Điện gió xin làm 50.000 MW, bộ mới gút được 6.400
Điện gió xin làm 50.000 MW, bộ mới gút được 6.400
Bộ Công thương cho biết đã tính toán tổng thể và đánh giá khả năng giải tỏa công suất theo từng vùng để đề xuất Thủ tướng bổ sung quy hoạch 72 dự án điện gió với tổng công suất 6.400 MW trên tổng công suất 50.000 MW được địa phương đề xuất.
Chiều 25-9, Bộ Công thương gửi văn bản số 7201 đề xuất Thủ tướng bổ sung quy hoạch 74 dự án điện gió với tổng công suất khoảng 6.400 MW trải dài từ Hà Tĩnh đến Bạc Liêu.
Trong đó, khu vực miền Trung, Tây Nguyên có hơn 50 dự án với tổng công suất hơn 3.500 MW. Nhiều tỉnh có dự án điện gió đề xuất bổ sung lớn như Quảng Trị, Gia Lai, Kon Tum…
Trước đó, Chính phủ đã đồng ý bổ sung 7.000 MW điện gió vào Quy hoạch điện VII.
Theo Bộ Công thương, thời gian qua đã nhận được đề xuất bổ sung quy hoạch của nhiều địa phương, đặc biệt các khu vực có tiềm năng điện gió với tổng công suất các dự án lên gần 50.000 MW.
Sau khi rà soát các dự án điện gió có đủ nhiều điều kiện như khả năng đấu nối vào lưới điện quốc gia, hoàn thành công tác thẩm định, tiềm năng gió tại khu vực, có ý kiến chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ và Quốc hội… Bộ Công thương đề xuất bổ sung quy hoạch các dự án trên.
Trong đó, Bộ Công thương đã tính toán tổng thể và đánh giá khả năng giải tỏa công suất theo từng vùng có tính đến tổng thể các nguồn điện tái tạo đã bổ sung quy hoạch, trong đó có 7.000 MW vừa mới được bổ sung vào tháng 6-2020.
Đối với các dự án điện gió khác đang đề xuất bổ sung, Bộ Công thương cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, xem xét trong quá trình lập Quy hoạch điện VIII.
Hiện nay, cả nước có 9 dự án điện gió nối lưới với tổng công suất khoảng 440 MW đang vận hành.
Theo quyết định 39 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam, các dự án vận hành thương mại trước tháng 11-2021 sẽ được hưởng giá mua điện ưu đãi 8,5 cent/kWh (tương đương 1.927 đồng/kWh) cho điện gió đất liền và 9,8 cent/kWh (tương đương 2.223 đồng/kWh) cho điện gió ngoài khơi.
Với các dự án điện gió đã được bổ sung quy hoạch, các nhà đầu tư điện gió cho rằng khó có thể hoàn thành công trình trước thời điểm cơ chế khuyến khích về giá hết hiệu lực là tháng 11-2021 do thời gian thi công gấp rút.
Ngoài ra, dịch COVID-19 cũng khiến việc đặt hàng, chọn nhà thầu và thi công các dự án điện gió… đình trệ. Trong khi đó, Chính phủ chưa công bố kế hoạch về giá điện, cơ chế đấu thầu thay vì áp dụng giá mua bán điện cố định (giá FIT) sau 2021 khiến các nhà đầu tư còn dè dặt.
Do đó, thời gian qua các doanh nghiệp, hiệp hội về năng lượng tái tạo, Hiệp hội Điện gió toàn cầu (GWEC) và cả Bộ Công thương cũng đề xuất gia hạn biểu giá mua bán điện cố định (giá FIT) đối với điện gió để nhà đầu tư được hưởng giá ưu đãi về giá điện.