“Giải cứu” tôm hùm
“Giải cứu” tôm hùm
Từ ngày 24 – 27.9, tỉnh Phú Yên tổ chức kết nối cung cầu với các tỉnh thành để “giải cứu” sản phẩm tôm hùm nuôi trước mùa mưa bão.
Tồn do covid-19
Do dịch bệnh Covid-19 kéo dài nên lượng tôm hùm ở Phú Yên đến thời kỳ thu hoạch bị tồn đọng nhiều vì không xuất khẩu được. Kéo theo đó, giá tôm hùm xuống thấp nên người nuôi tôm gặp khó khăn. Trước tình hình này, UBND tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan khẩn trương tìm giải pháp “giải cứu” tôm hùm nuôi và tăng cường công tác quản lý để nghề nuôi thủy sản lồng bè phát triển bền vững hơn.
|
Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, thống kê đến tháng 9.2020, Phú Yên có hơn 90.690 lồng nuôi tôm hùm, trong đó tôm hùm thương phẩm 76.025 lồng. Hiện sản lượng tôm hùm nuôi đến thời kỳ thu hoạch còn khoảng 500 tấn. Ông Nguyễn Tri Phương, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên, cho biết sở này cùng các địa phương có người nuôi tôm hùm đã khuyến khích doanh nghiệp thu mua tôm hùm trên địa bàn tăng cường tìm kiếm thêm một số thị trường nội địa nhằm tiêu thụ sản phẩm tôm nuôi với mức giá ổn định, giúp người nuôi tôm vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, do việc kết nối thị trường nội địa còn hạn chế nên lượng tôm hùm nuôi tiêu thụ chưa mạnh, giá tôm vẫn còn ở mức thấp.
Ông Nguyễn Thái Hải Anh, Phó phòng Kinh tế TX.Sông Cầu, cho biết: “Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TX.Sông Cầu đã thu hoạch khoảng 30.680 lồng tôm hùm nuôi với sản lượng khoảng 460 tấn và hiện vẫn còn khoảng 20.000 lồng tôm hùm nuôi đã đến thời kỳ thu hoạch với sản lượng khoảng 300 – 350 tấn chưa có nơi tiêu thụ”.
Trong khi đó, ông Đỗ Tấn Thành, cán bộ Phòng Kinh tế TX.Đông Hòa, cho hay vùng nuôi tôm hùm của địa phương này chủ yếu nuôi tại khu vực vịnh Vũng Rô, thôn Vũng Rô (xã Hòa Xuân Nam) với khoảng 13.700 lồng. Đến nay đã thu hoạch khoảng 120 tấn và hiện vẫn còn khoảng 80 – 90 tấn chưa tiêu thụ. “Mùa mưa bão đến nhưng lượng tôm hùm nuôi vẫn còn khiến người dân lo lắng. Vì thế, địa phương cố gắng phối hợp các ngành chức năng của tỉnh để “giải cứu” lượng tôm thương phẩm còn tồn trong vùng nuôi, nhằm tránh thiệt hại do mưa bão gây ra”, ông Thành nói.
Hiện giá tôm thương phẩm có tăng lên nhưng vẫn còn thấp, như tôm hùm bông loại 1 từ 800.000 – 1 triệu đồng/kg; tôm hùm xanh loại 1 từ 500.000 – 700.000 đồng/kg.
Kết nối với các tỉnh, thành
Bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó giám đốc Sở Công thương Phú Yên, cho biết từ chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan bàn giải pháp tiêu thụ
sản phẩm tôm hùm nuôi trên địa bàn. Trước mắt, từ ngày 24 – 27.9, Sở Công thương Phú Yên tổ chức kết nối cung cầu tại TP.HCM và sau đó sẽ kết nối tiếp với những tỉnh, thành phố khác trong cả nước để tiêu thụ tôm hùm.
Sở Công thương Phú Yên cũng đã phối hợp Sở NN-PTNT Phú Yên cùng các địa phương trong tỉnh chọn giúp một số doanh nghiệp chuyên thu mua tôm hùm trên địa bàn, cùng tham gia với Sở Công thương để tiến hành xúc tiến và kết nối, giới thiệu sản phẩm tôm hùm và quảng bá tôm hùm nuôi tại Phú Yên.
Sắp xếp lại vùng nuôi
Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, diện tích nuôi trồng thủy sản lồng bè ở Phú Yên đã được tỉnh quy hoạch đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 là 1.650 ha. Trong đó, H.Tuy An 650 ha, TX.Sông Cầu 1.000 ha (đầm Cù Mông 253 ha và vịnh Xuân Đài 747 ha), riêng vùng nuôi tôm hùm tại thôn Vũng Rô, xã Hòa Xuân Nam, TX.Đông Hòa thì chỉ được quy hoạch tạm thời đến tháng 10.2021.
Theo đó, tổng số lồng bè nuôi theo quy hoạch trên là 49.000 lồng, trong đó H.Tuy An 16.100 lồng (11.000 lồng nuôi tôm hùm thương phẩm, 4.000 lồng ương tôm hùm giống, 1.100 lồng nuôi cá); TX.Sông Cầu 32.900 lồng (16.000 lồng nuôi tôm hùm thương phẩm, 14.000 lồng ương tôm hùm giống, 2.900 lồng nuôi cá các loại).
Ông Nguyễn Tri Phương, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên, cho biết do sự gia tăng số lượng lồng bè nuôi tôm hùm tại các vùng nuôi trên địa bàn tỉnh, nên nhu cầu con giống ngày càng tăng cao, hoạt động kinh doanh tôm hùm giống trên địa bàn tỉnh diễn ra phức tạp, khó kiểm soát. Sở NN-PTNT Phú Yên đã kiến nghị Bộ NN-PTNT chỉ đạo Cục Thú y tăng cường công tác quản lý, kiểm soát tôm hùm giống nhập khẩu về địa phương chặt chẽ hơn. Các địa phương cần sớm quy hoạch chi tiết các vùng nuôi và giao, cho thuê mặt nước để ổn định vùng nuôi.
“Cùng các địa phương trong tỉnh có vùng nuôi trồng thủy sản thì cần tăng cường công tác quản lý theo quy hoạch, không để tình trạng phát sinh phá vỡ quy hoạch”, ông Nguyễn Tri Phương nói.
ĐỨC HUY
TNO