08/01/2025

Nhiều sai phạm trong quản lý công sản tại 3 doanh nghiệp nhà nước

Nhiều sai phạm trong quản lý công sản tại 3 doanh nghiệp nhà nước

Theo Thanh tra Chính phủ, Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam, Tổng công ty lâm nghiệp Việt Nam và Tổng công ty chè Việt Nam có nhiều sai phạm trong quản lý, sử dụng nhà đất công sản, gây lãng phí và thất thoát lớn.
Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam bị xác định có nhiều sai phạm trong quản lý, sử dụng nhà đất công /// ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam bị xác định có nhiều sai phạm trong quản lý, sử dụng nhà đất công ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa ban hành Kết luận thanh tra (KLTT) việc chấp hành pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai, trong đó có đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh tại Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam, Tổng công ty lâm nghiệp Việt Nam và Tổng công ty chè Việt Nam. Đây là các doanh nghiệp nhà nước thuộc quyền quản lý của Bộ NN-PTNT, đã và đang thực hiện sắp xếp cổ phần hóa.
Theo KLTT, tính đến cuối năm 2017, 3 doanh nghiệp trên đang quản lý, sử dụng 422.782 ha đất các loại. Trong đó, Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam quản lý, sử dụng 371.378 ha; Tổng công ty lâm nghiệp Việt Nam quản lý, sử dụng hơn 47.895 ha; còn lại là Tổng công ty chè Việt Nam. Trong quá trình quản lý, sử dụng đất đai tại cả 3 đơn vị này đều để xảy ra nhiều sai phạm.

Cho thuê, liên doanh liên kết tràn lan

Theo KLTT, Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam được giao quản lý, sử dụng 759 cơ sở nhà, đất (diện tích đất là 1.200 ha và diện tích nhà là 1.176.187 m2) thuộc đối tượng phải xử lý, sắp xếp theo chủ trương của Chính phủ từ năm 2007; nhưng đến cuối năm 2017, mới có 43 cơ sở nhà, đất được thực hiện các thủ tục sắp xếp lại, chiếm 5,7%. Số nhà, đất chưa được sắp xếp theo quy định là 716 cơ sở.
Theo TTCP, việc Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam cho thuê một phần diện tích văn phòng làm việc chưa thực hiện đúng quy định của luật Đất đai năm 2013 (tại số 177 Hai Bà Trưng, Q.3, TP.HCM; số 56 Nguyễn Du, Q.Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội), và cho mượn nhà để ở nhưng sau đó bị lấn chiếm, chưa thu hồi được. Tại một số đơn vị thành viên của tập đoàn đã cho cán bộ, công nhân hoặc đơn vị bên ngoài thuê đất sử dụng trái mục đích, đối tượng, vi phạm quy định luật Đất đai…
KLTT cũng chỉ rõ 3 tập đoàn, tổng công ty trên được giao quyền quản lý, sử dụng diện tích rất lớn về đất tại 30 tỉnh, thành; nhưng do quản lý lỏng lẻo, chấp hành không đúng quy định pháp luật, dẫn đến đất bị lấn chiếm với số lượng rất lớn. Tổng số đất bị lấn chiếm tại 3 doanh nghiệp là hơn 19.855 ha, đến nay mới thu hồi hơn 1.600 ha. Trong đó, Tập đoàn cao su Việt Nam bị lấn chiếm hơn 10.710 ha; Tổng công ty lâm nghiệp Việt Nam bị lấn chiếm 8.647 ha, và Tổng công ty chè Việt Nam là hơn 497 ha…

Thoái vốn, mất đất vị trí đắc địa

Đáng chú ý, TTCP phát hiện Tổng công ty chè Việt Nam đã đưa 12 khu đất với tổng diện tích hơn 68.000 m2, trong đó có nhiều khu đất có vị trí đắc địa để góp vốn liên doanh, liên kết, cho thuê lại đất không đúng quy định; thoái vốn không thông qua đấu giá, vi phạm quy định pháp luật. Mặt khác, doanh nghiệp báo cáo đến nay không còn hồ sơ, tài liệu, hoặc không cung cấp được các tài liệu có liên quan.
Cụ thể, năm 2009, Tổng công ty chè Việt Nam ký hợp đồng liên kết với Công ty TNHH sản xuất thương mại Nhật Minh góp vốn xây dựng trung tâm thương mại và dịch vụ trên diện tích 450 m2, phần góp vốn là nhà, đất số 25D Cát Linh (Q.Đống Đa, TP.Hà Nội) với diện tích hơn 60 m2. Giá trị nhà, đất này được các bên xác định là 3,5 tỉ đồng; nhưng đến nay HĐQT Tổng công ty chè Việt Nam có nghị quyết về việc thoái vốn đầu tư. Đến thời điểm thanh tra, khu đất tại 25D Cát Linh đang thuộc quyền quản lý, sử dụng của doanh nghiệp tư nhân.
Tương tự, khu đất có diện tích 1.500 m2 tại đường Trần Khát Chân (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) được Tổng công ty chè Việt Nam dự kiến liên doanh với nước ngoài đầu tư xây dựng Trung tâm đấu giá chè và khách sạn quốc tế Hương Trà. Tổng công ty chè Việt Nam đã chi 3,8 tỉ đồng để đền bù giải phóng mặt bằng, nhưng do không thực hiện được liên doanh nên HĐQT tổng công ty có nghị quyết chuyển nhượng dự án với giá trị quyền đầu tư là 8,5 tỉ đồng. Năm 2011, Tổng công ty chè Việt Nam đã chuyển nhượng phần góp vốn của mình trị giá 10 tỉ đồng cho Công ty Sông Châu. Lô đất trên cũng đang thuộc quyền quản lý của doanh nghiệp tư nhân.
Riêng tại khu đất số 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.3, TP.HCM) có diện tích 446,8 m2 đã được Sở TN-MT TP.HCM ký các hợp đồng, phụ lục hợp đồng cho chi nhánh Tổng công ty chè – Công ty TNHH MTV tại TP.HCM thuê đất.
Năm 2008, Bộ NN-PTNT có văn bản chấp thuận chủ trương cho Tổng công ty chè VN lập dự án đầu tư xây dựng công trình nhà làm việc và văn phòng cho thuê. Vào năm 2009, HĐQT tổng công ty có nghị quyết phê duyệt chủ trương hợp tác cho thuê làm văn phòng lâu dài với Công ty TNHH xây dựng – thương mại – dịch vụ GB, thời hạn cho thuê theo hợp đồng đã được ký kết là 35 năm.
Tuy nhiên, đến năm 2013, HĐQT Tổng công ty chè Việt Nam có nghị quyết thực hiện việc thoái vốn là tài sản tại số 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, không thông qua đấu giá. Tại thời điểm hiện nay, khu đất này do Công ty GB quản lý, sử dụng và được TP.HCM cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Kiến nghị chuyển 12 vụ việc sang Bộ Công an để điều tra

TTCP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ NN-PTNT phối hợp các bộ, ngành liên quan xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân tại Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam, Tổng công ty lâm nghiệp Việt Nam và Tổng công ty chè Việt Nam.
Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an giao cơ quan điều tra xác minh, xử lý theo quy định pháp luật đối với 12 vụ việc có vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà, đất, gồm: số 67 Ngô Thì Nhậm (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội); số 25D Cát Linh (Q.Đống Đa, Hà Nội); khu đất 1.500 m2 tại Trần Khát Chân (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội); số 59 An Bình (P.6, Q.5, TP.HCM); số 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.3, TP.HCM); khu đất ở Cổ Loa, xã Việt Hùng, H.Đông Anh, Hà Nội; số 126 Lạch Tray, Q.Ngô Quyền, Hải Phòng; số 341 P.Vạn Mỹ, Q.Đồ Sơn, TP.Hải Phòng… cùng một số khu đất khác tại Hòa Bình và Sơn La.
THÁI SƠN
TNO