08/01/2025

Trung Quốc trong tham vọng án ngữ phía nam Biển Đông

Trung Quốc trong tham vọng án ngữ phía nam Biển Đông

Gần đây, Trung Quốc đang gặp thách thức trong tham vọng hình thành các “tiền đồn” ở phía nam của Biển Đông nhằm kiểm soát tuyến hàng hải quan trọng nối với Ấn Độ Dương.
Lược đồ khu vực “cầu nối” vịnh Thái Lan với Ấn Độ Dương /// ĐỒ HỌA: H.Đ
Lược đồ khu vực “cầu nối” vịnh Thái Lan với Ấn Độ Dương ĐỒ HỌA: H.Đ
Theo tờ Bangkok Post, trong năm tài chính 2021 bắt đầu từ ngày 1.10 tới, Hội đồng Phát triển xã hội và kinh tế quốc gia Thái Lan được bố trí nguồn ngân sách 10 triệu baht (khoảng 7,5 tỉ đồng) để tổ chức các buổi điều trần về dự án kênh đào Kra và dự án tuyến đường sắt nối 2 tỉnh Chumphon – Ranong của nước này. Dự kiến, việc điều trần trên sẽ sớm diễn ra ngay trong đầu năm tài chính 2021.

Tham vọng kênh đào chiến lược

Trong đó, dự án kênh đào Kra (hay còn gọi là kênh đào Thái) là tham vọng hình thành tuyến hàng hải nối liền vịnh Thái Lan với vùng biển Andaman thuộc Ấn Độ Dương. Nếu trở thành hiện thực, kênh đào Kra có thể thay thế eo biển Malacca để di chuyển từ khu vực phía nam Biển Đông đến Ấn Độ Dương.
Ý tưởng về kênh đào Kra vốn đã hình thành từ thế kỷ 17 nhưng vì quy mô đầu tư quá lớn, cùng với nhiều yếu tố khách quan nên chưa thành hiện thực. Dưới thời Thủ tướng Thaksin Shinawatra, chính phủ Thái Lan từng lên kế hoạch thành lập một ủy ban xem xét dự án kênh đào Kra. Nhưng vụ đảo chính năm 2006 khiến cho kế hoạch bị dừng lại.
Theo tờ Bangkok Post, dự án kênh đào Kra được vận động mạnh mẽ trong những năm gần đây bởi Hiệp hội Kênh đào Thái – một tổ chức bao gồm các tướng lĩnh, chính trị gia về hưu nổi tiếng thân với Trung Quốc. Thực tế này khiến cho giới quan sát nhận định Bắc Kinh đang muốn thúc đẩy dự án kênh đào Kra. Bởi khi kênh đào này thành hiện thực, ngoài việc hình thành tuyến hàng hải thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa từ khu vực Đông Bắc Á đến khu vực Ả Rập, thì còn giúp cho hải quân Trung Quốc có thể nhanh chóng từ Biển Đông (thuộc vùng tây Thái Bình Dương) tiếp cận Ấn Độ Dương.
Điều đó dẫn đến một nguy cơ lớn cho Ấn Độ, nên New Delhi vừa qua cũng thiết lập kế hoạch tăng cường sức mạnh quân sự ở quần đảo Andaman và Nicobar, nhằm sẵn sàng phòng thủ khi hải quân Trung Quốc tiếp cận vịnh Bengal, tiến sâu vào Ấn Độ Dương.
Trong khi đó, theo nhiều phân tích thì việc tiêu tốn 30 tỉ USD của dự án Kra có thể không hiệu quả về mặt kinh tế nếu so với việc duy trì tuyến hàng hải qua eo biển Malacca. Vì thế, càng có lý do để nhận định việc thúc đẩy kênh đào Kra chủ yếu phục vụ cho tham vọng quân sự của Bắc Kinh. Thực tế này khiến cho tính khả thi của việc hình thành tuyến đường sắt nối hai phía vịnh Thái Lan và vùng biển Andaman có thể khả thi hơn, vì vẫn có thể giúp phát triển kinh tế phía nam Thái Lan, và nước này không rơi vào tầm ảnh hưởng của Trung Quốc. Dự án đường sắt trở thành thách thức cho tham vọng kênh đào Kra của Bắc Kinh.

Vai trò tiền đồn ở Campuchia

Hỗ trợ cho tuyến hàng hải quan trọng ở phía nam Biển Đông, điển hình là tham vọng kênh đào Kra, Bắc Kinh còn được cho là đang có ý định hình thành các cơ sở ở các tỉnh Sihanoukville và Koh Kong (Campuchia) nằm bên vịnh Thái Lan.
Ngày 23.9 vừa qua, truyền thông Campuchia đưa tin Bộ Quốc phòng nước này Tea Banh vừa có cuộc gặp với ông W.Patrick Murphy, Đại sứ Mỹ tại Campuchia. Trong cuộc gặp, ông Tea Banh được cho là đã cam kết với phía Mỹ rằng chỉ hải quân Campuchia sử dụng căn cứ hải quân Ream thuộc tỉnh Sihanoukville.
Thông tin trên được đưa ra sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 15.9 thông tin nước này vừa quyết định trừng phạt Tập đoàn phát triển Liên Hiệp (UDG). Đây là một doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc. Theo Washington, UDG đã đầu tư dự án Dara Sakor tại tỉnh Koh Kong và dự án này có thể được sử dụng cho mục đích quân sự, đe dọa sự ổn định của Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Theo tờ The New York Times, dự án Dara Sakor có một sân bay với đường băng dài nhất ở Campuchia. Quy mô đường băng này đủ để các loại máy bay quân sự của Trung Quốc, bao gồm cả các loại oanh tạc cơ hạng nặng, hoạt động.
Trả lời Thanh Niên, một số chuyên gia quốc tế từng nhận định dù Trung Quốc lẫn Campuchia vẫn luôn khẳng định dự án ở tỉnh Koh Kong phục vụ mục đích dân sự, nhưng rõ ràng các hạ tầng này khi cần thiết thì đều có thể phục vụ cả mục đích quân sự. Nhìn lại quá trình Bắc Kinh quân sự hóa các thực thể ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, Bắc Kinh ban đầu cũng biện minh bằng “lá bài dân sự”.
Bên cạnh đó, giới quan sát cũng từng lo ngại về việc Trung Quốc tăng cường đầu tư, ra sức tăng cường hiện diện ở tỉnh Sihanoukville – nơi có căn cứ hải quân Ream. Bởi thực tế, nếu kết nối các cơ sở, căn cứ ở tỉnh Sihanoukville và Koh Kong thì sẽ có khả năng hỗ trợ rất lớn cho tham vọng của Bắc Kinh trong việc xây dựng chuỗi “tiền đồn” ở vịnh Thái Lan, phía nam Biển Đông. Nếu kết hợp chuỗi “tiền đồn” với kênh đào Kra, Trung Quốc có thể xây dựng nên cụm cơ sở vừa án ngữ, vừa kết nối nhanh chóng vào Ấn Độ Dương.
Tuy vậy, thực tế diễn biến qua cam kết của Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh và việc Mỹ trừng phạt UDG, thì rõ ràng Washington sẽ không ngồi yên để Bắc Kinh tiến hành tham vọng án ngữ cầu nối vùng tây Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương.
Tướng Mỹ kêu gọi tái bố trí lực lượng để đối phó Trung Quốc
Tờ South China Morning Post tối 25.9 đưa tin chỉ huy thủy quân lục chiến Mỹ David Berger gần đây kêu gọi tái bố trí các nguồn lực quân sự ở tây Thái Bình Dương để đối phó mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc. Tướng Berger đánh giá việc triển khai lực lượng của Mỹ lâu nay được thiết kế nhằm đối phó các cuộc khủng hoảng tiềm tàng trên bán đảo Triều Tiên, nhưng đã trở nên lạc hậu trong thời đại Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) được hiện đại hóa.
Ông cho rằng chiến lược mới là phải bố trí các lực lượng quân sự Mỹ ở một khu vực rộng hơn và dàn trải các khí tài và đơn vị để PLA khó tấn công.
Văn Khoa
NGÔ MINH TRÍ
TNO