03/01/2025

Năm 2021, chưa tổ chức thi tốt nghiệp THPT trên máy tính

Năm 2021, chưa tổ chức thi tốt nghiệp THPT trên máy tính

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 sẽ giữ ổn định như năm 2020, không có bất kỳ đổi mới, xáo trộn nào. Do vậy học sinh, nhà trường và xã hội có thể yên tâm dạy học và ôn tập.
PGS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) /// K.HIỀN
PGS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) K.HIỀN
Đó là khẳng định của PGS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) với báo chí chiều 24.9 về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 .
PGS Mai Văn Trinh cho biết: Với những thành công, ưu điểm của kỳ thi năm 2020, trong giai đoạn tới, từ năm 2021 – 2025, khi chúng ta vẫn đang thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, Bộ GD-ĐT thống nhất về cơ bản sẽ giữ ổn định kỳ thi như năm 2020 cả về phương thức, tổ chức các bài thi, chấm thi… Đặc biệt, ở kỳ thi năm 2021 sẽ giữ ổn định như năm 2020, không có bất kỳ thay đổi, xáo trộn nào.
Sau năm 2021, phương thức tổ chức về cơ bản vẫn như năm 2020, trong thời gian này, Bộ tích cực tập trung hai việc quan trọng. Thứ nhất là xây dựng ngân hàng câu hỏi phong phú hơn và chuẩn hóa hơn. Thứ hai là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng chuẩn bị để tổ chức thi trên máy tính.
Năm 2021, chưa tổ chức thi tốt nghiệp THPT trên máy tính - ảnh 1

Từ năm 2021 – 2025, Bộ GD-ĐT thống nhất về cơ bản sẽ giữ ổn định kỳ thi tốt nghiệp THPT như năm 2020  ĐÀO NGỌC THẠCH

Thưa ông, như vậy năm 2021 việc thi trên máy tính đã được thí điểm chưa, Bộ sẽ chuẩn bị gì cho phương thức thi này?
Năm 2021 vẫn thi trên giấy, đồng thời cũng là năm chuẩn bị điều kiện để thử nghiệm thi trên máy tính theo lộ trình thích hợp. Việc tổ chức thi trên máy tính phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Thứ nhất là Bộ phải xây dựng và ban hành cho được quy chế thi trên máy tính. Thứ hai, phải xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, bao gồm phòng máy tính, đường truyền, thiết bị giám sát, phần mềm thi trên máy, đào tạo, tập huấn đội ngũ cán bộ đủ năng lực để vận hành việc thi trên máy. Ngoài ra, một công việc quan trọng không kém là phải chuẩn bị cho học sinh (HS) sự sẵn sàng để có thể dự thi trên máy tính. Cụ thể ở đây là trang bị cho các em kỹ năng sử dụng, thao tác phần mềm thi trên máy tính.
Đó là các vấn đề rất quan trọng để có thể tổ chức thi trên máy tính. Chuẩn bị các điều kiện nhưng phải tiến hành thử nghiệm rồi mới mở rộng dần thi trên máy tính với những địa phương đủ điều kiện cơ bản. Nơi nào chưa đủ điều kiện, chưa sẵn sàng thì vẫn thi trên giấy như hiện nay.
Do tồn tại hai hình thức nên thi trên giấy hay trên máy tính cũng phải bảo đảm sự trung thực và độ tương đồng, công bằng giữa hai hình thức thi, bảo đảm quyền lợi của HS. Đặc biệt là không gây sốc với các bên liên quan, nhất là với HS, giáo viên. Việc tổ chức thi trên máy tính hay trên giấy cũng không để xảy ra tình trạng bất bình đẳng giữa HS, giữa các vùng miền, thi trên máy chỉ là sự thay đổi về phương thức thi.
Việc thi trên máy sẽ được vận hành ra sao trong tương lai, thưa ông?
Việc thi trên máy tính sẽ do các trung tâm khảo thí đảm nhận. Các trung tâm khảo thí này có thể trực thuộc đại học, Sở GD-ĐT hoặc của các cá nhân trong xã hội. Việc vận hành, quản lý, giám sát sẽ dựa vào Quy chế thi trên máy tính do Bộ GD-ĐT ban hành như tôi đã nói ở trên.
TUỆ NGUYỄN
TNO