một công cụ hữu hiệu phòng ngừa bệnh, sớm tự do đi lại, giao thương, du lịch, học hành… Và hi vọng lần này có vắc xin sản xuất tại Việt Nam.

LAN ANH
TTO